"Theo tôi, nhà đất nội đô tăng phi mã như hiện nay có nhiều lý do:
Thứ nhất, chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, nên nhu cầu cần nhà riêng lẻ trong dân rất lớn.
Thứ hai, hạ tầng giao thông công cộng hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại nên người ta không thể ở nhà xa trung tâm quá 30 km.
Thứ ba, việc xây dựng các thành phố vệ tinh hiện còn quá ít, nên tất cả người lao động đều phải co cụm vào trung tâm thành phố để làm việc, kiếm sống.
Thứ tư, việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho nhóm lao động thu nhập trung bình vẫn còn quá chậm. Trong khi đó, đây lại là lực lượng chiếm số đông trong xã hội, dẫn đến tình hình thiếu hụt nhà ở ngày càng trầm trọng.
Thứ năm, một nhóm người có tiền lao vào đầu cơ nhà đất kiếm lời, góp phần đẩy giá nhà lên cao phi mã.
Tôi không biết có bao nhiêu người nhập cư vào thành phố mỗi năm chính xác là bao nhiêu, nhưng chỉ nhìn số sinh viên nhập học rồi ở lại thành phố hằng năm là đã thấy một con số khủng. Nếu tất cả đều mua được nhà thành phố thì chắc hàng triệu chung cư xây mới cũng không đủ chỗ chứa.
Thực tế, nhà chật trong ngõ hẹp ở lõi trung tâm bây giờ vẫn bán được giá cao vì nhu cầu quá lớn. Ông cậu tôi có căn nhà hẻm tại Quận 4, diện tích 20 m2 mới bán được 3 tỷ đồng. Căn nhà đó, hai vợ chồng ông đã dùng để buôn bán vặt, nuôi sống hai đứa con suốt mấy chục năm qua. Giờ họ chuyển qua chung cư cũ ở Quận 7, mua với giá 1,4 tỷ đồng. Tức là ông còn tiền dư gửi ngân hàng để sống.
Tôi cho rằng, lý do duy nhất mà nhiều người cố giữ nhà nội đô như hiện nay là vì tiện ích và mưu sinh. Họ không muốn ra ngoại ô vì chẳng biết làm gì để kiếm sống. Tỷ lệ người hưởng lương hưu của ta còn thấp, và xu hướng bị sa thải ở tuổi 40 còn cao, nên nhiều người cố bám nội đô để sống. Ví dụ như công việc bán đồ ăn sáng, chạy xe công nghệ, xin làm dịch vụ như giúp việc nhà hoặc phụ quán cũng phải ở nội đô mới tiện. Điều đó khiến giá nhà trung tâm đô thị không thể rẻ đi trong một sớm một chiều.
>> 'Chưng hửng vì giá nhà tăng 25% sau một năm chần chừ mua'
Để giải quyết được tất cả vấn đề trên chắc chắn là không dễ, phải mất một thời gian cỡ vài chục năm nữa may ra mới cải thiện được tình hình. Có nghĩa là, trong vòng 10 năm tới, giá nhà chắc chắn vẫn sẽ rất căng thẳng, vì cung không đủ cầu. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan vào bức tranh thị trường nhà đất sẽ đảo chiều trong vòng 20 năm tới. Tôi tin giá nhà lúc đó sẽ hạ nhiệt vì nhiều lý do:
Thứ nhất, dân số già, lao động trẻ, trẻ con đều giảm về số lượng.
Thứ hai, công nghệ phát triển vượt bậc sẽ góp phần xây dựng hạ tầng nhanh, rẻ, kể cả nhà ở.
Thứ ba, robot tích hợp AI sẽ thay thế rất nhiều công việc (cả chân tay và trí óc), dẫn tới thất nghiệp, khiến nhiều người phải rời thành phố để về quê tìm kế sinh nhai.
Thứ tư, việc làm từ xa phát triển sẽ giúp nhiều người không nhất thiết phải ở thành phố mà vẫn có thể làm việc được.
Tất cả những lý do trên sẽ khiến nhu cầu mua nhà ở thành phố ngày càng giảm đi. Vậy nên, với những người thu nhập trung bình, có cố cũng không theo kịp đà tăng giá nhà, thì lời khuyên của tôi là nên về quê, mở rộng diện tích đất nông nghiệp dự phòng sau này, hơn là cố vay nợ mua nhà thành phố rồi có khi trả nợ hết đời cũng chưa xong".
Đó là quan điểm của độc giả Hongnhungpaticusi về tình hình giá nhà ở tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Tiếp tục đà tăng của năm 2023, 6 tháng đầu năm nay giá chung cư Hà Nội tăng nóng và liên tiếp thiết lập mặt bằng giá mới. Giá trên thị trường sơ cấp (chủ đầu tư bán ra) trung bình 65 triệu đồng một m2, tăng 10% theo quý và 24% theo năm. Kể từ năm 2020, giá căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng 18% mỗi năm và đã tăng liên tiếp 22 quý, trong khi giá thứ cấp tăng 14% mỗi năm. Giá nhà tăng nóng khiến những người có nhu cầu "cố mãi không nổi".
- 'Chẳng ai muốn chuyển ra Bình Chánh khi công việc còn trong quận 1'
- 'Nhà đất ngáo giá vì tâm lý FOMO'
- Căn hộ 970 triệu đồng ở Hà Nội tăng giá gấp ba lần
- 'Bỏ tiền tỷ mua đất huyện vùng ven Hà Nội giá hơn 100 triệu đồng một m2'
- Chuyển nhà ra vùng ven TP HCM tưởng lời lại thành lỗ
- 'Mua đất vùng ven Hà Nội, chờ lên giá hết nửa đời người'