Theo sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998), Bà Huyện Thanh Quan có một bầu tâm sự không dữ dội mà sâu lắng, triền miên. Dương Quảng Hàm gọi đó là "tâm sự nước nhà". Tâm sự ấy trải rộng bàng bạc khắp thời gian và không gian, thường lắng đọng vào những khoảnh khắc đáng nhớ nhất, gợi buồn, nhất là cảnh trời chiều.
Nếu như ở bài Qua đèo Ngang, buổi chiều là "Bước tới đèo Ngang bóng xế tà", thì trong Chiều hôm nhớ nhà, đó là "Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn":
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn.
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
Kẻ chốn trang đài, người lữ thứ,
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Thời gian và không gian của tác phẩm được xác định, đúng như lời nhận xét của Ngô Tất Tố trong Thi văn bình chú (Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1942): "Từ câu đầu đến câu thứ sáu hợp lại có thể thành một bức tranh về cảnh trời chiều trong một khúc đường trên sông". Bà Huyện Thanh Quan không chỉ vận dụng sắc màu mà còn ghi nhận cả âm thanh để dựng lên một buổi chiều lặng lẽ, lắng đọng có dư vang.
Bà Huyện Thanh Quan đã phác thảo bức tranh trời chiều để ký gửi tâm sự của mình. Tác giả nói "viễn phố", "cô thôn" để nhấn mạnh sự hiu quạnh. Hình ảnh "chim bay mỏi", "khách bước dồn" nhắc đến nỗi buồn vắng mênh mông, vô tận.
Câu 3: Điền từ còn thiếu trong câu thơ sau ở bài "Thăng Long thành hoài cổ" của Bà Huyện Thanh Quan:
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
(...) còn chau mặt với tang thương.