"Chúng ta nên xử lý thật nặng người đầu độc và người bán chất độc. Tôi cũng tự hỏi từ mấy vụ trước không hiểu quản lý mua bán xyanua kiểu gì mà ai cũng mua được?".
Đó là thắc mắc của độc giả Vu Linh xung quanh vụ án đầu độc người thân bằng xyanua vừa xảy ra khiến dư luận bức xúc. Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là: làm thế nào hung thủ có thể mua được chất độc, và sẽ phải siết chặt cách quản lý hóa chất độc hại ra sao?
Cùng chung nỗi lo ngại khi việc mua bán hóa chật độc hại vẫn diễn ra rất phổ biến và dễ dàng, bạn đọc Van Du Nguyen cho rằng: "Tôi nghĩ xyanua và các loại hóa chất độc hại khác cần phải được siết chặt quản lý. Hiện nay, công tác kiểm soát hoạt động mua bán còn đang rất lỏng lẻo, nên người dân sử dụng vô tội vạ với nhiều mục đích khác nhau.
Không chỉ có tình trạng ngộ độc cấp, việc lạm dụng hóa chất của trong sản xuất, bảo quản thực phẩm cũng rất nguy hiểm. Thiết nghĩ cơ quan quản lý cần siết chặt việc kinh doanh, buôn bán tất cả các loại hóa chất để đảm bảo sức khỏe của người dân".
>> Gia đình 5 người chết liên tục, sao không ai nhận ra điều bất thường?
Theo Nghị định 113/2017/NĐ-C, cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh hóa chất này, cần phải có giấy phép đặc biệt, còn người muốn mua phải có giấy giới thiệu, công văn, nói rõ số lượng, mục đích của việc mua bán. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mua bán diễn ra khá dễ dàng, từ các chợ đầu mối về hóa chất đến kinh doanh online.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi công tác quản lý hóa chất độc hại để hạn chế rủi ro, độc giả PAPO kết lại: "Mỗi một lần xã hội phải rúng động vì những vụ án liên quan đến các chất hóa học độc hại như thế này, người ta đều nhìn lại và nói cần phải thế này, cần phải thế kia... Đó là hậu quả nhãn tiền mà ai cũng trông thấy. Vì thế cần làm nghiêm túc, vá ngay các lỗ hình trong việc quản lý hóa chất để nhiều người không phải bỏ mạng một cách oan uổng nữa".