"Bộ Công an vừa có đề xuất phạt 30-50 triệu đồng với người có hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng thực hiện quan hệ tình dục trái ý muốn. Tôi cho rằng đề xuất này có vài bất cập cần lưu ý:
Thứ nhất, việc xác minh và chứng minh hành vi ép buộc quan hệ tình dục trong hôn nhân rất khó để xác minh hoặc có bằng chứng rõ ràng, vì nó thường xảy ra trong không gian riêng tư giữa hai người. Vậy nên, việc áp dụng phạt hành chính có thể gây nên khó khăn trong thực hiện và dễ dẫn đến tình trạng phạt không đúng người, cũng như làm tổn thương đến những mối quan hệ không đáng bị xử lý.
Thứ hai, với đề xuất mức phạt tiền cao như vậy, có nguy cơ một số trường hợp sẽ lợi dụng luật để gây áp lực, hoặc tạo ra các vụ tố cáo sai lệch vì mục đích cá nhân, tranh chấp tài sản, hoặc trong các cuộc ly hôn. Nếu quy định không được xây dựng rõ ràng và cụ thể, có thể dẫn đến tình trạng lạm dụng không đáng có.
Thứ ba, việc áp dụng hình thức phạt tiền trong mối quan hệ hôn nhân, một phần nào đó, có thể làm tăng thêm mâu thuẫn, rạn nứt trong các gia đình. Nếu không có cách thức giải quyết vấn đề một cách hài hòa và đồng thuận, quy định này có thể vô tình tạo thêm áp lực lên các gia đình, làm gia tăng các vụ ly hôn thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.
>> Mất hứng vì vợ xăm lông mày
Thứ tư, phạt hành chính có thể không phải là giải pháp tối ưu để xử lý triệt để vấn đề. Thay vì chỉ xử phạt, tôi cho rằng cần kết hợp thêm các chương trình giáo dục về quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tâm lý để giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ về sự đồng thuận trong quan hệ".
Đó là thắc mắc của độc giả Đề Ma Ma sau đề xuất phạt 30-50 triệu đồng với người có hành vi cưỡng ép vợ hoặc chồng thực hiện quan hệ tình dục trái ý muốn mới được Bộ Công an nêu trong dự thảo lần 3 nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 144/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, phòng cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng mục đích của đề xuất là tốt đẹp, nhưng băn khoăn về cách thực thi. Nếu dự thảo được thông qua đây sẽ là lần đầu tiên có quy định về mức xử phạt liên quan hành vi "bạo lực tình dục trong hôn nhân gia đình".
Cùng chung quan điểm trên, bạn đọc Hoàng Lê Khang cho rằng: "Trong giai đoạn hôn nhân, ở Việt Nam, tài sản là của chung hai vợ chồng, kể cả tiền mặt, vàng... Thế nên, việc phạt tiền chẳng khác nào cả hai vợ chồng chia đôi mức phạt. Có lẽ, chúng ta nên cân nhắc các hình phạt khác như lao động công ích, kèm theo trị liệu tâm lý cho cả hai.
Về lý thuyết, hôn nhân lành mạnh bao gồm cả chuyện tình dục. Khi một trong hai người từ chối quan hệ tình dục mà không có lý do chính đáng cũng sẽ gây ức chế cho nửa kia. Do vậy, nên để các chuyên gia tâm lý, hôn nhân gia đình tham gia trị liệu trước khi trừng phạt. Sử dụng bạo lực với người khác, dù thể hiện ở bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật, cần phải được xử lý. Tuy nhiên, nếu thuộc vấn đề hôn nhân gia đình, cũng cần thêm sự góp ý của các chuyên gia tâm lý".
- 5 sai lầm khiến phụ nữ thành nạn nhân bạo hành
- Tư tưởng 'không muốn làm phái yếu' khiến phụ nữ Việt bị chồng bạo hành
- Chiêu bài thao túng tâm lý các nạn nhân bị bạo hành ái kỷ
- Nhiều người đang 'lãng mạn hóa' bạo lực
- Hai người vợ bắt quả tang chồng ngoại tình
- 'Chồng triệt sản thay vì bắt vợ tránh thai'