Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết vi khuẩn lây qua đường hô hấp, gây hai bệnh cảnh chính gồm nhiễm trùng máu và viêm màng não, số ít gây viêm phổi, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, viêm kết mạc...
Các triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với triệu chứng cảm, cúm như nhức đau họng, sốt, buồn nôn. Vì vậy, bệnh thường phát hiện muộn.
Nhiễm não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hai nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm là trẻ em dưới 5 tuổi và thiếu niên, thanh niên khoảng 14-25 tuổi. Những người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc đồng nhiễm các vi khuẩn đường hô hấp cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bên cạnh đó, vi khuẩn thuận lợi lây lan khi: gặp khí hậu lạnh và ẩm; mật độ dân cư đông đúc, không gian sinh hoạt hạn chế như nhà trẻ, trường học, ký túc xá sinh viên, nhà trọ, trại lính tân binh; điều kiện sinh sống ẩm thấp, chật chội.
Não mô cầu có khả năng gây tử vong nhanh chỉ trong 24 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên. 8 giờ đầu, người bệnh có các triệu chứng không rõ ràng như cúm gồm đau đầu, sốt, viêm họng, sổ mũi, biếng ăn, buồn nôn. Từ giờ thứ 9 đến 15, cơ thể xuất hiện tử ban, lạnh tay chân, cứng cổ, sợ ánh sáng. Từ 16 đến 24 giờ, bệnh nhân co giật, mê sảng, mất ý thức, tử vong. Bên cạnh đó, dấu hiệu phát ban điển hình của bệnh có thể không xuất hiện dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm.
![Thanh niên tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/thanh-nien-tiem-vx-tai-VNVC-17-2783-9212-1739516237.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7_x5RfL7n1yshd4PHHwxDg)
Thanh niên tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Diệu Thuần
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, thường gặp vào mùa đông - xuân. Trong tháng 2, cả nước đã ghi nhận một vài trường hợp nhiễm não mô cầu. Trường hợp đầu tiên là em bé 7 tuổi, sống tại Bắc Kạn, nhiễm bệnh ngày 8/2. Ban đầu, bé có bị ho, sốt trên 38 độ C, tới cuối ngày chuyển hôn mê, ngừng tuần hoàn. Hiện, bé đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ngày 10/2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một quân nhân bị sốc nhiễm khuẩn do vi khuẩn não mô cầu thể tối cấp. Đây thể bệnh rất nặng, còn gọi là thể sét đánh, có thể dẫn tới tử vong trong 12-24 giờ. Bệnh nhân tử vong chỉ sau thời gian ngắn cấp cứu.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khoảng 50% bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị đúng cách. Dù được điều trị kịp thời và tích cực, bệnh cũng có tỷ lệ tử vong cao, lên đến 15%. Có đến 20% bệnh nhân sống sót sau viêm màng não do não mô cầu phải chịu nhiều di chứng như hoại tử chi, điếc, liệt, chậm phát triển trí tuệ...
Trong cộng đồng, bệnh khó phát hiện nguồn lây cụ thể. Lý do, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng chiếm 5-25%. Tỷ lệ này cao hơn tại khu vực có dịch bệnh. Theo Hội Y học dự phòng Việt Nam, thanh niên là nguồn lây truyền chính mầm bệnh cho cộng đồng, có đến 10% thanh thiếu niên và người trưởng thành là người lành mang trùng thoáng qua và không có triệu chứng.
Theo bác sĩ Chính, việc thường xuyên du lịch, di chuyển, công tác ở nhiều vùng miền khác nhau, cũng làm tăng nguy cơ tiếp xúc với các chủng vi khuẩn não mô cầu khác nhau. Cường độ vận động cao, áp lực công việc hoặc chế độ dinh dưỡng không đầy đủ cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.
Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn. Nơi ở và nơi làm việc cần vệ sinh sạch, thông thoáng. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đồng thời báo cơ quan y tế địa phương để điều tra, giám sát, xử lý.
Bên cạnh các biện pháp trên, bác sĩ Chính khuyến cáo người từ 2 tuổi trở lên nên tiêm vaccine phòng bệnh. Tiêm chủng là phương pháp phòng bệnh hiệu quả chủ động, sẵn có tại Việt Nam.
Vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm huyết thanh gây bệnh, trong đó 5 nhóm huyết thanh thường gặp ở Việt Nam là A, B, C, Y, W-135, có thể phòng ngừa bằng ba loại vaccine.
Loại phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero, Italy) tiêm cho người từ 2 tháng đến 50 tuổi. Loại phòng nhóm BC (Mengoc BC, Cuba) tiêm cho người từ 6 tháng đến 45 tuổi. Loại phòng não mô cầu nhóm ACYW-135 (Menactra, Mỹ) tiêm cho người từ 9 tháng đến 55 tuổi. Hiện ba loại vaccine được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, loại bexsero và Menactra được ưu tiên sử dụng để phòng ngừa nhiều chủng và nhóm huyết thanh não mô cầu gây bệnh hơn.
Các vaccine não mô cầu không có miễn dịch phòng ngừa chéo nên trẻ em và người lớn cần tiêm sớm và đầy đủ vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh trên.
Gia Nghi - Bình An