Các giải marathon hay ultra marathon có điểm chung là đông người tham gia, dài hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet. Ban tổ chức rất khó giám sát toàn bộ đường đua nên nhiều VĐV lợi dụng điều này để gian lận. Dưới đây là những vụ gian lận lớn từng bị phát hiện trong lịch sử các giải marathon.
Cựu kỷ lục gia thế giới di chuyển 4km bằng ôtô
Josia Zakrzewski, VĐV từng lập kỷ lục thế giới về quãng đường chạy của nữ trong 48 giờ với 410,843 km hồi đầu năm, bị phát hiện gian lận khi tham gia một cuộc đua ultra marathon tại Anh vào tháng 4.
Zakrzewski bị bắt quả tang gian lận khi thiết bị theo dõi cho thấy cô chạy với tốc độ gần 60 km/h và đi theo đường tắt. Việc di chuyển bằng ôtô quãng đường gần 4 km giúp runner này tạo lợi thế khoảng 25 phút. Nhờ đó, cô cán đích với thành tích 7 giờ 25 phút, chỉ kém 22 giây so với người về nhì.
Runner 47 tuổi sau đó xin lỗi nhưng nhấn mạnh việc đi xe là "không ác ý" và sự cố xuất phát do "hiểu lầm". Trên BBC Scotland, nữ runner cho biết cô bị lạc khoảng nửa chặng đường và bắt đầu cảm thấy đau ở chân. Lúc đó, cô nghĩ không thể tiếp tục thi đấu và quyết định đi nhờ xe của một người bạn đến checkpoint tiếp theo. Tại đây, cô đã thông báo với ban tổ chức về quyết định bỏ cuộc nhưng sau đó quyết định chạy tiếp và cán đích ở vị trí thứ ba.
Hai anh em Nam Phi đổi vai trên đường chạy
Năm 1999, cặp anh em song sinh Sergio Motsoeneng và Fika Motsoeneng bị phát hiện gian lận khi tham gia Comrades Marathon - giải ultra trail lâu đời và lớn bậc nhất thế giới.
Comrades Marathon dài khoảng 90km, chạy qua nhiều vùng đồi núi hiểm trở. Sergio chạy 45km đầu tiên sau đó tấp vào một nhà vệ sinh ven đường đua nơi Fika đã chờ sẵn. Sergio nhanh chóng đưa áo, Bib và giày chạy cho Fika để anh trai tiếp tục chạy 45km còn lại. Kết quả, VĐV này về đích thứ 8, nhận tiền thưởng khoảng 1.000 USD.
Tuy nhiên, điều bất thường bị phát hiện khi những bức ảnh chụp cho thấy Sergio ban đầu đeo đồng hồ ở cổ tay trái trong khi nửa sau đường đua đeo ở tay phải. Trên ống chân của VĐV này cũng có vết sẹo khác thường. Sergio thừa nhận gian lận, bị tước tiền thưởng.
Luật sư của anh em nhà Motsoeneng cho rằng cả hai khao khát số tiền thưởng để cải thiện cuộc sống nghèo khó nên có hành động gian lận. Cả hai sau đó bị cấm thi đấu 5 năm. Năm 2010, Sergio trở lại Comrades Marathon, cán đích ở vị trí thứ ba nhưng một lần nữa bị tước giải thưởng vì xét nghiệm dương tính với chất cấm.
Rosie Ruiz - biểu tượng gian lận tại Boston Marathon
Cố runner Rosie Ruiz (qua đời năm 2019, thọ 67 tuổi) được xem là một biểu tượng gian lận. Năm 1980, trong thời gian còn là thư ký tại một công ty buôn bán hàng hóa tại Manhattan, Ruiz đã tham gia Boston Marathon và về đích đầu tiên với thời gian 2 tiếng 31 phút 56 giây. Kết quả này lẽ ra sẽ đưa Ruiz thành phụ nữ chạy marathon nhanh thứ ba thế giới. Nhưng thực tế, nó khiến bà trở thành biểu tượng gian lận trong làng chạy bộ.
Rosie không có những dấu hiệu hay hành động như một người vừa chạy hơn 42km. Runner nữ này bước lên bục nhận huy chương và vòng nguyệt quế trong sự hoài nghi của các VĐV khác. Họ tự hỏi làm thế nào người phụ nữ mà họ chưa hề biết tên hoặc nhìn thấy trên đường chạy có thể về nhất.
