Các hãng bao gồm AstraZeneca, BioNTech, GlaxoSmithKline, Johnson & Johnson, Merck, Moderna, Novavax, Pfizer và Sanofi. Động thái đưa ra hôm 8/9, trong bối cảnh lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây áp lực với các cơ quan quản lý để phê duyệt vaccine trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Đại diện các công ty cho biết họ sẽ chỉ nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp "sau khi chứng minh vaccine an toàn và hiệu quả thông qua nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, được tiến hành để đáp ứng các yêu cầu của cơ quan Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA)".
"Chúng tôi, những công ty sinh phẩm dưới đây, muốn thể hiện lập trường trong việc phát triển và thử nghiệm vaccine tiềm năng ngừa Covid-19, dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức đúng đắn và nguyên tắc khoa học nghiêm ngặt", tuyên bố chung nêu rõ.
Trước đó, một số chuyên gia bày tỏ e ngại rằng vaccine đã bị chính trị hóa. Trường hợp này từng xảy ra đối với phương pháp điều trị Covid-19 bằng thuốc sốt rét hydroxychloroquine. Quyết định này sau đó đã bị thu hồi do lo ngại về tính an toàn và hiệu quả.
Stephen Hahn, người đứng đầu FDA, cũng cam kết chỉ khoa học mới quyết định được khi nào vaccine sẵn sàng ra mắt. Trên lý thuyết, trước khi bật đèn xanh cho một sản phẩm, cơ quan phải xem xét đánh giá của các chuyên gia độc lập giám sát thử nghiệm lâm sàng. Bản thân đơn vị phát triển cũng cần chủ động nộp tài liệu xin thông qua.
Trong số 12 công ty, sản phẩm của Moderna và Pfizer đang dẫn đầu cuộc đua. "Ứng viên" của cả hai hãng đều dựa trên công nghệ di truyền. Vaccine sử dụng chính tế bào người. Các RNA có vai trò "hướng dẫn" cơ thể tạo ra "protein gai" giống với virus. Nếu hiệu quả, vaccine kích hoạt hệ miễn dịch sinh kháng thể.
Mới đây, công ty AstraZeneca và Đại học Oxford đã tuyên bố ngừng thử nghiệm giai đoạn ba đối với vaccine Covid-19 do một tình nguyện viên bị ốm chưa rõ nguyên nhân.
"Trong các thử nghiệm quy mô lớn, bệnh tật chỉ tình cờ xảy ra, nhưng vẫn phải được xem xét kỹ lưỡng. Chúng tôi cần xúc tiến việc này, xem xét các trường hợp đơn lẻ để giảm thiểu mọi tác động có thể xảy ra trong quá trình dùng thử. Chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn cho những tình nguyện viên và đáp ứng các tiêu chuẩn thử nghiệm cao nhất", đại diện hãn nói.
Tại cuộc họp báo ngày 4/9, WHO cũng nhấn mạnh sẽ không phê chuẩn bất kỳ vaccine Covid-19 nào trước khi chúng được chứng minh an toàn, hiệu quả.
Đến nay, toàn thế giới có hơn 150 loại vaccine đang phát triển. Trong đó, 8 "ứng viên" tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Ba loại đã được phê duyệt khẩn cấp thuộc về Trung Quốc và Nga. Cuộc đua bắt đầu từ tháng 1, ngay khi các nhà khoa học công bố dữ liệu trình tự gen của nCoV.
Thục Linh (Theo AFP)