Ngoài khơi bang Alaska, Mỹ, những chiếc thuyền buồm không người lái màu cam nổi bật đã xuất hiện trong 8 năm qua, thu thập và cung cấp dữ liệu cho cơ quan khám phá đại dương của chính phủ Mỹ.
Những con thuyền tự động của Saildrone, công ty start-up thành lập năm 2013 có trụ sở tại San Francisco, đã đóng góp quan trọng vào nghiên cứu biến đổi khí hậu. Khi cạnh tranh địa chính trị Mỹ - Trung leo thang và xung đột tại Ukraine nổ ra, Saildrone là một trong số các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, California, chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) với kỳ vọng nhận sự chú ý từ cơ quan có nguồn ngân sách khổng lồ và nhiều mục tiêu cấp bách: Bộ Quốc phòng Mỹ.
Vào năm 2021, Saildrone là nhà thầu chính giúp hải quân Mỹ phát triển đội tàu sử dụng trí tuệ nhân tạo, với khả năng do thám và trinh sát biển sâu.
Richard Jenkins, CEO của Saildrone, cho rằng công ty của ông "đã đi trước 10 năm", và là ví dụ cho thấy công nghệ từ các công ty thương mại tiên tiến hơn nhiều so với hệ thống đang được quân đội Mỹ phát triển.
Giới quan sát quân sự cho rằng Mỹ nên tập trung vào phát triển khí tài AI, có thể là nhân tố thay đổi tác chiến hiện đại, thay vì dồn toàn lực cho khí tài truyền thống như xe tăng, máy bay và tàu chiến.
Ba nhân tố thúc đẩy sự thay đổi này đến từ việc Trung Quốc tăng tốc phát triển công nghệ tiên tiến có khả năng vượt qua lớp phòng thủ của Washington, giao tranh tại Ukraine đã làm nổi bật lợi thế của việc tích hợp công nghệ thương mại vào quân đội của một quốc gia, cuối cùng là tiến bộ đáng kể của trí tuệ nhân tạo.
Công nghệ lưỡng dụng mà Ukraine đang phát triển phần nào là chất xúc tác để giới quân đội ở Washington xích lại gần các công ty ở Thung lũng Silicon. Đây là những công nghệ có thể được dùng cho cả mục đích quân sự và thương mại, như ảnh vệ tinh hay máy bay không người lái (UAV) tự động.
Tại Ukraine, hơn 200 công ty tham gia sản xuất UAV đang hợp tác với quân đội. Những mẫu UAV tích hợp AI đã được thử nghiệm tại Ukraine, với khả năng tiếp tục hoạt động và tiêu diệt mục tiêu ngay cả khi bị hệ thống gây nhiễu can thiệp.
Bộ Quốc phòng Ukraine cũng chia sẻ thông tin về công nghệ gây nhiễu của Nga mà họ có được cho các công ty sản xuất UAV, nhằm nghiên cứu công nghệ có khả năng chống lại thiết bị gây nhiễu tinh vi từ Moskva. Đây được coi là đặc quyền mà không nhiều công ty chế tạo UAV trên thế giới có được.
Khi công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đưa dịch vụ Internet Starlink hoạt động tại Ukraine, SpaceX trở thành công ty thương mại đầu tiên cung cấp giải pháp cho năng lực quân sự của một quốc gia trong chiến sự.
"Những gì diễn ra ở Ukraine thật sự đã thay đổi cuộc chơi. Chưa từng có cuộc xung đột nào trước đây sử dụng nhiều công nghệ thương mại như lần này", Mike Brown, nhà đầu tư mạo hiểm tại Shield Capital, cho biết.
Ngày càng có nhiều áp lực lên chính phủ Mỹ nhằm thu hút những bộ óc từ Thung lũng Silicon và những nhà đầu tư giàu có tại đây, trong bối cảnh Washington cần đối phó với khí tài công nghệ cao từ Trung Quốc. Bắc Kinh đang thử nghiệm các mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa siêu vượt âm tầm xa, những vũ khí có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ.
