Theo một nghiên cứu của ADM OutsideVoice - đơn vị nghiên cứu độc lập của tập đoàn ADM, 77% người tiêu dùng có xu hướng chú trọng giữ gìn sức khỏe trong tương lai. Do đó, những nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống nếu cân bằng thành công mối quan tâm về sức khỏe và khả năng chi trả của người tiêu dùng sẽ có ưu thế trên thị trường.
Dưới đây là 6 xu hướng tiêu dùng chính có tác động lớn đến ngành thực phẩm trong thời gian tới.
Tập trung vào sức khỏe đường ruột và chức năng miễn dịch
Do Covid-19, 57% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ lo lắng về khả năng miễn dịch. Họ ngày càng hiểu biết hơn về cách thức hệ vi sinh vật hỗ trợ hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Vì vậy, các sản phẩm bổ trợ cho hệ vi sinh vật của cơ thể sẽ được đón nhận.
Sản phẩm có nguồn gốc thực vật được ưa chuộng
Tại Mỹ, 18% người tiêu dùng mua sản phẩm đạm thực vật lần đầu trong mùa dịch và 92% trong số họ cho biết sẽ tiếp tục mua các sản phẩm đạm thay thế thịt sau đó.
Tại Đức, Anh và Hà Lan, 80% người được hỏi cho biết có khả năng tiếp tục ăn các loại sản phẩm thay thế thịt có nguồn gốc thực vật sau đại dịch.
Quan niệm mới về quản lý cân nặng và sức khỏe trao đổi chất
Qua đại dịch, những người bị tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch cũng nhìn nhận lại việc quản lý cân nặng và sự trao đổi chất ở một góc độ mới.
51% số người khảo sát cho biết, họ lo ngại về việc ít hoạt động hơn hoặc tăng cân trong thời gian đại dịch. Lo lắng này có khả năng làm tăng nhu cầu về các giải pháp chức năng hỗ trợ trao đổi chất tốt và quản lý cân nặng lành mạnh.
Cân bằng giữa chăm sóc bản thân, sức khỏe tinh thần và dinh dưỡng
Covid-19 làm gia tăng cảm giác lo lắng và căng thẳng, 35% người tiêu dùng cho biết họ quan ngại về sức khỏe tâm thần. Mọi người đang tìm kiếm những cách mới để cải thiện, bao gồm cho phép bản thân tiêu thụ thực phẩm và đồ uống thoải mái, dễ chịu. Tuy nhiên, cùng lúc đó, họ lại có nhu cầu quản lý cân nặng và tìm kiếm sự cân bằng giữa dinh dưỡng lành mạnh và sự hưởng thụ.
Vì lý do này, dự báo các sản phẩm thực phẩm và đồ uống được thiết kế để cải thiện tâm trạng, duy trì năng lượng và giảm căng thẳng sẽ trở nên phổ biến trong thời gian tới.
Giải pháp dinh dưỡng cho từng cá nhân
Sau dịch, nhu cầu đối với các sản phẩm cung cấp những giải pháp chăm sóc bản thân và sức khỏe được cá nhân hóa sẽ tăng cao. Nghiên cứu cho thấy 49% người tiêu dùng cảm thấy mỗi cá nhân là duy nhất và yêu cầu một chế độ ăn uống, tập luyện riêng biệt.
Bên cạnh đó, 31% đã mua thêm các mặt hàng phù hợp với nhu cầu sức khỏe và dinh dưỡng cá nhân.
Sự thay đổi về giá trị mua sắm
Xu hướng chăm sóc sức khỏe đang ngày một gia tăng, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thể chất. 48% người tiêu dùng dự định mua thêm các mặt hàng liên quan đến sức khỏe và thể chất.
Đồng thời, những lo ngại về suy giảm kinh tế trên diện rộng đã thúc đẩy sự chuyển dịch hành vi người tiêu dùng sang mua sắm dựa trên giá trị, bao gồm việc gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, lựa chọn các sản phẩm nhãn hiệu riêng có giá thấp hơn và mua sắm tại các cửa hàng giá rẻ.
Nghiên cứu cho rằng, những thay đổi hành vi này có thể sẽ tiếp tục duy trì sau khi đại dịch đạt đỉnh.
Dỹ Tùng