Bác sĩ Phan Thị Thu Minh, Phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, cơ thể trẻ sơ sinh non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị các mầm bệnh tấn công. Từ 2 tuổi, trẻ dần tiếp xúc với môi trường bên ngoài, nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh cao hơn khi chưa tiêm vaccine đầy đủ. Bên cạnh đó, một số loại vaccine chưa được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) khiến trẻ chưa được bảo vệ tốt nhất. Do đó, bác sĩ khuyến cáo gia đình nên cho con tiêm bổ sung một số vaccine dịch vụ để phòng bệnh toàn diện hơn.
Phế cầu
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trích dẫn một vài số liệu điều tra, cho thấy từ năm 1990 đến 2003, 40 đến 70% trẻ khỏe mạnh có phế cầu vùng hầu họng; 26 đến 83% các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính do phế cầu gây ra.
Phế cầu là nguyên nhân chủ yếu gây viêm tai giữa, viêm xoang ở trẻ em, đồng thời gây viêm màng não ở người lớn. Trẻ tiêm vaccine phế cầu là cách tốt nhất giảm tỷ lệ biến chứng, nguy cơ tử vong, giảm dùng kháng sinh, chi phí và thời gian chữa bệnh do viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi phế cầu xâm lấn.
Theo trang Our World in data, số ca tử vong ở trẻ em do phế cầu khuẩn tại 120 quốc gia từ năm 2000 đến năm 2015, đã giảm từ 600.000 xuống còn 294.000, ước tính khoảng 54%. Trong đó, vaccine cứu sống khoảng 250.000 trẻ. