"Các đôi muốn chia sẻ nhưng không đạt được kết quả tích cực vì quá cẩu thả trong cách nói và dùng từ. Họ nghĩ rằng đã nói X, nhưng bạn đời lại nghe thấy Y", Becky Whetstone , một nhà trị liệu hôn nhân và gia đình ở Little Rock, Arkansas (Mỹ), nói.
Dưới đây, có những cụm từ gây hại cần tránh và gợi ý về những câu có thể thay thế:
"Đây không phải vấn đề lớn" hoặc "Anh/em sẽ vượt qua được"
Những câu kiểu này nhằm cố gắng động viên bạn đời, hy vọng họ thấy những điều đang trải qua không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, động viên như vậy vô nghĩa với những người đang đối mặt với căng thẳng về cảm xúc, theo nhà trị liệu hôn nhân và gia đình người Mỹ, Amanda Baquero.
"Bảo 'sẽ vượt qua được' chỉ khiến họ thấy chia sẻ với bạn là sai lầm", chuyên gia nói.
Nếu muốn hỗ trợ bạn đời trong giai đoạn khó khăn, hãy thử nói: "Anh/em biết việc đó khó khăn. Anh/em hiểu tại sao cảm thấy như vậy. Chúng ta có thể cùng nhau vượt qua".
Anh giống hệt bố mình
Kiểu nói bạn đời giống hệt người thân nào đó, thường mang lại cảm giác gây chiến. Nói ra những lời này như thể bạn đời có đặc điểm hoặc hành vi tiêu cực, vừa xúc phạm lại không công bằng.
Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Abigail Makepeace, ở Los Angeles cho biết: "Cách nói này thể hiện sự vô trách nhiệm và khiến đối phương có cảm giác bị trừng phạt. Ngoài ra, nó chẳng mang đến sự thay đổi nào cả".
Makepeace đề xuất thay vì nói những lời tiêu cực về người bạn đời và gia đình của anh/cô ấy, hãy nói rõ những hành động cụ thể nào làm phiền bạn và đưa ra yêu cầu thay đổi.
"Anh/em luôn luôn..." hoặc "Anh/em không bao giờ...."
Đây là cách nói phổ biến trong những khoảnh khắc thất vọng, nhưng hiếm khi đánh giá đúng về bạn đời. Sự chỉ trích thường được gói gọn trong câu "anh luôn luôn" hay "em không bao giờ" này, sẽ tự động đặt bạn đời vào thế phòng thủ.
"Nói như vậy chỉ khiến bạn đời bỏ ngoài tai điều bạn nói. Họ cũng thất vọng khi lời buộc tội không đúng sự thật", Whetstone nói.
Muốn có một cuộc trò chuyện hiệu quả, hãy nói rõ những gì bạn đời gây phiền với bạn và cảm xúc của bạn thế nào. Thay vì nói: "Anh luôn ôm khư khư cái điện thoại" hãy nói "Em thấy mình bị bỏ rơi hoặc mất kết nối khi anh cứ cuốn vào mạng xã hội trước giờ ngủ".
Whetstone nói: "Khi bạn chọn từ chính xác và diễn đạt theo cách không giống như chỉ tay, người bạn đời có hiểu biết sẽ lắng nghe và hành động để đáp ứng nhu cầu của bạn".
"Anh/em sai rồi. Sao không làm theo ý tôi"
Bạn rất dễ thất vọng khi bạn đời làm điều gì đó "sai cách" hay khác với bạn. Nó có thể là cái gì đó rất nhỏ như cách dùng máy rửa bát, sắp xếp hành lý cho một chuyến đi hoặc xử lý vấn đề với thành viên khác trong gia đình.
"Tuy nhiên, nói lời khuyên theo cách phủ nhận và áp đặt có thể khiến bạn đời trong tâm thế phòng thủ và cảm thấy bị coi thường. Lần sau, bạn có thể thử nói, 'Có vẻ như anh/em đang gặp khó khăn. Tôi có một ý tưởng có thể giúp ích. Anh/em có muốn nghe không? '", Baquero nói. Cách nói này giúp bạn đời thấy đang giải quyết một vấn đề cùng nhau, thay vì cạnh tranh nhau.
Tôi muốn kết thúc
Nói "Tôi ghét anh" "Tôi muốn ly hôn"... có thể gây tổn thương đáng kể, dù bạn không cố ý. Giận nhau là bình thường, nhưng đả kích và nói những điều cực đoan trong thời điểm căng thẳng không tốt cho sức khỏe, theo nhà trị liệu hôn nhân Whetstone.
"Tốt hơn hết là bình tĩnh, sau đó quay lại và bình tĩnh thảo luận về những gì không hiệu quả. Đây là lúc chúng ta có thể tiếp cận theo cách tốt hơn", cô nói.
Whetstone hay nhắc nhở khách hàng: Những điều được nói trong tình trạng kích động thường là sự phóng đại, không phải cảm giác thực sự, nhưng có thể gây tổn thương sâu sắc.
Nếu muốn thể hiện đúng suy nghĩ của mình, hãy diễn đạt là "Lúc này, em giận anh đến mức như muốn kết thúc, nhưng em biết không phải vậy".
"Anh/em quá nhạy cảm"
Khi bạn đời khó chịu và bạn gạt đi bằng cách nói họ quá nhạy cảm hoặc quá xúc động, bạn đang sai lầm.
Nhà trị liệu Makepeace nói: "Thật không công bằng khi bạn quyết định một người nên cảm thấy thế nào. Nói với ai rằng phản ứng của họ là 'quá' chẳng có ích gì".
Nếu không hiểu hoặc đồng ý với quan điểm của bạn đời, cố gắng đừng phát xét. Một câu chân thành như "Anh/em hiểu vì sao điều đó khiến em tổn thương", có thể giúp bạn đời thấy được lắng nghe.
Im lặng
Đôi khi sự im lặng có thể gây tổn hại không kém việc bạn nói sai. Hành động đóng cửa và rời khỏi phòng, từ chối nói về vấn đề đang bàn rất dễ khiến vợ/chồng thấy bị bỏ rơi trong lúc cần kết nối, nhà trị liệu tâm lý Brittany Bouffard cho biết.
"Từ chối trò chuyện trong hoặc sau xung đột giống như một quả bom, khiến đối phương không hiểu lý do bạn tổn thương hoặc làm thế nào để thay đổi tình trạng hiện tại", Bouffard, nói.
Yêu cầu bạn đời dành thời gian suy nghĩ hoặc bớt nóng tính là đúng, nhưng phớt lờ hoặc không nói chuyện là không nên. Hãy thử nói với đối phương bạn cần vài phút yên tĩnh nhưng sẵn sàng quay lại trao đổi.
Nhật Minh (theo Huffpost)