Triển lãm Chuyện đời của họa sĩ Lương Trung, đang diễn ra tại Nguyên Art Gallery, trưng bày hơn 20 bức sơn dầu khổ lớn. Nhân vật trong tranh đều có khuôn mặt bầu bĩnh, dáng hình một đứa trẻ, nhưng hành động, đặc biệt là những biểu cảm nét mặt là của người lớn.
Sử dụng ngôn ngữ hội họa pop art, lấy chất liệu đời sống đô thị, họa sĩ Lương Trung đã sáng tạo nên những bức tranh với ý tưởng nhất quán, xuyên suốt. Anh đưa ra những góc nhìn lạ, đề cập đến nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội, pha vào đó là sự giễu cợt kín đáo.
Ám ảnh với sự phân hóa giàu nghèo, Lương Trung thể hiện vấn đề này qua nhiều bức tranh khác nhau. Trong tác phẩm Đời, tác giả họa lại cảnh quán nhậu với năm nhân vật mặc sức ăn uống bàn luận mà không để ý tới người ăn xin bê chiếc nón bên cạnh. Hay một nhân vật ăn xin khác xuất hiện bên bàn nhậu trong tác phẩm Chiếu hoa. Trong bức vẽ này, ba nhân vật đang uống bia trên chiếc phản thì có một người nhìn kẻ ăn xin với nụ cười nhếch mép. Đỉnh điểm của sự phân hóa giàu nghèo được thể hiện trong bức Này thì nhậu. Năm nhân vật ngồi trên một chiếc ghế bành sang trọng ăn uống, dưới đất là một đứa bé vừa đánh giầy vừa nhìn lên bàn nhậu. Này thì nhậu còn thể hiện sự kệch cỡm với những nhân vật đi bốt, giầy da bóng lộn, ngồi trên ghế bành sang trọng nhưng lại cởi trần, mặc áo ba lỗ, ngồi nằm trong các tư thế bỗ bã.
Những nhốn nháo của xã hội đương thời cũng được Lương Trung ghi lại, thể hiện qua các cá nhân điển hình. Trong Chuyện đời - tác phẩm được lấy làm tiêu đề cho triển lãm - tác giả vẽ một đôi nam nữ ngồi trên vỉa hè ăn bim bim và cởi giầy ra cho một nhân vật gầy còm đánh bóng. Ngay cạnh đó, một nhân vật đang đi bậy với khuôn mặt đầy "biểu cảm". Ai làm việc nấy, mỗi nhân vật như chẳng liên quan tới nhau, lại chính là chuyện đời với những sự thản nhiên vốn có.
Ba nhân vật trong Thời thượng được Lương Trung vẽ như những thanh niên được cho là sành điệu của xã hội ngày nay. Trong bức tranh, hai nhân vật đang đứng trên màn hình một chiếc điện thoại để chơi trò "chém hoa quả", bên cạnh là một nhân vật cổ vũ nhiệt tình. Phải chăng, trong xã hội, chỉ cần có một chiếc smartphone (dù chỉ để chơi điện tử) là đã có thể tự nâng mình lên cấp sành điệu?
Các vấn đề của đời sống đô thị được Lương Trung thể hiện trong tranh rất tự nhiên. Cảm giác như anh bê một nhân vật nào đó, ở một ngõ ngách, bến xe bus, quán nhậu, vỉa hè... vào tranh. Nhưng đâu phải ai cũng "bê" được nét mặt, hành động điển hình ấy vào trong hình hài một đứa trẻ. Chính sự thản nhiên của các mảnh đời đặt cạnh nhau lại tạo nên sự tương phản, phản ánh tự nhiên, trung thực về thực trạng xã hội đương thời.
Lương Trung cho biết, anh sống trong một xã hội đang chuyển mình với rất nhiều thay đổi, đó là nguyên nhân sâu xa cho các ý tưởng trong tranh. Những mâu thuẫn nảy sinh trong khu chung cư giãn dân anh đang sống với đủ vấn đề: phân cấp đối xử, môi trường cộng đồng, văn hóa công cộng... là nguyên nhân trực tiếp khiến anh vẽ loạt tranh này. Về các bức tranh của mình, Lương Trung nói: "Tôi thể hiện các nhân vật với những nét châm biếm đặc trưng để cá nhân hóa một cuộc sống điển hình của bất kỳ người Việt Nam nào trong xã hội hiện đại".
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét, Lương Trung đã dùng nghệ thuật để phản ánh bức tranh xã hội một cách châm biếm. Ông nói: "Pop Việt (nghệ thuật pop art) đương đại đang đối diện với thói kệch cỡm trưởng giả, sự cách biệt giàu nghèo, nạn ô nhiễm, sự tụt dốc của văn hóa cộng đồng, cơn lốc đô thị hóa nông thôn... Hiện thực khắc nghiệt ấy ám ảnh tâm hồn lành sạch và ngọn bút quyết đoán, liền mạch đầy hưng phấn của Lương Trung".
Họa sĩ Lương Trung sinh năm 1981, từng tham gia nhiều triển lãm nhóm lớn nhỏ từ năm 1999 tới nay. Anh từng có tác phẩm lọt vào chung kết giải Tài năng Hội họa 2010. Những đứa trẻ kể câu chuyện người lớn của Lương Trung từng được giới thiệu trong triển lãm 168 giờ tổ chức năm 2012.
*Một số tác phẩm trong triển lãm Chuyện đời |
Hiền Đỗ