Vụ án phát hiện nuôi nhốt trái phép 17 con hổ tại hai nhà dân ở xã Đô Thành (huyện Yên Thành) "vẫn trong quá trình thụ lý", chưa khởi tố. Những người vi phạm có thể bị quy kết phạm tội nghiêm trọng, khung hình phạt cao nhất có thể tới 10-15 năm tù, căn cứ điều 244 Bộ luật Hình sự, đại tá Nguyễn Đức Hải, Phó giám đốc cho hay.
Giải thích vì sao đưa các con hổ ra khỏi hiện trường, ông Hải nói: "Nếu sau khi phá án mà bàn giao vật chứng lại cho chủ nhà rất dễ xảy ra việc tiêu hủy, thay đổi, làm ảnh hưởng tới quá trình thụ lý".
Theo ông Hải, quá trình chuyển đã được "lên kế hoạch cẩn trọng, mời các lực lượng chuyên môn về động vật hoang dã cùng tham gia". Việc đưa từ nơi chật hẹp về nơi được cấp phép, đủ điều kiện "là một trong những giải pháp nhân văn", được các nhà chuyên môn về động vật học "ủng hộ". Tuy nhiên, lý do 8 con hổ bị chết sau đó vẫn chưa được nhà chức trách đưa ra thông tin.
Với những con hổ còn sống, nhà chức trách đã liên hệ với những nơi đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng chưa nơi nào nhận. "Không vì khó khăn trên mà chúng tôi chùn bước trước tội phạm này trong thời gian tới", ông Hải nói và mong muốn người dân trên địa bàn nếu đang hoặc có ý định phạm tội thì dừng lại.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) cho biết, các con hổ trong vụ được giải cứu này chắc chắn không thể thả về tự nhiên, bởi nhiều lý do. Thứ nhất, bản năng hoang dã, săn bắt mồi không có do bị nuôi nhốt từ bé. Thứ hai, các con vật này trong quá trình sinh sản, người nuôi đã không kiểm soát nguồn gen nên khả năng xảy ra "sinh sản cận huyết" rất cao.
Bên cạnh đó, hổ là loài có khả năng tấn công con người. Trong khi chúng được nuôi nhốt trong thời gian qua như vậy chắc chắn sẽ quen hơi người. "Nếu thả về tự nhiên thì nguy cơ chúng tìm tới các thôn bản có người là rất dễ...".
Về giải pháp thích hợp cho các con hổ còn sống, Giám đốc SVW cho rằng nên lựa chọn các vườn thú đủ khả năng nuôi dưỡng. "Những con hổ khi được nuôi ở đây sẽ góp phần phục vụ mục đích du lịch sinh thái, nâng cao nhận thức giáo dục về bảo vệ động vật hoang dã...", ông Thái, phân tích.
Ngày 9/8, một phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, đang chỉ đạo ngành kiểm lâm tham mưu hướng xử các con hổ nói trên để đưa ra kết luận trong những ngày tới.
Trước đó, sáng 4/8, hàng chục công an ập vào nhà vợ chồng Hồ Thị Thanh (31 tuổi), trú xóm Nam Vực phát hiện 14 con hổ Đông Dương tại nhà bà Nguyễn Thị Định (50 tuổi) xóm Phú Xuân, cùng xã Đô Thành, phát hiện thêm 3 con cùng loại.
Làm việc với công an, các hộ gia đình khai số hổ này được đưa về từ Lào lúc đang bé, nuôi nhốt nhiều tháng qua ở các tầng hầm. Các con hổ sau đó được gây mê, đưa vào lồng sắt, bỏ lên thùng xe tải phủ bạt và chở tới một khu sinh thái ở địa bàn Nghệ An cách đó hơn 10 km. Hiện, 8 con bị chết. Nhà chức trách đã khám nghiệm, cấp đông để điều tra, song chưa công bố nguyên nhân.