Đổi việc 2 lần, nhưng anh Huy Mai đã đổi cách ăn 4 lần, từ tự nấu lúc là nhân viên làm việc giờ hành chính đến sử dụng dịch vụ bữa ăn nấu sẵn đặt theo tuần, giao mỗi sáng. Đầu năm nay, khi "ngán" với menu thiếu những món truyền thống Việt Nam, anh chuyển sang gọi đồ ăn qua ứng dụng.
Gần đây, cùng với "ăn ngoài qua app", Huy cho biết đang thử nghiệm đặt bữa ăn sơ chế sẵn. "Thật ra nấu ăn cũng là một cách thư giãn nhưng giờ giấc công việc hiện không cố định, đi mua nguyên liệu lại mất thời gian", anh nói vừa thử đặt một combo 3 ngày ăn cho 4 người với giá xấp xỉ 500.000 đồng.
"Combo có tầm 2,5 kg rau các loại và 2 kg thịt gồm một kg thịt heo và 350 gram thịt bò, còn lại là gà. Một số nguyên liệu sẽ được sơ chế sẵn nếu mình yêu cầu. Combo cho 4 người nhưng tôi ăn một mình thì cả tuần mới hết", Huy nói.
Đã xuất hiện vài năm trở lại đây nhưng dịch vụ bữa ăn sơ chế sẵn tới năm 2020 mới đánh dấu giai đoạn phát triển mới, nhờ Covid-19. Một số đơn vị cho rằng, nếu đi chợ hộ không đủ tiện hay bữa ăn ngoài, gọi về đã ngán thì đó là lúc bữa ăn sơ chế sẵn, hay thị trường "Ready-to-cook", được dịp phát huy.
Theo tạp chí Frozen Food Europe, trong khi "Ready-to-eat" là các bữa ăn ngay không cần qua các giai đoạn nấu hay làm nóng nào thì "Ready-to-cook" là các bữa ăn cần phải trải qua công đoạn nấu (nếu là gói thực phẩm tươi sơ chế) hoặc làm nóng lại (với các gói thực phẩm đã nấu và đông lạnh).
"Ready-to-cook" vốn hiện diện khá đại trà tại các siêu thị Việt Nam từ lâu, với hình thức các món ăn sơ chế sẵn hoặc thực phẩm sơ chế, chế biến hoàn chỉnh rồi đông lạnh. Tại Saigon Co.op, BigC hay Satra, các vỉ rau củ cắt gọt hay thịt cá ướp sẵn như khổ qua nhồi thịt, chén mắm chưng, sườn ướp chiên, canh chua cá lóc... là những ví dụ thực phẩm sơ chế tươi dùng trong ngày phổ biến.
Tuy nhiên, phân khúc mới hơn chính là các dịch vụ bán những combo bữa ăn sơ chế sẵn, với menu gợi ý cho 3-5 ngày dành cho gia đình 2-4 người ăn. Một số dịch vụ có thể kể đến như Home Fresh, ViCook, 5.Foods hay Food Hub. Gần đây, một số tên tuổi mới như iVIVU hay Morico cũng tham gia, khi nhìn thấy cơ hội từ mùa dịch.
Morico cho biết, ý tưởng của họ nhen nhóm từ 2018, khi đến thăm nhà bạn, tình cờ thấy tủ lạnh chứa đầy những món ăn được chế biến sẵn, đóng gói và xếp vào ngăn đông để dùng dần. "Nhưng khi đó mọi thứ chỉ nằm ở ý tưởng, sự nhen nhóm vì thị trường thời điểm đó, theo nhận định của chúng tôi chưa thật sự cần đến giải pháp này", đại diện công ty nói.
Phải đến khi Việt Nam giãn cách xã hội từ 27/03 – 23/04, công ty mới bắt tay nghiên cứu thị trường. Họ quyết định tung dịch vụ bán các bữa ăn sáng, trưa, tối "Ready-to-heat"và"Ready-to-eat". "Chúng tôi nhận thức rằng hành vi của người tiêu dùng – xu hướng nấu ăn tại nhà nhiều hơn - không chỉ là sự thay đổi tạm thời để thích ứng với dịch bệnh mà đây sẽ là thói quen dù dịch bệnh có qua đi", công ty nhận định.
Nhảy vào thị trường "Ready-to-cook" từ đầu tháng 5 với các gói nguyên liệu đã sơ chế và chỉ cần 10 phút nấu, ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc iVivu.com nói rằng nấu ăn và ăn tại nhà là nhu cầu luôn có.
Theo ông, cơ sở thúc đẩy thị trường "Ready-to-cook" xoay quanh các yếu tố bao gồm: độ sạch và tươi của nguyên liệu vốn phụ thuộc vào nơi mua tin cậy và liệu sau giờ tan ca có còn nhiều thực phẩm tươi ngon hay không; làm sao để mua thực phẩm vừa đủ cho gia đình nhỏ mà không thừa qua ngày; thời gian buổi tối rất ít thì nấu nướng cần nhanh nhất có thể.
"Thị trường 'Reay-to-cook' ở Việt Nam luôn sẵn có và rất tiềm năng. Còn Covid-19 là một cú hích để để cả người tiêu dùng lẫn các nhà đầu tư bắt đầu nhìn nhận thị trường này một cách nghiêm túc hơn", ông Công nói.
Một số đơn vị mới tham gia nói rằng họ đang có kết quả kinh doanh bước đầu phù hợp với kỳ vọng. Ông Công cho biết kết quả 3 tháng thăm dò thị trường cho thấy nhận định của công ty về nhu cầu là chính xác. "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp 10.000 gói thực phẩm sơ chế sẵn mỗi ngày. Hiện chúng tôi có 70% khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ", ông nói.
Phía Morico thì cho hay họ "may mắn" vì phần lớn khách hàng đã từng biết hoặc đã và đang sử dụng sản phẩm "Ready-to-eat", "Ready-to-cook" trong khoảng thời gian học tập, làm việc tại nước ngoài hoặc vẫn đang sử dụng hình thức tương tự tại nhà để giảm thời gian nấu nướng mỗi ngày.
"Doanh thu trong 2 tháng đầu tiên ra mắt doanh thu tương ứng với một cửa hàng nhỏ thuộc hệ thống", đại diện Morico tiết lộ.
Tương tự các mảng khác trong F&B hay các dịch vụ gọi đồ ăn, sự sôi động cũng kéo theo mức độ cạnh tranh không nhỏ giữa những nhà cung cấp dịch vụ "Ready-to-cook". Các đơn vị trong ngành thường thu hút khách hàng bằng các chào mời như tiết kiệm thời gian như chỉ tốn 10-20 phút nấu; mức độ đa dạng của menu hàng tuần, với đơn vị hứa hẹn món ăn cả tuần không lặp lại; hay khả năng làm "chuyên gia dinh dưỡng" với menu tư vấn cho bữa ăn khoa học.
Giá cả của các dịch vụ cũng đang mức cạnh tranh cao. Có đơn vị cung cấp nguyên liệu sơ chế một người ăn trong 5 ngày chỉ với 99.000 đồng. Một số dịch vụ cũng đang tung các chương trình khuyến mại 10%-15% các combo bữa ăn hoặc miễn phí giao hàng, ưu đãi đặc biệt cho khách hàng mới.
Viễn Thông