Xe tăng Leopard 2 Thổ Nhĩ Kỳ trúng tên lửa của YPG
Hãng thông tấn ANF News hôm 21/1 đưa tin Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd đã phá hủy 5 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó gồm cả mẫu Leopard 2 hiện đại, chỉ trong một ngày giao tranh ở khu vực gần thành phố Afrin, tây bắc Syria.
Theo các chuyên gia quân sự, với việc điều xe tăng, thiết giáp tiến vào lãnh thổ Syria để chống lại YPG, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối mặt với "ác mộng" đến từ các loại tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) hiện đại của Nga và Mỹ và nhiều nước phương Tây mà dân quân người Kurd đang sở hữu.
9M113 Konkurs
Giới quan sát cho rằng chiếc xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong video trên đã bị phá hủy bởi một tên lửa 9M113 Konkurs. Tên lửa Konkurs do Liên Xô chế tạo, được thiết kế cho xe thiết giáp như BMP-2, BMD-2 và BRDM-2. Tuy nhiên, lực lượng YPG thường triển khai chúng từ bệ phóng cơ động do bộ binh mang vác.
Tên lửa 9M113 Konkurs nguyên bản có khả năng xuyên 600 mm thép cán đồng nhất (RHA), trong khi các biến thể mới như 9M113M đủ sức phá giáp phản ứng nổ (ERA) và xuyên thủng 800 mm RHA. Tổ hợp Konkurs có tầm bắn tối đa 4.000 m.
Hệ thống điều khiển hỏa lực được lắp thiết bị cảnh báo, có thể tự động kích hoạt khi phát hiện quả đạn bị gây nhiễu bởi các hệ thống như Shtora. Xạ thủ có thể chuyển chế độ dẫn bắn từ phương pháp dẫn đường bán tự động trong tầm nhìn thẳng (SACLOS) sang thủ công (MCLOS) nhằm duy trì khả năng điều khiển, nhưng sẽ khiến độ chính xác suy giảm.
MILAN
Tên lửa chống tăng cho bộ binh (MILAN) là dòng ATGM do Pháp và Tây Đức hợp tác phát triển. Quá trình thiết kế bắt đầu từ năm 1962, các tổ hợp MILAN đầu tiên được đưa vào biên chế sau đó 10 năm.
Tên lửa MILAN áp dụng phương pháp dẫn đường SACLOS, đòi hỏi xạ thủ liên tục nhắm vào mục tiêu để dẫn đường cho quả đạn. Tín hiệu điều khiển được truyền qua dây dẫn, giúp tên lửa MILAN gần như miễn nhiễm với các loại mồi bẫy nhiệt và gây nhiễu điện tử. Xạ thủ có thể lắp hệ thống kính ngắm nhiệt để sử dụng tên lửa trong điều kiện đêm tối.
Tuy có khả năng kháng nhiễu cao, phương pháp dẫn đường SACLOS khiến tên lửa có tầm bắn ngắn, chỉ khoảng 2.000 m. Xạ thủ cũng phải giữ nguyên vị trí để dẫn đường cho quả đạn, khiến họ dễ bị phát hiện và bắn trả. Các hệ thống phòng vệ thụ động như Shtora-1 của Nga cũng có thể làm mù quả đạn, khiến nó mất điều khiển và bay lạc khỏi mục tiêu.
Biến thể MILAN đầu tiên có đường kính 103 mm, sử dụng đầu đạn nổ lõm xuyên giáp (HEAT) với khả năng chọc thủng giáp thép cán đồng nhất (RHA) dày 350 mm. Các phiên bản MILAN sau đó được tăng cường kích thước và trang bị thêm đầu nổ HEAT kép, tăng sức xuyên phá giáp xe tăng. Mẫu MILAN ER mới nhất đạt tầm bắn 3.000 m, đủ sức đánh bại giáp phản ứng nổ (ERA) và RHA dày 1.000 mm.
YPG từng tung hình ảnh cho thấy lực lượng này đang sử dụng một tổ hợp MILAN chống lại phiến quân IS trong trận chiến bảo vệ thị trấn Kobane.
