Trên blog cá nhân, nhà nghiên cứu bảo mật Justin Paine, cho biết hồ sơ được tìm thấy chứa nhiều thông tin quan trọng, chẳng hạn các truy vấn Hệ thống phân giải tên miền (DNS) và dữ liệu Netflow - giao thức phát triển bởi Cisco, được sử dụng để thu thập thông tin về lưu lượng truy cập qua các thiết bị trên mạng.
Theo Paine, các gói dữ liệu được đăng tải công khai, có thể tải về và xem thông tin mà không cần mật khẩu. Chuyên gia nhấn mạnh, với dữ liệu trên, bất cứ ai có một chút am hiểu về an ninh mạng đều có thể nhanh chóng "vẽ một bức tranh" về những gì người dùng Internet hoặc hộ gia đình của họ đang làm theo thời gian thực.
Paine cho biết đã thông báo với AIS - nhà mạng lớn nhất Thái Lan - về dữ liệu 8 tỷ hồ sơ Internet từ ngày 13/5 nhưng không được phản hồi. Một tuần sau, ông tiếp tục báo cáo vấn đề cho nhóm phản ứng khẩn cấp máy tính quốc gia của Thái Lan (ThaiCERT) và được nhóm này báo lại cho AIS. Cơ sở dữ liệu rò rỉ đã bị gỡ thời gian ngắn sau đó. Tuy nhiên, Paine lo ngại rằng với việc đã bị công khai nhiều tuần liền, không loại trừ khả năng chúng đã bị nhiều người tải về.
Hiện, chưa rõ ai đã đăng tải lượng lớn hồ sơ Internet của người dùng Thái Lan. Paine cho rằng loại hồ sơ mà ông tìm thấy bên trong cơ sở dữ liệu có thể đến từ bộ phận theo dõi lưu lượng truy cập Internet của nhà cung cấp. Tuy vậy, chuyên gia này thừa nhận chưa thể xác định chính xác cơ sở dữ liệu bị rò rỉ thuộc AIS hay là đối tác hoặc công ty con của nhà mạng này.
AIS chưa đưa ra bình luận nào.
DNS là một hệ thống giúp con người và máy tính giao tiếp dễ dàng. Trên lý thuyết, con người dùng tên còn máy tính dùng số. DNS chính là hệ thống giúp biên dịch tên miền thành số để máy tính có thể hiểu được. Về cơ bản, DNS là một hệ thống cơ sở dữ liệu giúp biên dịch tên website thành địa chỉ IP. Dù các truy vấn DNS không mang thông điệp riêng tư, email hoặc dữ liệu nhạy cảm như mật khẩu, nó có thể xác định được website nào người dùng đang truy cập, hoặc ứng dụng nào đang sử dụng.
Theo TechCrunch, các hồ sơ này có thể không gây nguy hiểm cho người dùng thông thường, nhưng là "vấn đề lớn" với các nhà hoạt động xã hội, nhà báo... khi họ có thể bị theo dõi hoặc xác định nơi truy cập.
Tại Thái Lan, luật Giám sát Internet của nước này cho phép các quan chức có thể quét quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Internet. Thái Lan cũng là một trong những quốc gia có luật kiểm duyệt nghiêm ngặt nhất ở châu Á, trong đó cấm mọi chỉ trích chống lại hoàng gia Thái Lan, an ninh quốc gia và một số vấn đề chính trị nhất định.
Dữ liệu truy vấn DNS cũng có thể được sử dụng để hiểu rõ hơn về thói quen hoạt động Internet của một người. Theo Paine, người nắm trong tay dữ liệu này có thể xem một số thông tin mà mục tiêu thường sử dụng, chẳng hạn loại thiết bị sở hữu, virus máy tính nào từng tấn công, trình duyệt thường dùng là gì, mạng xã hội nào được truy cập thường xuyên nhất, website truy cập nhiều nhất... Ngoài ra, dữ liệu truy vấn DNS có thể bị lợi dụng để quảng cáo hướng mục tiêu.
Bảo Lâm