Bill Rodgers, vô địch nam cự ly marathon Boston Marathon năm 1980 cho rằng Ruiz gian lận vì bà không biết gì về chạy, không đổ mồ hôi và còn mặc áo rất dày. Khi lên truyền hình, Ruiz nói từng dự New York City Marathon với thành tích 2 tiếng 56 phút. Khi được hỏi về bí quyết cải thiện thành tích, bà chỉ nói "tôi tự tập luyện". Bà cũng không thể trả lời những câu hỏi của MC về bài tập chạy biến tốc (interval) - vốn rất cơ bản với dân chạy.
Hai sinh viên Đại học Harvard khẳng định họ nhìn thấy nữ runner này nhập cuộc ở gần Quảng trường Kenmore, cách đích khoảng 1.500 mét.
Quá khứ về thành tích 2 tiếng 56 phút tại NYC Marathon cũng bị đào lại. Một nhiếp ảnh gia tự do cho biết tình cờ gặp bà trên tàu điện ngầm trong ngày đua. Người này cho biết Ruiz đã nói bỏ cuộc từ kilomet thứ 16 do mắt cá chân bị đau. Bà xuống tàu điện ngầm sau đó đi bộ về đích. Đến khi qua đời, Ruiz vẫn không thừa nhận gian lận.
Runner 70 tuổi chạy tắt để lập kỷ lục
Frank Meza, 70 tuổi, bị loại khỏi Los Angeles Marathon 2019 sau khi ban tổ chức phát hiện ông chạy với tốc độ "bất khả thi" so với độ tuổi. Theo CNN, Meza chạy marathon trong 2 tiếng 53 phút 10 giây - thành tích vô lý ở tuổi 70. Trong khi người về nhì ở cùng nhóm tuổi với ông mất gần 4 tiếng.
Xem lại camera an ninh, ban tổ chức phát hiện runner 70 tuổi đã rời đường đua, rẽ vào một ngã khác nhưng ông vẫn một mực phủ nhận cáo buộc. Meza nói ông rẽ đi tìm nhà vệ sinh và không gian lận. Trước đó, năm 2014, ông cũng từng một lần bị loại khi chạy marathon trong 2 tiếng 52 phút tại California.
Vài tháng sau cuộc đua, Frank Meza tự sát do hứng chịu quá nhiều chỉ trích. Gia đình đã cố bảo vệ ông trước những lời công kích và tin rằng Meza không gian lận. Faustina Nevarez - vợ của runner cho biết ông là người chính trực, tập luyện nghiêm túc. Ông chạy bộ từ năm 14 tuổi, duy trì chạy khoảng 160 km mỗi tuần. Con trai cho biết bố chạy rất nhanh, thường ở pace 6:00 và đã tham gia gần 80 giải marathon.
Đi ôtô để vô địch Olympic
Năm 1904, Olympic đầu tiên được tổ chức ở Mỹ. Fred Lorz, VĐV chủ nhà giành huy chương vàng marathon năm đó. Tuy nhiên, thực tế Lorz đã dừng chạy vì kiệt sức sau 9 dặm (14,5 km). Quản lý của ông dùng ôtô để chở tiếp quãng đường 11 dặm (gần 18km). Lorz đi bộ về đích và trở thành nhà vô địch. Hành vi gian lận của ông bị khán giả phát hiện.
Dẫu vậy, Fred Lorz vẫn là một VĐV xuất chúng. Một năm sau, ông vô địch Boston Marathon sau 2 tiếng 38 phút. Năm 1906, ông về thứ tư tại Chicago Marathon, hạng 7 tại Boston Marathon 1907. Năm 1910 ông kết hôn và có ba người con nhưng chỉ bốn năm sau ông qua đời vì viêm phổi.
Người vô gia cư hoàn thành London Marathon nhờ Bib "nhặt"
Stanislaw Skupian, 38 tuổi, một người vô gia cư nói với The Sun rằng đã lén vượt hàng rào an ninh để vào đường chạy London Marathon 2018. Khi cách đích 300 mét, Skupian thấy một chiếc áo phông, có dán Bib nên đã nhặt và về đích hợp lệ. Tình nguyện viên đến trao huy chương cho người đàn ông này và khen anh đã làm rất tốt. Skupian kể khi đó đã rơm rớm nước mắt, liên tục hôn lên huy chương và xem đó là khoảnh khắc đẹp nhất đời mình.
Chủ nhân của Bib là Jake Halliday, một nhà hoạt động xã hội. Ông cởi áo ở đoạn cuối vì thấy quá nóng.
Hành vi gian lận của Skupian bị phát hiện khi nhiều người thấy tấm ảnh tay vô gia cư chụp với huy chương và Bib của Halliday. Theo luật của Anh, Skupian bị khởi tố. Anh nhận thêm vài tội trộm cắp vặt và bị tuyên 16 tháng tù.
Hoài Phương (Theo Insider)