Bài viết của nhà văn Cố Điển Điển (Trung Quốc)
Cách đây không lâu, một người đàn ông đăng lên mạng xã hội hỏi đáp Zhihu câu chuyện của mình. Người này đã kết hôn được 12 năm và có cậu con trai 8 tuổi. Tuần trước vì một việc nhỏ, anh và vợ cãi nhau. Trong lúc tức giận, người đàn ông nhiếc vợ "Cô làm gì cho cái nhà này mà dám cãi tôi. Giờ muốn thế nào?". Ngay hôm sau, người vợ viết đơn ly hôn với thái độ rất cương quyết.
"Sau bao năm chung sống, thăng trầm đều từng trải qua, không hiểu sao cô ấy lại dứt khoát như vậy. Thậm chí cô ấy không tranh giành quyền nuôi con, nhất nhất đi ra khỏi nhà", người đàn ông băn khoăn, "Giờ tôi biết làm sao?".
Thành thật mà nói, sau khi đọc câu chuyện trên, tôi có cảm giác ớn lạnh. Nếu thực sự không muốn ly hôn vì sợ con không đủ đầy tình yêu thương của bố mẹ, tại sao anh ta lại thốt được câu nói đó với vợ mình. Điều đáng sợ nhất trong hôn nhân chính là chà đạp lên công sức của nhau. Câu nói "Cô làm gì cho cái nhà này mà dám cãi tôi" đủ hiểu người đàn ông này coi nhẹ công sức đóng góp của người vợ trong gia đình như thế nào.
Hầu hết, một mối quan hệ tan vỡ không phải do biến cố lớn, mà là một chút "chết chóc" của trái tim, như câu nói của người đàn ông trên. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng một lời nói có thể cướp đi sinh mạng của một người. Đôi khi, nhiều người thoải mái dùng chính nỗi đau của người khác để dằn vặt họ mà không hiểu được điều đó sẽ gây tổn thương, ám ảnh đến thế nào. Vợ chồng là những người thân cận với nhau nhất trên thế gian, bởi vậy một câu nói xúc phạm hay gợi lại nỗi đau sẽ có "sức công phá" lớn hơn tất thảy.
Trên weibo gần đây cũng có một chủ đề thu hút sự quan tâm của độc giả "Tại sao bạn hết yêu vợ/chồng mình?" Có một người nói rằng: "Bởi cô ấy nói với tôi: Cút đi". Chợt thấy tình cảm giữa người với người thật mong manh, những câu nói trong lúc tức giận lại có thể biến thành sát thủ "vô hình" tách đôi hai người vốn thân thiết trở nên xa lạ.
Người dẫn chương trình Nancy Kou của Đài Loan từng tiết lộ, trong một lần cãi nhau với chồng, cô đã tức giận hét lên: "Anh chỉ là kẻ bị vợ bỏ, anh không xứng đáng với tôi". Trước khi lấy Nancy Kou, người chồng từng đổ vỡ hôn nhân một lần. Câu nói này khiến trái tim người đàn ông đau đớn, anh tức giận đến nỗi chỉ thốt lên được câu "Anh không ngờ em nghĩ như vậy", sau đó thu dọn đồ đạc rời khỏi nhà. Sau khi bình tĩnh lại, Nancy Kou rất hối hận với những lời độc ác của mình nhưng cô không thể liên lạc được với chồng. Ba ngày sau, người chồng trở về nhà, lúc này cô đã khóc và xin lỗi anh.
Tuy nhiên không phải ai cũng được may mắn như Nancy Kou khi người chồng sẵn sàng tha thứ. "Đại đa số các cuộc hôn nhân mà bị đối phương dùng nỗi đau để dằn vặt như vậy thường sẽ kết thúc trong đau đớn", nữ dẫn chương trình thừa nhận.
Những lời lẽ không hay thốt ra trong lúc cãi vã chẳng khác nào cái gai, cứ cắm thẳng vào tim nhau hết lần này đến lần khác. Nếu thực sự yêu thương nhau, đừng nói những lời cay đắng khi tâm trạng không tốt, bởi chỉ một lời nói thôi cũng có thể khiến trái tim lạnh giá không bao giờ ấm lại được.
