Chính vì sự thiêng liêng đó mà nhiều thầy cô hiệu trưởng, dù năm nào cũng đánh trống khai trường, thì trước ngày khai giảng, vẫn dành thời gian để luyện tập lại, với mong muốn tiếng trống khai giảng sẽ thật ấm, thật vang, thật khí thế để khởi động một năm học mới.
Một số trường còn có thêm mục bình trống. Khi hiệu trưởng đánh trống khai trường, hiệu phó sẽ đọc một bài thơ bình trống, để hòa cùng tiếng trống đang giục giã, và gửi gắm những ước nguyện tốt lành cho một năm học mới.
Đó là một hình ảnh rất đẹp, như biểu tượng của một sự cộng tác, sự hỗ trợ và ghi nhận lẫn nhau giữa các thành viên ban giám hiệu khi năm học mới bắt đầu.
Vì thế, tiếng trống khai trường bao giờ cũng là điểm nhấn của buổi lễ, thăng hoa thành thời khắc thiêng liêng, trở thành biểu tượng của một năm học mới.
Tiếng trống khai trường chính là lời tuyên bố năm học mới chính thức bắt đầu.
Vấn đề là ai đánh trống?
Nếu như trước đây, việc đánh trống khai trường đương nhiên là của hiệu trưởng, vì đó là hiệu lệnh khởi đầu của một năm học mới, thì mấy năm gần đây, bỗng dưng có trào lưu lãnh đạo địa phương, ban ngành đánh trống.
Thoạt tiên, việc này xảy ra có lẽ chỉ là một sự xã giao. Khoảnh khắc thiêng liêng nhất của buổi lễ sẽ dành cho người lãnh đạo có mặt tại trường.
Nhưng lãnh đạo chỉ xuất hiện và đánh trống. Việc dạy, việc học, việc quản lý vận hành, việc cổ vũ cho cả một năm học mới đến, là chuyện của thầy trò.
Vì thế, tiếng trống của các lãnh đạo vẫn là tiếng trống của người ngoài cuộc, thiếu sự kết nối thiêng liêng của thầy - trò, trong một khoảnh khắc thăng hoa đáng nhớ.
Điều này cũng giống như trong các hội thảo khoa học, các lãnh đạo thường xuất hiện và cho ý kiến chỉ đạo hội thảo.
Nhưng chỉ đạo gì trong một hội thảo khoa học chuyên sâu? Quả thực là một tình huống đau đầu cho cả lãnh đạo lẫn các nhà khoa học.
Nguyên nhân của cả hai hiện tượng này, đều là do sự cả nể và xã giao dành cho lãnh đạo, chứ không xuất phát từ lợi ích và sự nghiêm cẩn của chính các hoạt động chuyên môn đang diễn ra.
Ai cũng biết, nhưng không ai dám làm khác đi. Vì làm khác đi, biết đâu lại có những phiền phức không đáng có.
Nay ngày khai giảng lại đến. Câu hỏi "Ai đánh trống khai giảng?" lại trở thành mối quan tâm và chủ đề thảo luận chung của cả xã hội.
Một số địa phương đã có văn bản chỉ đạo, nêu rõ rằng lãnh đạo chỉ tham dự lễ khai giảng, không tham gia đánh trống khai trường.
Đó là một chỉ đạo đúng và hợp lòng xã hội.
Lãnh đạo có công việc của lãnh đạo. Hiệu trưởng có công việc của hiệu trưởng. Mỗi người đều có vai trò và trách nhiệm của riêng mình, không nên chồng chéo, không nên lẫn vai nhau.
Vào ngày khai trường, các lãnh đạo đến dự lễ khai giảng như một sự chứng kiến và cổ vũ, chứ không làm thay công việc của nhà trưởng.
Bao nhiêu năm nay, tiếng trống là của nhà trường. Tiếng trống khai giảng thiêng liêng và háo hức lại càng là của nhà trường.
Vì thế hãy trả tiếng trống khai trường về cho hiệu trưởng, người có thẩm quyền và nhiệm vụ đánh trống khai trường, để tiếng trống có được sự chính danh, vang lên giòn giã, trang nghiêm mà ấm áp, vào thời khắc thiêng liêng của một năm học mới.
Giáp Văn Dương