Kế hoạch đưa bến xe mới hoạt động vừa được Sở Giao thông Vận tải công bố sau chỉ đạo của UBND thành phố và làm việc cùng chủ đầu tư - Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) hồi đầu tháng 9.
Xe đi và đến bến xe mới chạy quốc lộ 1 sẽ qua cầu Đồng Nai và ngược lại. Trường hợp đi cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hành trình: đường Hoàng Hữu Nam - đường D400 - quốc lộ 1 - điểm quay đầu trước Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố - quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội - đường D1 Khu công nghệ cao - đường D2 Khu Công nghệ cao - cầu Phú Hữu - đường Võ Chí Công - vòng xoay Phú Hữu - cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và ngược lại.
Hiện, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Samco phối hợp các bên hướng dẫn doanh nghiệp vận tải ở bến xe hiện hữu làm hồ sơ, thủ tục di dời. Giai đoạn đầu ba tuyến xe buýt 55, 76 và 67 kết nối với bến xe mới trung chuyển, tạo thuận lợi cho khách đi. Các bên cũng lên phương án vận chuyển hàng hoá, hành lý cho khách...
Thời gian đầu, những tuyến xe thuộc diện di dời vẫn được đậu ở bến xe hiện hữu đón trả khách, trước khi đến Bến xe Miền Đông mới hoàn tất thủ tục xuất bến. Việc này không quá ba tháng kể từ ngày 10/10, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải, thói quen đi lại của người dân.
Bến xe Miền Đông mới khởi công tháng 4/2017 trên diện tích 16 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.
Công trình gồm khu A là bến bãi, công trình công cộng (chiếm hơn 76% tổng diện tích); khu B trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); khu D thương mại dịch vụ (cao 15 tầng). Riêng nhà ga được xây dựng với kết cấu gồm 2 tầng hầm và 4 tầng nổi.
Dự kiến khai thác từ Tết Nguyên đán 2018, sau đó bến xe này lùi đến đầu năm 2019, rồi gia hạn đến 15/8/2019. Công trình tiếp tục gia hạn thêm hai lần hồi cuối tháng 4 và giữa tháng 8 năm nay do ảnh hưởng Covid19.
Gia Minh