1. "Những con mắt nguyên thủy" - sắp đặt của Trần Đức Quỷ
Tháng 1, nghệ sĩ Trần Đức Quỷ mang tới L'Espace một "sinh vật lạ" mang tên Những con mắt nguyên thủy. Điêu khắc, sắp đặt của anh là một con hươu có vô số chân và nhiều đầu, trên mỗi đầu hươu lại gắn gương cầu lồi tỏa ra nhiều hướng. Màu vàng của thân hươu, sự cân đối về tỷ lệ dài - rộng, sự lấp lánh của những con mắt ở gương cầu... hòa quyện tạo thành tác phẩm đẹp lộng lẫy.
Trái với các nghệ sĩ thị giác thường trọng nội dung, ý nghĩa tác phẩm, Trần Đức Quỷ làm Những con mắt nguyên thủy với nguyên tắc mọi nội dung phải đảm bảo và đặt tính thẩm mỹ lên hàng đầu. Cũng như các sắp đặt trước của Trần Đức Quỷ, Những con mắt nguyên thủy được công chúng đón nhận, tán thưởng.
2. "Sơn mài và giấy dó" của Lý Trực Sơn
Sơn mài và giấy dó diễn ra từ 10/3 tới 20/3 tại Art Talk Cafe. Triển lãm giới thiệu 35 bức tranh giấy dó và sơn mài vẽ từ năm 1986 tới nay của họa sĩ Lý Trực Sơn. Loạt tranh Vân dại vẽ cuối thập niên 1980, theo đuổi một nhân vật duy nhất trong chèo cổ Việt Nam. Đó là nàng Xúy Vân khi lả lơi buông tóc, lúc mơ tình hận tình, khi điên tình, vừa rõ nét vừa mơ màng tựa ảo ảnh.
Bộ tranh trừu tượng vẽ thập niên 1990 là những bức dùng màu thảo mộc trên giấy dó. Lý Trực Sơn dùng nước chè, bút chì và màu khô để vẽ nên những bức trừu tượng và giờ đây trở thành thương hiệu của họa sĩ. Loạt tranh sơn mài mới sáng tác là cuộc chuyển hướng so với các bức sơn mài đã tạo nên tên tuổi Lý Trực Sơn. Series này kiệm màu, nét vẽ, hình khối đều được tinh giản, mang hơi hướng trừu tượng, tạo nên ngôn ngữ riêng và lạ với sơn mài.
3. "Nội soi" - tranh từ phim X-quang của Doãn Hoàng Lâm
Triển lãm Nội soi diễn ra từ 1 đến 13/4 tại Art Talk Cafe. Trong triển lãm này, họa sĩ Doãn Hoàng Lâm giới thiệu 11 bức tranh làm từ các mảnh phim X-quang chụp cơ thể con người. Từ một chất liệu thị giác, nghệ sĩ gợi ra những suy nghĩ về bản chất con người qua những mối tương quan qua lại, những ảnh hưởng, xung đột giữa các cá thể trong sự tồn tại.
4. "Một hành tinh" - Nguyễn Mạnh Hùng
Triển lãm Một hành tinh trưng bày ba tác phẩm, gồm hai sắp đặt Đi chợ và Chiến lũy cùng series tranh Ta đã ở đây. Chiến lũy không chỉ là một sắp đặt hài hòa, cân đối, gây ấn tượng về thị giác mà còn là một tác phẩm thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn trọng với từng chi tiết nhỏ. Tác phẩm mô tả một khu nhà tập thể tù túng cũ tại Hà Nội, từ đó đặt ra suy nghĩ về cộng đồng, những mâu thuẫn tồn tại trong và ngoài xã hội, những phức tạp của phát triển đô thị cũng như trách nhiệm cá nhân.
Đi chợ được làm từ gỗ, hoa quả nhựa, sắt, bông và túi ni lông. Tạo hình chiếc máy bay không chở bom đạn mà chở hoa quả mua ở chợ mang tới cái nhìn khôi hài về những thói quen thường nhật. Series Ta đã ở đây được Mạnh Hùng vẽ, điểm xuyết thêm các chi tiết vào những bức tranh phong cảnh thường bán ở các gallery. Loạt tranh thể hiện tư duy hóm hỉnh của tác giả. Triển lãm Một hành tinh diễn ra tại Manzi từ 6 đến 28/7.