Người dẫn chương trình nổi tiếng Từ Lỗi của Trung Quốc từng nói: "Người càng được yêu thương nhiều thì lời nói càng trở nên ý nghĩa với đối phương! Và vì thế, lòng thương tổn càng mạnh mẽ hơn, sâu hoắm hơn, dai dẳng hơn, xót đau hơn nếu nghe phải lời không hay!"
Tôi có một người bạn họ Mai kết hôn được 3 năm và vừa kết thúc cuộc hôn nhân trong lặng lẽ. Trước khi kết hôn, cô nghĩ chồng mình là dân kỹ thuật không giỏi giao tiếp, nhưng sau khi thành vợ chồng, hai người quá khó để nói chuyện với nhau. Mai muốn quan tâm tới chồng và mong anh bớt hút thuốc, chơi game nhưng anh nói: "Em còn khó chịu hơn mẹ anh". Cô muốn chồng chia sẻ công việc riêng với mình nhưng anh dửng dưng: "Em hiểu gì mà nói". Khi gặp chuyện không hay, muốn được chồng an ủi thì lại bị dội gáo nước lạnh: "Khóc gì mà khóc, đúng là đàn bà lắm chuyện".
Dần dà, Mai không nói bất kỳ chuyện gì với chồng nữa, cô lẳng lặng tự làm mọi việc. Người chồng cho rằng "Cuối cùng vợ mình cũng đã trưởng thành", nhưng thực tế cô ấy đã coi anh như người ngoài. Cho đến khi Mai đệ đơn ly hôn mà không báo trước, chồng cô mới nhận ra khoảng cách giữa hai người đã quá xa để cứu vãn. "Cứu người đã hạ quyết tâm rời đi cũng vô ích. Cánh cửa trái tim tôi đã đóng lại và không mở ra cho anh ta nữa", Mai đúc kết cuộc hôn nhân của mình.
Nhiều người nói rằng, chỉ kết hôn khi tìm được người tâm đầu ý hợp. Nhưng hai con người với hai cá thể khác nhau, có suy nghĩ độc lập riêng nên dù có hợp nhau đến đâu cũng không tránh khỏi những lúc khúc mắc. Trong hôn nhân, những lời nói đôi khi tưởng chừng không chủ ý của một trong hai phía, nhưng lại cay nghiệt đến mức chạm vào nỗi đau trong tim của đối phương, dần dà phá vỡ tình yêu, khiến hôn nhân tan nát.
Diễn viên Trương Trí Lâm từng nói về mối quan hệ với vợ mình: "Mỗi lần cãi nhau, tôi đều nghĩ đến việc mất cô ấy nên tôi luôn biết kiềm chế". Nam diễn viên cho hay anh trân trọng mỗi phút giây bên vợ và sẽ nhận lỗi khi cuộc cãi vã trở nên căng thẳng hơn. "Thừa nhận sai lầm không có gì là xấu. Sợ nhất là mất đi những thứ không thể cứu vãn được, lúc đó hối hận không kịp. Vợ chồng chung sống với nhau không phải để tranh giành thắng thua mà đồng hành cùng nhau tới suốt cuộc đời.".
Nam diễn viên cũng cho hay không có mối quan hệ vợ chồng nào tốt đẹp đến mức không có xung đột và cãi vã. Tất cả tình yêu trên đời đều là kết quả của sự cảm thông và nhường nhịn nhau.
"Nói hay thì mới giữ được tình yêu bền vững", diễn viên họ Trương nói. Lắng nghe đối phương, biết chia sẻ và nói chuyện thấu tình đạt lý, hiểu biết và đặc biệt luôn biết điểm dừng để không vượt quá cái tôi, không làm tổn thương, không xúc phạm đối phương chính là "chìa khóa" cho một cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc.
Vy Trang (Theo aboluowang)