Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) luôn là thế mạnh của quân đội Nga. Hiện nay, lính bộ binh Nga đang được trang bị bộ đôi ATGM Kornet và Metis-M1, được coi là sát thủ nguy hiểm đối với mọi lực lượng tăng thiết giáp trên thế giới, theo National Interest.
Thời Chiến tranh Lạnh, các tổ hợp như 9M113 "Konkurs" và 9K115 "Metis" được đánh giá là những mẫu ATGM tốt nhất thế giới, vượt xa hệ thống M47 Dragon của Mỹ. Washington giành lại ưu thế với sự xuất hiện của tên lửa FGM-148 Javelin, nhưng Moscow cũng nhanh chóng đưa ra câu trả lời cho thế kỷ 21.
ATGM chủ lực của bộ binh Nga hiện nay là tên lửa 9M133 "Kornet". Trong khi các loại ATGM phương Tây chỉ có tầm bắn 2,5 km, tổ hợp Kornet có thể diệt xe tăng địch từ khoảng cách tới 8 km. Đổi lại, mỗi tổ hợp Kornet nặng khoảng 63,7 kg, chủ yếu nằm ở khối lượng tên lửa. Tuy nhiên, nó vẫn nhẹ hơn 30 kg so với hệ thống BGM-71 TOW lắp giá ba chân của Mỹ.
Tương tự mẫu 9M113 Konkurs, tên lửa Kornet phản ánh học thuyết tác chiến của quân đội Nga, trong đó bộ binh và xe cơ giới đều dùng chung mẫu ATGM thống nhất, dù điều này sẽ tăng khối lượng mang vác của binh sĩ.
Ra đời vào năm 1994, tổ hợp 9M133 Kornet được thiết kế để tiêu diệt mọi xe tăng hiện đại của phương Tây như Leopard 2 và M1 Abrams nhờ đầu đạn kép. Nhà thiết kế đặt hai liều nổ lõm xuyên giáp (HEAT) nằm tách biệt bởi phần giữa tên lửa, thay vì xếp chồng lên nhau như ATGM phương Tây.
Thiết kế đầu đạn Kornet giúp tăng chiều dài luồng hội tụ xuyên giáp, giúp đầu đạn chính được kích hoạt từ khoảng cách xa hơn, bảo vệ nó khỏi bị hư hỏng do vụ nổ từ đầu đạn sơ cấp phía trước. Giới phân tích nhận định tên lửa Kornet đủ sức xuyên thủng giáp xe tăng M1A2 Abrams hiện đại của Mỹ ở mọi vị trí, trừ mặt trước tháp pháo. Tuy nhiên, khu vực này vẫn có những điểm có thể bị tên lửa Kornet đe dọa.
Xe tăng M1 Iraq nổ tung sau khi trúng một quả Kornet
Các gói nâng cấp hiện đại cho Abrams như TUSK cũng khó lòng ngăn chặn tên lửa Kornet, do thiết kế đầu đạn kép và liều nổ cỡ lớn của nó. Hồi năm 2006, tên lửa Kornet đã xuyên qua giáp của 24 xe tăng Merkava tối tân trong biên chế Israel, trong đó 4 chiếc bị phá hủy hoàn toàn.
Một điểm nổi bật khác của Kornet là kính ngắm ảnh nhiệt ngày/đêm có khả năng phóng đại gấp 12-20 lần, lớn hơn mức phóng đại 12 lần trên kính ngắm cùng loại của tên lửa Javelin. Kính ngắm ảnh nhiệt ITAS trên tổ hợp TOW có độ phóng đại 24 lần, nhưng nó nặng hơn nhiều so với hệ thống ngắm bắn của Kornet. Tầm bắn và khả năng phát hiện mục tiêu lớn cho phép Kornet tấn công cả những mục tiêu như trực thăng bay thấp.
Phiên bản Kornet-E trang bị cho bộ binh được dẫn đường bán tự động (SACLOS) bằng phương pháp bám chùm tia laser, trong khi biến thể Kornet-EM và Kornet-D cho xe cơ giới trang bị hệ thống dẫn bắn tự động, cho phép mỗi xe điều khiển hai tên lửa cùng lúc.
Tên lửa Kornet có thể xuyên qua lớp giáp thép cán đồng nhất (RHA) dày 1.100-1.300 mm sau khi phá hủy giáp phản ứng nổ (ERA), hoặc tiêu diệt mục tiêu sau lớp bê tông dày 3,5 m. Nga còn phát triển phiên bản sử dụng đầu nổ nhiệt áp, nhằm tiêu diệt bộ binh và mục tiêu mềm trên chiến trường.
Bên cạnh dòng Kornet, bộ binh Nga còn sở hữu loại ATGM có uy lực không kém là 9K115-2 "Metis-M1". Mỗi tổ hợp Metis-M1 có khối lượng chiến đấu 25 kg, tầm bắn hai km, tương đồng với các ATGM truyền thống của phương Tây. Tuy nhiên, nó không được biên chế rộng rãi như dòng Kornet.
Metis-M1 cũng ứng dụng thiết kế đầu đạn kép tương tự Kornet. Được biên chế từ tháng 3/2016, Metis-M1 được thiết kế để tiêu diệt xe tăng chủ lực trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS) và giáp phản ứng nổ, xe bọc thép hạng nhẹ, công sự kiên cố và các mục tiêu khác trong mọi thời tiết, bất kể ngày đêm. Metis-M1 có thể xuyên thủng lớp giáp RHA dày 900-950 mm sau khi vượt qua ERA.
Tương tự dòng Kornet, Metis-M1 có khả năng xuyên thủng gần như mọi vị trí của xe tăng M1 Abrams, trừ mặt trước tháp pháo do kích cỡ đầu đạn nhỏ hơn Kornet. Tên lửa này cũng được trang bị tổ hợp kính ngắm ảnh nhiệt hiện đại và truyền tín hiệu điều khiển tới quả đạn qua dây dẫn.
Tên lửa Kornet và Metis-M1 có uy lực lớn, nhưng dễ bị đánh chặn bởi các hệ thống APS do tốc độ hành trình thấp, khoảng 300 m/s và 200 m/s. Cơ chế dẫn đường SACLOS cũng đòi hỏi xạ thủ liên tục điều khiển đường bay của quả đạn, khiến họ dễ bị đối phương phát hiện và đánh trả.
Tổ hợp Metis-M1 khai hỏa trong thử nghiệm
Trong khi đó, mẫu Javelin áp dụng cơ chế "bắn và quên", giúp xạ thủ có thể rút lui ngay sau khi bắn. Bù lại, Javelin cần lắp đầu dò riêng cho từng quả đạn, tăng giá thành chế tạo, đồng thời hạn chế khả năng bám bắt mục tiêu ở tầm xa.
Việc Nga lựa chọn hệ dẫn đường SACLOS cho Kornet và Metis-M1 có thể vì khả năng vận hành linh hoạt và độ tin cậy của chúng, thay vì thiếu công nghệ như nhiều người lầm tưởng. Moscow đang tiếp tục phát triển phiên bản sử dụng đầu đạn nhiệt áp và đạn nổ mạnh (HE) cho cả hai loại tên lửa, giúp chúng tấn công được nhiều mục tiêu khác nhau hơn trong tương lai.
Duy Sơn