Chị Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, lúc bé Mun 10 tháng tuổi, chồng chị đi nước ngoài mang về một chiếc iPad. Hai tuần sau, vợ chồng chị trố mắt thấy cậu con trai biết mở máy, bắt đầu chơi các trò trên đó, dù không ai chỉ dẫn gì. Chiếc iPad đặc biệt hiệu quả mỗi lần chị Ngọc cho con ăn, chỉ cần có máy trước mặt, cu cậu ngồi ngoan để mẹ bón.
Khi vợ chồng chị Ngọc đi làm, cô bé giúp việc vốn ít nói cũng mang iPad ra cho Mun chơi suốt ngày. Sau này, khi người giúp việc nghỉ và Mun đi lớp, chiếc iPad hay iPhone càng trở thành "vị cứu tinh" vì ban ngày chị đã quá mệt việc cơ quan, tối về lại lo việc nhà và chăm hai con.
"Mun sử dụng đồ công nghệ điêu luyện lắm, làm nhoay nhoáy, và trò nào cũng đạt điểm cao nhất nhà, từ bắn chim, nhập vai tới chém hoa quả...", chị Ngọc kể.
Mãi tới khi thấy con không chơi với bạn, chậm nói, 4 tuổi vẫn chưa biết đặt câu hỏi... vợ chồng chị Ngọc mới hoảng. Anh chị đưa bé đi khám một số nơi, có chỗ kết luận Mun tự kỷ. Tuy nhiên, một chuyên gia tâm lý trẻ em khẳng định Mun là trường hợp điển hình của việc lạm dụng iPhone, iPad.
Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, khi đến khám tại đây, bé Mun thao tác trên iPad, iPhone rất thành thạo nhưng các việc cần đôi tay khéo léo, dù đơn giản như xếp hai miếng gỗ lên nhau, cầm bút tô, vẽ... thì lại không thể làm được như các bạn cùng tuổi. Bé tỏ ra thờ ờ với mọi thứ, không thích chơi đồ chơi, khi chơi có xu hướng bạo lực như bóp, vặt cổ vịt... Cháu cũng không thể nói rõ ràng thành câu hoàn chỉnh.
Nhà tâm lý cho biết, trung tâm từng trị liệu cho khá nhiều trường hợp trẻ gặp vấn đề về tâm lý, phát triển như bé Mun do lạm dụng đồ công nghệ. Ban đầu, phụ huynh thường cho con chơi để trẻ ngồi ngoan, ăn ngoan và mình có thời gian rảnh. Sau, trẻ thích thú với các đồ công nghệ, trong khi bố mẹ sau một ngày làm việc thường mệt mỏi, dễ cáu bẳn, ngại khởi xướng các trò để cùng chơi với con... và việc này lặp đi lặp lại, khiến trẻ ngày càng chìm đắm vào thế giới ảo.
Điều nguy hiểm nhất là thường bố mẹ nhận ra tình trạng này rất muộn, khi con đã có những biểu hiện bệnh lý. Trước đó, nhiều người vẫn tự hào khoe con sử dụng thành thạo iPhone, iPad, thậm chí, có thể mở được khi người lớn đã khóa máy.
"Thật ra, phần lớn trẻ con, không cần có khả năng nổi trội gì, đều có thể tự mày mò và biết cách sử dụng các đồ này. Các nhà nghiên cứu từng làm một thử nghiệm: Đưa ra một đồ chơi gồm một vật đẩy và một quả bóng được thiết kế sao cho khi dùng tay đẩy vật thì quả bóng sẽ lăn lại phía trẻ. Nhóm thứ nhất được hướng dẫn, nhóm thứ hai chỉ để vật đó, không kèm chỉ dẫn nào. Kết quả: nhóm 1 chỉ làm đúng 60%, nhóm 2 làm đúng 100%. Trẻ con không đi từ lý thuyết đến thực hành như người lớn mà từ thực hành đến trí khôn. Và vì thế, việc con tự biết mở máy, chơi game, dùng iphone nhoay nhoáy không có gì là đặc biệt", ông Chuẩn giải thích.
Nhà tâm lý cho biết, những trẻ dùng nhiều iPhone, iPad phần lớn có trí tuệ, tư duy tốt nhưng đôi tay chỉ quen gạt, vuốt màn hình cảm ứng, không rèn được sự khéo léo nên sẽ bất lợi sau này. Nhiều em không thể xúc ăn, không thể cầm bút và gặp khó khăn khi tới trường. Hơn thế, khi suốt ngày chúi đầu vào máy móc, trẻ không giao tiếp, khả năng ngôn ngữ hạn chế, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, dễ hung tính.
Không chỉ iPhone, iPad, nhiều trẻ còn mắc các bệnh về tâm lý, thực thể vì nghiện TV. Trường hợp gần đây nhất là một bé trai 7 tuổi. Bé không thể đi học vì hỏi không nói, gọi không thưa.
Bố bé cho biết, lúc nhỏ, bố mẹ bận việc, bé ở nhà với bà đã già yếu và được bà mở TV cho xem để cháu khỏi kêu khóc đòi đi chơi và dễ cho ăn. Đến tuổi tập nói, bé bập bẹ vài từ, nhưng rồi không nói gì nữa, cả ngày chỉ dán mắt vào màn hình TV. Đến tuổi đi học, thấy tình trạng của con ngày càng nặng, không thể hòa nhập, học tập như các bạn, bố mẹ phải đưa em đi trị liệu.
Tại phòng khám tâm lý, bác sĩ cũng ngạc nhiên khi hỏi chuyện thì em không nói, nhưng khơi gợi đến các chương trình TV thì em có thể viết vài trang dày đặc, chi tiết về giờ phát sóng, các kênh truyền hình từ trong nước tới quốc tế, các bộ phim, talkshow... Các chuyên gia thử dạy bé bảng chữ cái theo cách gắn với các chương trình quảng cáo, như O = omachi; S= Samsung Galaxy... thì thấy cháu hứng thú và nhớ ngay...
"Đây là một trường hợp 'nghiện' TV có hậu quả đã rất nặng nề, khắc phục rất khó khăn. Khả năng đưa cháu trở lại trạng thái bình thường như trẻ cùng trang lứa là rất ít", nhà tâm lý chia sẻ.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, tốt nhất là không nên cho trẻ tiếp xúc với máy tính, TV trước 3 tuổi. Trong thời gian này, bố mẹ nên dành thời gian chơi với con, để bé tiếp xúc với đồ chơi thật, khám phá những điều mới mẻ xung quanh... Sau đó, có thể cho con xem với liều lượng vừa phải, và người lớn phải kiểm soát bé xem chương trình nào, chơi game nào bổ ích, phù hợp với lứa tuổi.
Khi nhận thấy con quá ham thích iPhone, iPad hay TV cần sửa ngay bằng cách, hạn chế cho con tiếp xúc với các vật dụng này, bố mẹ cần tạo niềm vui cho con, chơi với con nhiều hơn, đưa trẻ đến khu vui chơi, siêu thị, sân bóng...
Vương Linh
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi