Bác sĩ Huỳnh Trần An Khương, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên, thêm rằng vaccine có hiệu quả hơn 90% khi tiêm đủ liều, đúng lịch. Việc tiêm vaccine có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành xuất hiện nhiều bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, ho gà, sởi.
Dưới đây là những loại vaccine trẻ cần tiêm đủ nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, biến chứng.
Phế cầu
Phế cầu khuẩn là tác nhân gây viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết hàng đầu ở trẻ. Vi khuẩn trú trong vùng họng, xâm lấn gây bệnh nặng khi miễn dịch suy yếu hoặc lây nhiễm trên nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người già, người có bệnh nền. Viêm màng não do phế cầu có thể để lại di chứng vĩnh viễn ở trẻ như điếc, mù, liệt, động kinh, chậm phát triển trí tuệ, trí nhớ kém.
Vaccine ngừa phế cầu phổ biến trong tiêm chủng dịch vụ, gồm ba loại: Synflorix (Bỉ) ngừa 10 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi; Prevenar 13 (Bỉ) ngừa 13 chủng phế cầu, dành cho trẻ từ 6 tuần trở lên. Mỗi độ tuổi sẽ có phác đồ với số mũi tương ứng. Hiệu quả vaccine đạt 97% khi tiêm đủ liều, đúng lịch.
6 trong 1
6 trong 1 giúp phòng 6 mầm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib. Phác đồ 4 liều tiêm khi trẻ 2, 3, 4 và 16-18 tháng tuổi, cần hoàn thành trước hai tuổi. Hiệu quả đạt 99% khi tiêm đủ liều, đúng lịch.
Hiện, số ca mắc các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib ở trẻ nhỏ đã giảm đáng kể nhờ chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, bác sĩ Khương khuyến cáo gia đình cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi. Lý do, các mầm bệnh này chưa được loại trừ hoàn toàn, hàng năm toàn quốc ghi nhận nhiều ca bệnh rải rác.
Như với bạch hầu, ngày 11/8 UBND tỉnh Thanh Hóa công bố dịch bạch hầu tại thị trấn Mường Lát, sau ba ca dương tính và 34 F1. Đến ngày 15/8, CDC Thanh Hóa công bố kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu - uốn ván giảm liều (Td) cho 1.000 người dân vùng ổ dịch.
Từ đầu năm đến hết tháng 7, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị gần 400 trẻ bệnh ho gà. Phần lớn là bệnh nhi dưới một tuổi chưa tiêm phòng hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine. Các chuyên gia cho rằng mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng do miễn dịch giảm.
Não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu gây ra bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu. Trong đó, viêm màng não có tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Dù được chữa trị, vẫn có 10-20% trẻ chịu di chứng về thần kinh, vận động và 8-15% tử vong, theo Cục Y tế dự phòng.
Hiện có 6 nhóm huyết thanh não mô cầu thường gặp gồm A, B, C, X, Y, W-135. 5 trong số này có thể phòng ngừa nhờ vaccine, gồm ba loại. Loại ngừa não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Italy) sử dụng cho trẻ từ hai tháng tuổi. Loại ngừa nhóm B, C (Cuba) tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. Loại ngừa nhóm A, C, Y, W-135 tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.
Cúm
Cúm là bệnh do virus gây ra, dễ lây lan ở trẻ em và người lớn. Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm với hàng triệu ca tử vong. "Trẻ em có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn người trưởng thành 2-3 lần do miễn dịch yếu hơn", bác sĩ Khương nói. Trẻ mắc cúm có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim...
Vaccine cúm tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và cần tiêm nhắc hàng năm khi hoàn thành lịch tiêm cơ bản. Mũi tiêm cúm có tỷ lệ bảo vệ 70-90%.
Sởi
Không phát hiện và điều trị kịp thời, sởi có thể dẫn đến các biến chứng viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy. Trong đó, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ mắc sởi. Viêm não ít gặp hơn, tỷ lệ tử vong 10-40%. Viêm não bán cấp là biến chứng lâu dài của sởi, hiếm gặp, xảy ra muộn và không có phương pháp điều trị.
Ngoài ra, virus sởi gây suy giảm miễn dịch và mất trí nhớ miễn dịch. Lúc này, bệnh nhi giảm 20-70% kháng thể, dễ bị mầm bệnh khác tấn công như lao, ho gà, bạch hầu, phế cầu, tụ cầu...
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine có thành phần sởi gồm vaccine sởi đơn giá và vaccine phối hợp phòng sởi - rubella hoặc sởi - quai bị - rubella. Vaccine chủng ngừa cho trẻ từ 9 tháng tuổi, hiệu quả 98% khi hoàn thành hai mũi.
Thủy đậu
Bệnh thủy đậu cũng do virus gây ra, có thể biến chứng khi không được chăm sóc, điều trị kịp thời và đúng cách. Biến chứng thường gặp gồm viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não. Về lâu dài, virus thủy đậu tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt, nhiều năm sau gây bệnh zona thần kinh.
Vaccine thủy đậu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên, hiệu quả đến 98%. Việt Nam chưa có vaccine ngừa zona thần kinh, vaccine thủy đậu được xem là cách phòng zona duy nhất hiện có.
Viêm não Nhật Bản
Virus viêm não Nhật Bản lây qua đường muỗi đốt, có thể gây bệnh quanh năm, tăng mạnh vào mùa mưa khi muỗi sinh sản. Bệnh có tỷ lệ tử vong 20-30% và nhiều di chứng lây dài về chức năng của não bộ như điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.
Vaccine ngừa viêm não Nhật Bản phổ biến trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ, tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi, hiệu quả lên đến 95%.
Nhật Linh
9h ngày 17/8, Hệ thống tiêm chủng VNVC, Pfizer Việt Nam và Zuellig Pharma tổ chức lớp tư vấn sức khỏe thai sản số 31 với hai bài giảng:
- "Những điều cần biết trong thời gian hậu sản và cho con bú", trình bày bởi BS.CKI Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
- "Những vaccine quan trọng phòng viêm phổi và viêm não cho trẻ", tư vấn bởi BS Huỳnh Thị Anh Đào, bác sĩ trưởng VNVC Quận 9, Hệ thống tiêm chủng VNVC.
Lớp học diễn ra tại VNVC Quận 9, Saigon Villas Hill, số 99 Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TP HCM. Độc giả đăng ký tại đây.