Trong buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2018 sáng nay, Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam nhận định trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh và toàn diện. Tốc độ tăng trưởng tốt có thể được duy trì trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa, điều kiện kinh doanh được cải thiện và vĩ mô ổn định.
Năm nay, ADB dự báo GDP Việt Nam tăng 6,9%, thấp hơn so với 7,1% trong báo cáo tháng 4. Nguyên nhân là xuất khẩu, nông nghiệp, xây dựng và khai khoáng dự kiến giảm nhẹ trong nửa cuối năm. Dù vậy, dự báo cho năm tới vẫn được giữ nguyên tại 6,8%.
Trong báo cáo Điểm lại hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) lại dự báo GDP Việt Nam tăng 6,8% năm nay, nâng lên so với dự báo 6,5% trước đó. Hai năm tới, tốc độ này sẽ chậm lại, còn 6,6% và 6,5%, do sức cầu toàn cầu chững lại.
Tại phiên họp thường kỳ cuối tháng 8, Chính phủ dự báo GDP năm nay có thể đạt trên 6,7%, cao hơn mục tiêu đặt ra. Lạm phát cũng sẽ dưới 4%.
Trong báo cáo ADO, ADB nhận định Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều thách thức trong và ngoài nước. Đó là tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn giảm nhẹ, căng thẳng thương mại toàn cầu và áp lực lạm phát.
Lạm phát của Việt Nam năm nay và năm tới đều được điều chỉnh tăng, lên lần lượt 4% và 4,5%. Nguyên nhân là áp lực lạm phát có thể tiếp tục duy trì trong ngắn hạn, do giá dầu thế giới và giá lương thực tăng.
Đề cập đến cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Sigwik cho rằng, việc này sẽ có một số tác động chung đến Việt Nam. Đầu tiên là thương mại toàn cầu đi xuống, khiến quốc gia hội nhập sâu như Việt Nam dễ tổn thương. Thứ hai là trước mắt, Việt Nam có thể hưởng lợi nếu Mỹ tìm hàng nhập khẩu thay thế cho hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này cũng mang đến nguy cơ nếu hàng hóa Trung Quốc mượn đường Việt Nam để sang Mỹ.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế của ADB bổ sung rằng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có thể khiến các công ty Trung Quốc hoặc doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam. Tuy vậy, thách thức cũng không hề nhỏ nếu các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc lại chiến lược kinh doanh, Trung Quốc phá giá tiền tệ hoặc cạnh tranh toàn cầu tăng lên khi cả Trung Quốc và Mỹ đều tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu.
ADB cho rằng các bên cần tiếp tục theo sát tình hình để đánh giá tác động của chiến tranh thương mại đến Việt Nam và đưa ra đối sách phù hợp. “Về lâu dài, điều dễ nhận thấy nhất là thương mại đi xuống, cạnh tranh trên thị trường cũng sẽ tăng lên”, ông Sidgwick nhận định.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực, cơ quan này cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa thị trường. “Việc này sẽ làm tăng tính cạnh tranh của Việt Nam, dù có chiến tranh thương mại hay không”, ông Cường cho biết. Bên cạnh đó, trong một thập kỷ tới, nhu cầu nội địa được dự báo tăng do thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ là một hướng đi cho Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc lao động giá rẻ liệu có tiếp tục là lợi thế của Việt Nam trong tương lai, ADB cho rằng đây chỉ là một trong các yếu tố nhà đầu tư ngoại đánh giá khi quyết định đổ tiền vào một quốc gia. “Lao động Việt Nam có giá rẻ tương đối so với nhiều nước, nhưng năng suất lao động lại thấp. Trong tương lai, nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn vào năng suất lao động nhiều hơn”, ông cho biết.
Hà Thu