Khi nhắc tới cái tên Sinh năm 1983/Khâm Thiên, nhiều người nghĩ ngay tới cách người ta thường viết về một người trong hồ sơ quân nhân. Bàng Nhất Linh không phải là một quân nhân, anh sinh năm 1983, tại Khâm Thiên, thuộc thế hệ hậu chiến. Thế nhưng chiến tranh dường như vẫn hiện hữu trong cuộc sống của anh, trong những câu chuyện mà người lớn thường kể, trong ký ức về một cái hố bom "biến thành" cái ao mà tuổi thơ bọn trẻ như anh thường chơi quanh, là những vật phẩm của chiến tranh vẫn còn lưu lại trong đời sống ngày nay.
Những vật dụng làm từ vật phẩm chiến tranh mà Bàng Nhất Linh sưu tầm được. |
Đối với nhiều người, những vật phẩm của chiến tranh là những món đồ phế phẩm, những món đồ đáng sợ hoặc gợi ký ức buồn, nhưng với Bàng Nhất Linh, chúng lại có một sức hút kỳ lạ. Anh yêu thích, đi tìm để sở hữu những vỏ đạn pháo, những mảnh vỡ của xác máy bay, hay những món đồ đó đã được tái chế thành những vật dụng sinh hoạt hàng ngày.
Trong kho đồ của Bàng Nhất Linh có thể thấy chiếc máy điện đàm P105M của Liên Xô, mảnh đầu tên lửa, đuôi nhôm của đạn chống tăng B40, một số huân huy chương của các cựu chiến binh, tập bài hát thường mang theo của chiến sĩ thời chiến, lược nhôm duya-ra,quả lựu đạn của chiến khu K... Đặc biệt nhất là một số bộ phận của chiếc máy bay MiG-21 như ghế lái, mũi, một số mảnh cánh... (MiG 21 là chiếc tiêm kích có một vị trí rất đặc biệt trong lịch sử quân sự thế giới và lịch sử quân sự Việt Nam).
Một phần hiện vật, vật phẩm trong bộ sưu tập của Bàng Nhất Linh được anh đưa vào triển lãm Sinh năm 1983/ Khâm Thiên. Triển lãm gồm hai phần, phần trưng bày hiện vật mang tên Vũ khí và mục tiêu và một video art.
Không giống với những hiện vật được trưng bày tại các bảo tàng chiến tranh khác, triển lãm này cũng mang tới các vật phẩm của chiến tranh, nhưng lại là những vật phẩm được tái chế thành những đồ dùng hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Đó có thể là một cái phích nước, một chiếc cúp đồng, một lọ hoa, hay là những khung ảnh được làm từ vỏ đạn tên lửa, từ những mảnh vỡ của máy bay… Bên cạnh những vật phẩm sưu tầm được, Bàng Nhất Linh còn chế các mảnh vỡ, các phế phẩm chiến tranh thành những món đồ chơi cho con trẻ như cầu bập bênh, ghế ngồi chơi bóng ném, bàn học hoặc làm việc…
Nghệ sĩ Bàng Nhất Linh (Áo kẻ tím) và curator Trần Lương tại khai mạc triển lãm. |
"Thoạt nhìn, triển lãm có vẻ giống như một cuộc trưng bày mang tính xã hội, lịch sử, song quan sát tinh ý và hiểu về triển lãm mới thấy được tính nghệ thuật trong triển lãm này" - curator Trần Lương nhận xét. Vị giám tuyển này cũng chia sẻ khi đọc dự án, anh đã thầm cảm ơn Bàng Nhất Linh vì đã có một ý tưởng hay và ý nghĩa. Bản thân việc chế tác các món đồ thành những vật dụng đã là cả một nghệ thuật rồi, đó là chưa kể tới những hình dáng, đường nét, họa tiết tinh xảo, cùng những ý nghĩa lịch sử, xã hội của nó. Vả chăng ngày nay, nghệ thuật thường đi vào đời sống, gắn liền với cuộc sống. Vì thế mà triển lãm của Bàng Nhất Linh vừa có tính nghệ thuật, vừa mang ý nghĩa xã hội, lịch sử sâu sắc. Nó không chỉ nhắc nhớ con người ta về một thời chiến tranh đã qua, mà còn là trải nghiệm của người trẻ về chiến tranh, về quá trình lịch sử dân tộc.
Sinh năm 1983/ Khâm Thiên mới là triển lãm mở đầu cho chuỗi dự án chế tác các món đồ từ các vật phẩm chiến tranh của Bàng Nhất Linh. Triển lãm đang diễn ra tại L’espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, kéo dài tới hết ngày 25/9.
Hiền Đỗ