Virus corona bùng phát với số ca lây nhiễm tăng lên mỗi ngày, vượt qua đại dịch SARS năm 2003, đang thúc đẩy chính phủ Trung Quốc ứng dụng rộng rãi công nghệ hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI) như drone phun thuốc khử trùng ở khu vực bị cách ly và trợ lý giọng nói thông minh (chatbot AI) tư vấn về dịch bệnh tại nhà.
Tại Thượng Hải, nhiều cơ quan đã chuyển sang dùng AI để sàng lọc bệnh nhân hiệu quả hơn. Những người bị nghi lây nhiễm sẽ nhận được cuộc gọi từ chatbot AI yêu cầu tự cách ly tại nhà trong một số trường hợp. "Dựa trên tình trạng hiện tại, bạn nên ở nhà để theo dõi trong vòng 14 ngày", chatbot AI nói. "Chúng tôi sẽ gửi thông tin của bạn tới trung tâm y tế cộng đồng để theo dõi. Vui lòng hãy liên hệ với ủy ban dân cư để được giúp đỡ".
Theo Xinmin Evening News, trợ lý giọng nói thông minh sẽ thu thập các thông tin gồm danh tính, tình trạng sức khỏe... thông qua nhiều câu hỏi khác nhau. Chatbot có thể thực hiện 200 cuộc gọi như vậy trong năm phút, so với thực hiện thủ công mất từ hai đến ba giờ. Sau đó, hệ thống AI sẽ nhanh chóng phân loại thông tin và tạo ra báo cáo hàng ngày, giúp các nhà chức trách có thể theo dõi sát sao tình hình lây lan của virus.
Bên cạnh đó, Shanghai Ling Chi Technology đã phát triển robot thay thế công nhân vệ sinh tại khu vực bị cách ly để giảm tỷ lệ lây nhiễm. Robot có thể hoạt động không nghỉ trong vòng ba giờ, tự xác định tuyến đường cần phun thuốc khử trùng trong bệnh viện.
Ở những vùng xa xôi hơn như tỉnh Nội Mông, chính quyền địa phương đang sử dụng drone để nhắc nhở người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Video ngắn đăng trên Twitter của Global Times cho thấy drone bay theo phụ nữ lớn tuổi không đeo khẩu trang và liên tục đưa ra cảnh báo. "Bà không nên ra khỏi nhà nếu thiếu khẩu trang", một giọng nói phát ra từ drone. "Tốt nhất là bà nên quay về nhà và đừng quên rửa tay".
Tại một số nhà ga, sân bay ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến, công nghệ AI của Baidu hay Intelfusion đã được dùng trong các trạm kiểm tra thân nhiệt để giảm thời gian chờ đợi và nguy cơ lây nhiễm.
Hệ thống do Baidu phát triển sử dụng AI điều khiển cảm biến hồng ngoại quét trên trán của hành khách, kể cả khi đang di chuyển, và phát hiện người có thân nhiệt vượt quá mức cho phép chỉ 0,05 độ C.
"Không chỉ là công cụ giúp tăng cường công tác quản lý và tạo ra đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Big Data và AI còn hỗ trợ cho tất cả ngành công nghiệp và trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của công nghệ", Robin Li, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Baidu cho biết trong bức thư gửi tới nhân viên hôm 3/2.
Vừa qua, công ty bảo mật Trung Quốc Qihoo 360 hợp tác với NoSugar Tech đã phát hành ứng dụng cho phép kiểm tra người tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona.
Những thông tin công khai từ nhiều nguồn tin chính thống, gồm dữ liệu hành trình di chuyển, mã số vé máy, tàu hỏa... được NoSugar Tech biên soạn và xác thực, trước khi đưa vào cơ sở dữ liệu. Sau đó, chúng sẽ được hệ thống AI của Qihoo 360 phân tích để đưa ra cảnh báo đến người dùng. Theo ghi nhận của SCMP, ứng dụng này đã thu hút hơn 21 triệu người dùng chỉ trong hai ngày kể từ khi ra mắt.
Việt Anh (theo SCMP)