BGM-71 TOW
Một loại tên lửa khác có thể được dân quân người Kurd sử dụng để tiêu diệt xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ là BGM-71 TOW.
Được Mỹ sản xuất lần đầu năm 1970, TOW là một trong những loại ATGM phổ biến nhất thế giới hiện nay. Loại vũ khí này có thể sử dụng trong nhiệm vụ chống tăng thiết giáp, diệt lô cốt và công sự, cũng như chống tàu đổ bộ. Tên lửa TOW thường xuyên xuất hiện trong các trận đánh giữa quân đội chính phủ Syria với phiến quân đối lập, cũng như lực lượng YPG với xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ.
Tên lửa TOW ứng dụng phương pháp dẫn bắn SACLOS thông qua dây dẫn, đạt tầm bắn tối đa 3.750 m. Đoạn dây này tự động bị cắt nếu tên lửa bay hết tầm mà không đánh trúng mục tiêu, hoặc thiết bị bám bắt không phát hiện được tín hiệu nhiệt của quả đạn trong vòng 1,85 giây sau khi phóng. Tên lửa cũng tự hủy ngay khi dây dẫn bị cắt đứt.
Phiên bản TOW đầu tiên xuyên được lớp RHA dày 430 mm, trong khi biến thể TOW-2A có thể đánh thủng 900 mm RHA sau khi phá giáp phản ứng nổ bên ngoài. Tuy nhiên, tên lửa TOW có thể bị vô hiệu hóa trước hệ thống phòng thủ thụ động Shtora của Nga.
Tên lửa TOW được Mỹ viện trợ cho lực lượng nổi dậy Syria chống lại IS. Tuy nhiên, các chuyên gia không loại trừ khả năng vũ khí này rơi vào tay YPG trong các trận giao tranh trên chiến trường.
9K115-2 Metis-M1
Tên lửa chống tăng Metis-M được Nga đưa vào biên chế từ năm 1992, trong khi biến thể Metis-M1 mới nhất xuất hiện từ cuối năm 2015. Nhà thiết kế đặt hai liều nổ HEAT nằm tách biệt bởi phần giữa tên lửa, thay vì xếp chồng lên nhau như ATGM phương Tây. Điều này giúp tăng chiều dài luồng hội tụ xuyên giáp, giúp đầu đạn chính được kích hoạt từ khoảng cách xa hơn, bảo vệ nó khỏi bị hư hỏng do vụ nổ từ đầu đạn sơ cấp phía trước.
Một khẩu đội Metis-M gồm ba người và 5 quả đạn, trong đó xạ thủ mang bệ phóng gắn sẵn tên lửa, rút ngắn thời gian chuẩn bị chiến đấu. Trong trường hợp mục tiêu xuất hiện bất ngờ, xạ thủ Metis-M có thể phóng đạn ở tư thế vác vai mà không cần dựng giá đỡ.
Metis-M1 mới chỉ được biên chế đại trà cho quân đội Nga, trong khi YPG được cho là mới sở hữu mẫu Metis-M cũ hơn. Dòng tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt xe tăng chủ lực trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS) và giáp ERA, xe bọc thép hạng nhẹ, công sự kiên cố và các mục tiêu khác trong mọi thời tiết, bất kể ngày đêm. Metis-M có thể xuyên thủng lớp giáp RHA dày 800 mm sau khi vượt qua ERA.
Metis-M có khả năng xuyên thủng gần như mọi vị trí trên xe tăng Leopard 2 tối tân của Thổ Nhĩ Kỳ. Những dòng tăng cũ hơn như M48, M60T Sabra hay Leopard 1 khó có cơ hội sống sót nếu bị Metis-M đánh trúng.
Các tay súng người Kurd từng xuất hiện bên cạnh mẫu FGM-148 Javelin của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều khả năng tên lửa Javelin thuộc về các đơn vị đặc nhiệm Mỹ hoạt động cùng YPG, không phải vũ khí chính thức của lực lượng này.
Tử Quỳnh