Thăng Long thành hoài cổ là một bài thơ nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan, viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Bà Huyện Thanh Quan làm bài thơ này sau năm 1802, khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Thăng Long từ đó mất địa vị trung tâm của đất nước về chính trị và văn hóa.
Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Hai câu thực sử dụng thể đối chuẩn mực, nhất là đối ý trong từng câu. Tác giả làm hiện lên hai cảnh xưa và nay, khác nhau một trời một vực:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Xe ngựa, lâu đài là hai mảng hiện thực tượng trưng cho quyền uy lớn và cơ đồ nguy nga của các tiền triều. Trong khi đó, "hồn thu thảo" , "bóng tịch dương" là những hư ảo chập chờn, mong manh. Đến hai câu luận, hầu như chỉ còn sự xúc động của tác giả:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
"Đá" thì trơ gan, "nước" thì cau mặt - hình ảnh được nhà thơ nhân hoá, từ ngữ được sử dụng rất chính xác, như một chất liệu nghệ thuật để biểu đạt tình cảm. Hơn một lần, nữ sĩ muốn nhấn mạnh nỗi băn khoăn, day dứt trước sự thay đổi dữ dội này.
Tóm lại, cả bài thơ toát lên âm điệu sâu lắng, tráng nhã, trịnh trọng bởi mỗi câu thơ đều được kết thúc bằng một từ Hán Việt súc tích. Trong khi đó, các bài thơ khác như Chiều hôm nhớ nhà, Qua đèo Ngang, tỷ lệ từ Hán Việt rất thấp. Do đó, Thăng Long thành hoài cổ được xem là tiêu biểu nhất cho thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
Câu 4: Bà Huyện Thanh Quan quê ở đâu?