Số liệu được Giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Tấn Bỉnh nêu trong kế hoạch lập hai bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, từ hai ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, ngày 26/6. Hai bệnh viện dã chiến sẽ chuyên thu dung điều trị các trường hợp mới mắc hoặc trường hợp đang được cách ly F1 chuyển sang F0 nhưng không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, chiếm khoảng 80% trong số ca nhiễm.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch của TP HCM, chiều 25/6, cũng dẫn thống kê số liệu các bệnh nhân mắc Covid-19 vừa qua, ghi nhận số có triệu chứng và triệu chứng nặng đang thấp hơn giai đoạn đầu đợt bùng phát dịch lần thứ tư.
Cụ thể, khoảng 1,3% bệnh nhân có triệu chứng nặng, cần hỗ trợ hô hấp, 68% ca mắc Covid-19 không có triệu chứng. Trong khi đó, thời gian đầu phát hiện chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm Truyền giáo Phục hưng, 68% ca nhiễm nCoV có triệu chứng.
Nhiều ca nhiễm không triệu chứng gây khó khăn cho truy vết
Cũng tại cuộc họp chiều 25/6, người đứng đầu HCDC nhận định những ca chỉ điểm (phát hiện đầu tiên của một chuỗi) hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ. Các ca chỉ điểm hầu hết mắc bệnh mức độ nhẹ, nếu không đi khám sẽ bị bỏ qua và chúng ta chậm hơn dịch bệnh là điều tất yếu.
Theo bác sĩ Dũng, nCoV sau khi lây truyền qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái, một là gia tăng độc lực ở thời gian đầu, nếu biến chủng; còn nếu không biến chủng tiếp thì độc lực giảm ở thời gian kế tiếp. Khi độc lực virus giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.
Bác sĩ Dũng cho rằng thời gian tới, TP HCM cần bảo vệ những nhóm có nguy cơ, có bệnh nền như trong các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng. Những người này cần được tiêm vaccine phòng Covid-19 và áp dụng các biện pháp phòng ngừa, còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.
Hồi giữa tháng 5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, từng thống kê trong đợt dịch khởi phát từ ngày 27/4, khoảng 60% bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng, gây khó khăn cho truy vết, sàng lọc. Điều này dẫn đến rất khó biết được ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng, khiến nguy cơ lây nhiễm hiện hữu xung quanh. Do đó, việc rà soát, truy vết các đối tượng nguy cơ trong cộng đồng và làm xét nghiệm sàng lọc là rất quan trọng trong công tác phòng chống Covid-19.
Trên thực tế, giới chức y tế vẫn chưa được hiểu rõ về mức độ lây nhiễm của người mắc bệnh nếu họ không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Đợt dịch Covid-19 hồi tháng 2 tại Việt Nam, phân tích 240 bệnh nhân Covid-19, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận thấy có đến 80% bệnh nhân không có triệu chứng.
Bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ được theo dõi riêng
TP HCM đang áp dụng mô hình điều trị "tháp ba tầng" từng được Bộ Y tế triển khai tại tỉnh Bắc Giang. Tầng một là các bệnh viện dã chiến điều trị ca nhẹ hoặc không có triệu chứng, tầng hai là các bệnh viện được chuyển đổi công năng, tiếp nhận các ca có triệu chứng, tầng ba là các bệnh viện chuyên trách hồi sức cấp cứu chuyên sâu đối với các trường hợp nặng và nguy kịch.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đánh giá những người không triệu chứng được theo dõi tại một khu riêng sẽ giúp đỡ gánh nặng cho ngành y tế. "Rất nhiều trường hợp mắc Covid-19 hoàn toàn không có triệu chứng, đặc biệt là nhóm người đã tiêm vaccine, như các nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM", ông Bỉnh nói.
Ở một số nước, những người không triệu chứng theo dõi tại nhà. "Với thành phố, số lượng bệnh nhân vẫn còn trong tầm kiểm soát, người không triệu chứng sẽ được bố trí khu vực riêng để tiện theo dõi sức khỏe, phát hiện, xử trí kịp thời nếu xuất hiện triệu chứng", ông Bỉnh chia sẻ.
Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 đặt tại ký túc xá thuộc Đại học Quốc gia TP HCM, tiếp nhận bệnh nhân không triệu chứng hoặc nhẹ, hoạt động từ đêm 26/6. Sở Y tế cũng quyết định lập ký túc xá khu A tại Khu phố 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, thành Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 2, quy mô 4.000 giường. Tùy tình hình số ca mắc mới, bệnh viện số 2 sẽ hoạt động khi có yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM.
Hai bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ chủ động phân loại độ nặng của bệnh nhân để kịp thời chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị Covid-19, tập trung điều trị các trường hợp nặng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Chủng virus Delta tốc độ lây lan nhanh hơn trước
Tại cuộc họp báo ngày 25/6, người đứng đầu ngành y tế TP HCM cho biết các đợt dịch trước đây, thành phố đối phó với các chủng thông thường, sau đó chủng Rwanda A.23.1 ở nhóm nhân viên bốc xếp hành lý ở sân bay Tân Sơn Nhất, biến chủng Anh B.117... Các cụm dịch này đều được kiểm soát nhanh.
Đợt dịch đang hoành hành ở TP HCM lần này do chủng virus Delta gây ra, khác biệt hoàn toàn so với các chủng trước đây. "Đây là biến chủng rất nguy hiểm, lây lan rất nhanh, có thể gây biến chứng nặng ở người trẻ tuổi, không bị bệnh lý nền", ông Bỉnh nói. Biến chủng này cũng gây bùng phát dịch số lượng lớn ở Bắc Giang - địa phương đang dẫn đầu số ca cộng đồng trong đợt dịch thứ 4. Với hơn 3.000 ca mắc từ 27/4 đến nay, TP HCM đang xếp thứ hai cả nước.
"Chủng Delta ngay từ giai đoạn đầu khi phát hiện đã lây lan rất lớn", ông Bỉnh phân tích. Trong 55 thành viên của nhóm Truyền giáo Phục hưng đã khai báo, hơn 44 người mắc Covid-19. Từ cụm dịch này, thành phố đã ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm lớn. Có những chuỗi như một công ty ở Tân Bình, ghi nhận hơn 90 nhân viên mắc Covid-19 trên tổng số 300, chiếm gần 1/3 số nhân viên.
TP HCM đang trong bợt bùng phát Covid-19 cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, với 3.280 trường hợp từ 27/4 đến sáng 28/6, xếp thứ hai cả nước. Các bệnh viện thành phố đang điều trị 3.045 bệnh nhân, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, tính đến sáng 28/6.