5. "Sinh năm 1983/ Khâm Thiên" - Bàng Nhất Linh
Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh nổi tiếng khéo tay trong giới nghệ sĩ thực hành sắp đặt. Triển lãm Sinh năm 1983/ Khâm Thiên diễn ra từ 5 đến 28/9 của anh không chỉ trưng bày những tác phẩm của sự khéo léo mà mang nhiều thông điệp ý nghĩa. Bàng Nhất Linh thuộc thế hệ hậu chiến, nhưng chiến tranh vẫn hiện hữu trong cuộc sống của anh bằng những hiện vật, bằng ký ức của những người xung quanh. Nhiều năm sưu tầm các hiện vật còn sót lại của chiến tranh, Bàng Nhất Linh sở hữu một kho đồ chứa một phần của lịch sử khốc liệt. Từ cánh một chiếc máy bay, vỏ đạn, mảnh đầu tên lửa... Bàng Nhất Linh chế tác ra những vật dụng để trang trí hay là đồ chơi cho trẻ con. Sinh năm 1983/ Khâm Thiên không chỉ là một triển lãm có tính nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa xã hội lớn. Triển lãm là sự kiện mở đầu cho dự án chế tác các món đồ từ chiến tranh của Bàng Nhất Linh.
6. "Bi kịch lạc quan" - Trần Trung Tín
Triển lãm lớn nhất của cố họa sĩ Trần Trung Tín giới thiệu những bức tranh vẽ trên báo và giấy tráng phim của người được ví là "Munch của Hà Nội". Không qua đào tạo trường lớp về hội họa, Trần Trung Tín chỉ dùng cọ và màu để thể hiện tâm trạng của mình. Thời buổi khó khăn không có giấy để vẽ, ông phải sáng tác trên các tờ báo cũ. Tranh của Trần Trung Tín giờ đây trở thành những tác phẩm đắt giá, được các nhà sưu tập quốc tế tìm mua với giá cao. Tạo hình trong tranh của Trần Trung Tín tưởng chừng ngô nghê, vụng dại mà chứa đựng nhiều ý nghĩa, liên tưởng và đầy tính nhân văn. Màu sắc trong tranh của ông không chỉ đẹp, tự nhiên mà nó như chứa đựng âm vang của cảm xúc, tình cảm. Triển lãm diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 19 đến 30/10 là cơ hội cuối cùng để công chúng Việt Nam chiêm ngưỡng những bức tranh với "màu của trời cho" này, trước khi chúng theo chân một nhà sưu tập ra nước ngoài.
7. "Di cư" - điêu khắc của Nguyễn Tuấn
Gốm là chất liệu thuần Việt, thân quen, phổ biến với người dân nước ta, nhưng Nguyễn Tuấn - một người con của làng Phù Lãng đã thổi hồn cho chất liệu dân dã ấy. Triển lãm Di cư diễn ra từ 3 đến 10/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trưng bày 3 tổ hợp: Phật mình chim, Hồn cây và Rừng Phật. Phật mình chim là một thông điệp tôn giáo đầy bác ái: Phật giáo về bảo vệ môi trường.
Qua hai tổ hợp Hồn cây, Rừng Phật, Nguyễn Tuấn thể hiện sợi dây vô hình, bền chặt giữa Phật với chúng sinh, anh gửi đi thông điệp: Phật không ở đâu xa như người đời hằng tìm kiếm. Ngài ở ngay trong bản thể mỗi con người, hiện hữu nơi cỏ cây hoa lá.
Theo đuổi điêu khắc gốm, sử dụng men sành của Phù Lãng, Nguyễn Tuấn không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một người thợ gốm. Bàn tay anh nhào nặn đất, cát thủy tinh, tự tay nhóm lò nung… trong vòng hai năm mới được thành quả là những tác phẩm trưng bày tại triển lãm Di cư.
8. "Chuyện đời" - Lương Trung
Những câu chuyện của đời sống đô thị được Lương Trung thể hiện qua các bức tranh trong triển lãm Chuyện đời (diễn ra từ 14 đến 23/12 tại Nguyên Art Gallery). Bằng những màu sắc rực rỡ của pop art, Lương Trung họa lại những cảnh sinh hoạt đặc trưng tại đô thị, nơi sự phân hóa giàu - nghèo rõ nét, nơi con người với sự vô cảm, thiếu ý thức công cộng phơi bày... Bằng cách vẽ các nhân vật trong hình dáng những đứa trẻ, Lương Trung thể hiện sự giễu nhại vừa kín đáo, vừa thách thức.
Hiền Đỗ