Thèm muốn quá mức và vật vã khi phải "cai" dường như là đặc điểm của nghiện ma túy nhưng càng ngày, các nhà tâm lý càng để ý thấy các dấu hiệu tương tự ở những người nghiện sử dụng các thiết bị như smartphone, máy tính bảng. Và khi ngày càng nhiều gia đình có các thiết bị đó, ngày càng nhiều trẻ em có thể bị lôi kéo.
Dưới đây là 7 dấu hiệu con bạn có thể đang bị mê mẩn với smartphone hay máy tính bảng:
Bứt rứt khó chịu khi không được dùng
Hội chứng cai từ nghiện ma túy hay nghiện rượu gây ra đau đầu và chóng mặt, nghiện các thiết bị điện tử cũng có triệu chứng tương tự. Trong một nghiên cứu năm 2011, các nhà khoa học đã yêu cầu 1.000 sinh viên đại học khắp thế giới ngừng sử dụng điện thoại thông minh hay các thiết bị di động hoặc có kết nối internet trong 24h. Nhiều triệu chứng được báo cáo như lo âu và trầm cảm, và thậm chí một người còn cho biết họ bị "ngứa như điên" vì thèm dùng điện thoại.
Nếu con bạn cảm thấy bứt rứt, bồn chồn hay buồn chán khi bị lấy đi smartphone, bé có thể đã bị tác động tiêu cực từ thiết bị này.
Ngày càng thèm dùng nhiều hơn
Cũng như người nghiện ma túy ngày càng cần dùng liều lớn hơn để đạt được cùng một mức độ "phê", những người sử dụng smartphone cũng có thể tăng ngưỡng dùng.
"Những đứa trẻ trước đây có thể thích dùng nó trong 10 phút, nhưng giờ chúng cần dùng tới một tiếng, hai hay thậm chí 3 tiếng", Oren Amitay, một nhà tâm lý tại Toronto, Canada, nói.
Nếu việc chơi 20 phút trò chém hoa quả hay lướt ván không còn đủ làm trẻ vui sướng nữa, thì đó có thể là dấu hiệu của việc nghiện thiết bị điện tử di động.
Mất hứng thú với các hoạt động khác
Nếu những đứa trẻ trước đây yêu thích chơi đá bóng hay bày trò cùng anh chị em hoặc trèo cây, nay lại mất hứng thú với tất cả các hoạt động này vì một trò chơi nào đó trên smartphone thì đó có thể là dấu hiệu một vấn đề. (Thỉnh thoảng mới sử dụng điện thoại hay máy tính bảng bên cạnh việc tham gia các hoạt động khác thì chưa đáng lo, nhưng thèm muốn ở trước màn hình hơn tất cả các trò chơi khác thì đã ở mức độ cần chú ý).
Khó kiểm soát
Người nghiện thường không có khả năng kiểm soát việc sử dụng "chất gây nghiện". Và mặc dù trẻ 4 tuổi chưa có khả năng tự kiềm chế, nhưng con bạn vẫn sẽ có vấn đề nếu bố mẹ phải rất vất vả mới có thể lấy điện thoại khỏi tay bé.
Mặt khác, bố mẹ nhỏ nên thiết lập các giới hạn cho trẻ. Một bé nhỏ nổi cơn ăn vạ, gào thét khi không được dùng smartphone nữa không chỉ là dấu hiệu của nghiện thiết bị thông minh mà còn có thể báo hiệu cha mẹ có trục trặc trong cách dạy con.
Nói dối
Bạn từng bắt gặp con mình khom người dưới bàn ăn hay trùm chăn kín để giấu giếm lướt màn hình smartphone, chơi trò chơi yêu thích? Thực vậy, một cảnh báo khác cho chứng nghiện là trẻ nói dối về việc sử dụng điện thoại hay máy tính bảng, lén lút sử dụng các thiết bị này trong phòng ngủ hay ở nơi kín đáo khác hoặc lừa dối các thành viên gia đình để có được nhiều thời gian hơn trước màn hình.
Khó ứng phó với cảm xúc tiêu cực
Người nghiện thường sử dụng một chất hay một hoạt động như là cách để thoát khỏi trạng thái hay cảm xúc tiêu cực. "Cho dù đó là sex, chất kích thích hay trò cờ bạc, thì nó thường là có liên quan tới những cảm giác khác mà họ không thể kiểm soát được", nhà tâm lý Amitay cho biết.
Những đứa trẻ sử dụng smartphone để tránh đối mặt với cảm xúc buồn, căng thẳng... có thể có vấn đề. Chẳng hạn, nếu con bạn luôn vớ lấy điện thoại sau khi cãi nhau với anh, chị em mình hay bố mẹ, nó có thể coi việc sử dụng thiết bị này là cách để đối phó với cảm xúc tiêu cực của mình.
Học hành sa sút, mất bạn bè
Mất đi các mối quan hệ quan trọng, thất bại ở trường học hay có hiệu suất kém trong công việc đều là dấu hiệu của chứng nghiện. Mặc dầu trẻ nhỏ không có khả năng mất đi những cơ hội trong công việc chỉ vì quá mải mê với trò chơi, chúng có thể mất đi bạn bè hay bị điểm kém vì điều này.
"Vấn đề là những đứa trẻ đó bị tách khỏi thế giới xung quanh chúng", chuyên gia tâm lý Amitay nói.
Vậy làm sao để nhận biết việc sử dụng smartphone của con bạn là bình thường hay không?
Với tất cả các triệu chứng trên, điều cần chú ý là những đứa trẻ vốn có tinh thần lành mạnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, bỗng trở nên ám ảnh, lo lắng về hoạt động mới nào đó.
"Nếu trẻ dành nhiều thời gian để làm quen với môi trường mới hay học cách sử dụng những thứ bé thích, đó là bình thường. Ngược lại, nếu trẻ trở nên bị ám ảnh, thèm khát quá mức thì lại là dấu hiệu cảnh báo", nhà tâm lý Amitay nói.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ, hầu hết các triệu chứng nghiện smartphone, máy tính bảng có thể khắc phục sớm nếu bố mẹ thiết lập giới hạn, đưa ra hậu quả cho việc sử dụng quá mức và tạo ra những hoạt động bổ ích hằng ngày cho con. Thực tế cho thấy bố mẹ gặp khó khăn khi lấy lại điện thoại ra khỏi tay một đứa trẻ 3 tuổi không nhất thiết là con họ bị nghiện thiết bị này mà là phụ huynh không kiên quyết và gặp khó khăn khi nói "không" với con.
"Nếu bố mẹ không thể can thiệp với một đứa con 3 tuổi thì sau này họ phải làm thế nào khi đứa trẻ ở tuổi teen?", nhà tâm lý cảnh báo.
Vương Linh (Theo Livescience)