Giới quan sát nhận định khi AI được phát triển trong quốc phòng, các khí tài hiện đại có thể thay thế binh sĩ thực hiện toàn bộ quá trình "chuỗi tiêu diệt", bao gồm xác định, theo dõi và kết liễu mục tiêu, thậm chí có thể thực hiện với tốc độ siêu thanh.
Một số công ty start-up công nghệ quốc phòng khai thác sức mạnh của AI đã thay đổi cách quân đội Mỹ thu thập và triển khai thông tin tình báo, nâng cấp khí tài quân sự, hay thu thập hình ảnh vệ tinh.
Trong doanh thu 1,9 tỷ USD của công ty Palantir năm ngoái, một nửa là đến từ những hợp đồng với chính phủ Mỹ, bao gồm cung cấp phần mềm AI có công nghệ do thám và phân tích dữ liệu, chẳng hạn để theo dõi những ai bị nghi là khủng bố.
Vào tháng 12/2022, công ty start-up ShieldAI đã điều khiển tiêm kích F-16 không người lái đầu tiên tại sân bay ở Los Angeles. Đây được xem là bước đột phá với không quân Mỹ, vốn đã có hợp đồng với ShieldAI phát triển các loại UAV.
Trong khi đó, những start-up như BlackSky, Capella và PlanetLabs là những công ty viễn thám đã tích hợp AI và vệ tinh để đưa ra những hình ảnh thời gian thực chi tiết, giúp xác định các vị trí đóng quân trong các xung đột.
Vào năm 2015, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập Đơn vị Đổi mới Quốc phòng (DIU), với mục tiêu thúc đẩy áp dụng công nghệ thương mại vào quân đội. Cherissa Tamayori, giám đốc phụ trách chi tiêu tại DIU, đồng tình rằng Thung lũng Silicon có "tầm quan trọng đáng kể" với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, trở ngại với các start-up quốc phòng đến từ việc không dễ để thuyết phục Bộ Quốc phòng Mỹ cắt một phần ngân sách 886 tỷ USD đầu tư vào Thung lũng Silicon. Gói ngân sách này đang được dồn vào 5 nhà thầu quốc phòng chính, trong đó có Lockheed Martin và Boeing.
100 start-up quốc phòng lớn nhất đã huy động tổng cộng 42 tỷ USD từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, doanh thu đến từ những hợp đồng với chính phủ chỉ khoảng 2-5 tỷ USD, theo Silicon Valley Defense Group (SVDG), tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa Thung lũng Silicon và giới chính khách.
Trong báo cáo hồi tháng 7, SVDG nói rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã "đưa ra hứa hẹn hấp dẫn nhưng không có cam kết lâu dài" đối với những công ty khởi nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến.
Các nhà sáng lập và nhà đầu tư cho các start-up ở Thung lũng Silicon cũng đã gửi thư lên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, chỉ trích quy trình mua sắm công nghệ "lỗi thời" của chính phủ. Thư từ Thung lũng Silicon cũng cảnh báo rằng Mỹ đang thất thế trên "chiến trường công nghệ".
Sẽ không đúng nếu nói Washington "bất động" trước lời kêu gọi từ Thung lũng Silicon. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2022 đã thành lập một ủy ban ở quốc hội Mỹ để xem xét các phương án hiện đại hóa hợp đồng quân sự.
Đến tháng 4, Bộ Quốc phòng tổ chức lại DIU, đưa tân giám đốc Doug Beck, cựu giám đốc Apple, làm việc trực tiếp dưới quyền ông Lloyd Austin. Quốc hội cũng đã phân bổ 111 triệu USD cho DIU trong năm nay, cao hơn 45 triệu USD so với ngân sách mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề nghị.
Bổ nhiệm Doug Beck được xem là động thái đưa quân đội và Thung lũng Silicon xích lại gần hơn. Beck từng có 26 năm phục vụ hải quân Mỹ trước khi vào Apple, nơi ông làm việc trực tiếp với CEO Tim Cook.
Anh Hoàng (Theo Financial Times, Washington Post)