Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết chủ đề vaccine luôn được quan tâm nhờ tác dụng phòng bệnh cho mẹ, thai nhi và có lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, nhiều người vẫn phân vân, thắc mắc về lợi ích giữa việc tiêm và không tiêm, vấn đề tài chính khi tiêm chủng. Bác sĩ đã tổng hợp 7 vấn đề thường gặp và đưa ra câu trả lời để người dân hiểu thêm về vai trò của vaccine khi mang thai.
- Vì sao cần tiêm vaccine trước và trong khi mang thai?
Thai kỳ là thời điểm nhạy cảm. Hệ miễn dịch phụ nữ suy yếu tự nhiên để bào thai có thể phát triển ổn định trong tử cung. Việc này đồng thời làm tăng khả năng mắc bệnh truyền nhiễm của thai phụ.
Vaccine là biện pháp phòng bệnh giúp tăng kháng thể, bảo vệ cho cả mẹ và bé. Kháng thể từ vaccine còn truyền từ mẹ sang con thông qua nhau thai và cuống rốn, sẽ bảo vệ trẻ trong khi chưa đến tuổi tiêm ngừa.
- Thai phụ không chủng ngừa có sao không?
Không có kháng thể từ vaccine, nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho mẹ và bé cũng tăng lên. Ví dụ, cúm, bạch hầu, ho gà lây qua đường hô hấp. Trong đó, thai phụ mắc cúm vào 13 tuần đầu thai kỳ, nguy cơ cao dẫn đến dị tật thai nhi như hở hàm ếch, tim bẩm sinh; tiềm ẩn nhiều nguy cơ dọa sảy thai, sảy thai, sinh non. Phụ nữ mang thai mắc bạch hầu, 50% có nguy cơ tử vong và khoảng 33% có nguy cơ sinh non hoặc sảy thai.
Mẹ mắc rubella, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, 70-90% em bé bị hội chứng Rubella bẩm sinh gây điếc, dị tật tim, đục thủy tinh thể, chậm phát triển... Bệnh sởi làm tăng nguy cơ tử vong cho mẹ và thai bị dị dạng, chết lưu, sinh non.
Mẹ mắc thủy đậu có thể gặp biến chứng viêm phổi, tổn thương thần kinh. Tùy theo thời gian mắc, em bé có thể bị thủy đậu bẩm sinh hoặc sơ sinh với nhiều di chứng như dị dạng, chậm phát triển tâm thần và thậm chí tử vong.
Thai phụ nhiễm HPV có thể mắc sùi mào gà, dẫn đến cản trở đường sinh, không thể sinh thường. Nếu nhiễm các chủng nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, mẹ phải hoãn điều trị vì có thể dẫn đến chuyển dạ sớm.
Ho gà nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Trong đó, ho gà dễ mắc và có tỷ lệ tử vong cao ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 80% nguồn lây ho gà cho trẻ đến từ gia đình.
- Vaccine tiêm cho mẹ bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Các vaccine được chỉ định tiêm trong thai kỳ đều được kiểm định an toàn, chất lượng và thông qua xét duyệt của Bộ Y tế. Thai phụ tiêm đúng và đủ phác đồ vaccine theo chỉ định của bác sĩ có thể an tâm về sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.
Thai phụ cần tiêm vaccine cúm vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ với một liều duy nhất. Đối với vaccine uốn ván đơn, nếu chưa được chủng ngừa trong vòng 5 năm, thai phụ cần chích hai mũi trong thai kỳ, mỗi mũi cách nhau và cách thời điểm sinh ít nhất 1 tháng, sau đó tiêm nhắc một mũi vào các thai kỳ tiếp theo. Nếu chủng ngừa vaccine kết hợp bạch hầu - ho gà - uốn ván, thai phụ chỉ cần tiêm một mũi trong mỗi thai kỳ và nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Thai phụ nên chủng ngừa đầy đủ vaccine cúm và bạch hầu - ho gà - uốn ván. Các mũi ngừa phế cầu, HPV và các vaccine sống giảm độc lực như sởi - quai bị - rubella, thủy đậu không được chỉ định tiêm trong thai kỳ, vì vậy nên chủ động tiêm trước khi mang bầu để có miễn dịch với bệnh.
