Cùng với việc xây dựng bến xe Miền Đông mới quy mô lớn nhất nước, năm 2015 TP HCM bắt đầu triển khai dự án mở rộng đường Hoàng Hữu Nam từ 7 lên 30 m, tổng mức đầu tư hơn 402 tỷ đồng giúp tăng kết nối, thuận tiện cho người dân đi lại.
Đoạn đường được nâng cấp dài 1,7 km, từ bến xe Miền Đông mới đến nút giao xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án ngay giai đoạn đầu đã gặp nhiều trở ngại do vướng bàn giao mặt bằng và ảnh hưởng đại dịch, phải tạm ngưng năm 2019. Sau khi khởi động lại hồi tháng 5/2023, đến nay công trình mới đạt hơn 60% do khâu đền bù, giải tỏa vẫn chưa xong.
Đầu tháng 4, việc thi công chỉ tập trung ở đường D400 và số 13 (thuộc phạm vi dự án mở rộng đường Hoàng Hữu Nam). Hai tuyến này đã được nâng cấp, trải nhựa, đang hoàn thiện một số hạng mục còn lại như lát gạch vỉa hè, biển báo... Riêng khu vực đường Hoàng Hữu Nam, công trường vẫn "nằm chờ" mặt bằng.
"Đoạn này ngoài dẫn vào bến xe còn kết nối các cảng, khu công nghiệp với mật độ xe khách, ôtô tải, xe container... rất đông mỗi ngày. Đường hẹp, lại không có dải phân cách nên dễ xảy ra tai nạn", anh Văn Nam, 37 tuổi, thường chạy xe qua khu vực này nói.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức (chủ đầu tư), để triển khai dự án đường Hoàng Hữu Nam cần thu hồi hơn 47.550 m2 đất của 154 hộ dân, tổ chức. Hiện, phần lớn mặt bằng đã được giải tỏa, chỉ còn vướng mắc chính ở 39 hộ với hơn 3.600 m2 chưa xong thủ tục bàn giao.
Các hộ này nằm trong ranh dự án mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ thành phố, có chủ trương triển khai từ nhiều năm trước nhưng chưa tiến hành đền bù. Đây cũng là phần diện tích nằm dọc đường Hoàng Hữu Nam chưa thể thi công. "Nếu 39 hộ còn lại được giải tỏa xong sớm, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành dịp 30/4 năm tới", đại diện chủ đầu tư nói.
Trước đó, năm 2008 TP HCM ra quyết định thu hồi đất để mở rộng và điều chỉnh ranh giới Nghĩa trang liệt sỹ thành phố tại phường Long Bình, quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức). Trong tổng diện tích cần thu hồi bao gồm hơn 3.600 m2 của 39 hộ dân nêu trên. Khi dự án đường Hoàng Hữu Nam triển khai năm 2015, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục giải phóng mặt bằng, rồi chuyển giao cho chủ đầu tư để thi công mở rộng đường.
Tuy nhiên, theo UBND TP Thủ Đức, đến nay dự án Nghĩa trang liệt sỹ vẫn chưa tiến hành đền bù và thu hồi phần diện tích nêu trên, kéo theo quá trình mở rộng đường Hoàng Hữu Nam cũng bị chậm trễ. Trước tình hình đó, năm 2021 địa phương kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu thành phố điều chỉnh dự án khu nghĩa trang theo hướng giảm phần diện tích liên quan đến 39 hộ để bàn giao qua TP Thủ Đức. Phương án này giúp địa phương chủ động giải phóng mặt bằng, không phải chờ dự án khu nghĩa trang. Tuy nhiên, vấn đề này đến nay chưa giải quyết xong.
Công trình mở rộng đường Hoàng Hữu Nam chậm trễ nhiều năm không chỉ gây khó khăn cho người dân đi lại mà còn hạn chế kết nối giao thông tới bến Miền Đông mới. Tháng 10/2020, bến xe này đưa vào khai thác nhưng dự án trên vẫn dang dở, ảnh hưởng xe ra vào. Đặc biệt, sau khi Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đưa vào hoạt động, cùng Depot Long Bình của Metro Bến Thành - Suối Tiên xây dựng ở khu vực này, lưu lượng xe tăng cao càng gây áp lực giao thông khi dự án đường Hoàng Hữu Nam chưa hoàn thành.
Đại diện bến xe Miền Đông mới cho biết từ thời gian đầu xây dựng, khu bến cùng hạ tầng xung quanh được lên kế hoạch triển khai đồng bộ, bao gồm dự án đường Hoàng Hữu Nam. Hiện, công trình chưa hoàn thành ngoài gây khó khăn cho xe khách ra vào, người dân trong khu dân cư bên cạnh cũng gặp khó khi di chuyển ra quốc lộ 1 vì phải đi vòng. Do vậy, bến xe đang phải dành một phần đường nội bộ (tuyến A8) tổ chức lối đi tạm cho người dân.
Ngoài đường Hoàng Hữu Nam, nhiều công trình khác kết nối bến Miền Đông mới cũng đang dang dở. Trong đó, dự án xây dựng hệ thống cầu vượt, hầm chui trước bến xe, tổng mức đầu tư hơn 437 tỷ đồng đến nay còn một số hạng mục chưa hoàn thành. Công trình mở rộng đoạn quốc lộ 1 qua khu vực này cũng đang chậm trễ do vướng mặt bằng.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm nhưng thời gian qua luôn trong cảnh vắng khách, hiệu quả chưa như kỳ vọng. Hiện, khách qua nơi nay bình quân khoảng 4.000 lượt mỗi ngày, đạt chừng 5% công suất.
Ngoài lý do chính bến xa nội đô, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, còn do tình trạng "xe dù, bến cóc" rầm rộ ở khu vực xung quanh. Ngoài ra, nhiều đơn vị vận tải bỏ bến ra ngoài hoặc chuyển qua bến liên tỉnh khác, ảnh hưởng mục tiêu khai thác ở bến Miền Đông mới.
Gia Minh