- Khi nào thai phụ không nên tiêm ngừa?
Một số trường hợp cần cẩn trọng khi tiêm vaccine gồm dị ứng nặng với các thành phần của vaccine hoặc đang mắc bệnh cấp tính như sốt cao, suy cơ quan. Các trường hợp này cần chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời và chủng ngừa ngay khi sức khỏe đạt yêu cầu.
Ngoài ra, thai phụ không nên bỏ lỡ lợi ích bảo vệ của vaccine đối với thai kỳ và trẻ sau khi sinh.
- Phát hiện có bầu sau khi tiêm các vaccine không được chỉ định trong khi mang thai có sao không?
Khi tiêm các vaccine không được chỉ định trong thai kỳ và phát hiện có bầu ngay sau đó, phụ nữ không nên quá lo lắng. Đến nay, y văn chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ đối với các trường hợp như trên.
Cụ thể, Cục Y tế dự phòng dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết không ghi nhận bất thường nào ở 1.000 phụ nữ vô tình tiêm vaccine sởi - quai bị - rubella trong thời kỳ đầu mang thai.
Một nghiên cứu năm 2017 công bố trên tạp chí y học New England chứng minh vaccine HPV tứ giá không nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Các mũi tiêm cũng không làm tăng khả năng dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, sinh non, sảy thai, thai lưu hoặc em bé nhẹ cân.
Nếu phát hiện mang thai sau tiêm chủng một số vaccine không được chỉ định trong thai kỳ, thai phụ cần giữ bình tĩnh và theo dõi sức khỏe tại bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ tốt nhất.
- Tiêm chủng trong khi mang thai có tốn kém?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 1 USD đầu tư vào tiêm chủng giúp tiết kiệm 16 USD chi phí chăm sóc y tế. Theo nghiên cứu của WHO năm 2017, chi phí khám và điều trị bệnh tốn kém gấp 16 lần chi phí tiêm vaccine phòng bệnh. Tiêm chủng cũng là một hoạt động đầu tư tài chính khôn ngoan.
Chính vì vậy, tiêm chủng trong thai kỳ không tốn kém so với lợi ích mà vaccine mang lại như giảm tỷ lệ mắc, phòng các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé.
- Một số vaccine không tiêm được trong thai kỳ, phòng bệnh thế nào?
Thai phụ chưa kịp tiêm các vaccine trước thai kỳ, có thể áp dụng các cách sau để phòng bệnh:
Đối với các bệnh lây qua đường hô hấp như phế cầu, sởi - quai bị - Rubella, thủy đậu, mẹ bầu cần rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, thời tiết lạnh cần chú ý giữ ấm các tay chân, đầu và cổ.
Nhiều mầm bệnh như viêm gan B, HPV có thể tồn tại trên các vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng... Phụ nữ mang thai có thể phòng lây nhiễm bằng cách không dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm, thường xuyên dọn dẹp không gian sinh sống...
Ngoài ra, người chồng, người chăm sóc, người thân cũng cần tiêm ngừa, là cách phòng bệnh hiệu quả giúp hạn chế tình trạng người lành mang trùng, tức người mang mầm bệnh nhưng không có triệu chứng lây bệnh cho thai phụ.
Nhật Linh
9h ngày 9/12, Hệ thống tiêm chủng VNVC và hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) tổ chức "Lớp tư vấn sức khỏe thai, sản số 16" theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề: "Sự kỳ diệu của ‘sức mạnh miễn dịch’ trong thai kỳ và các loại vaccine quan trọng cho trẻ trong năm đầu đời" do BS Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ.
Lớp học diễn ra tại VNVC quận 6, tòa nhà Nhật Đỉnh Tower, 245 đường Nguyễn Văn Luông, phường 11, quận 6, TP HCM.
Độc giả quan tâm, đăng ký tham gia tại đây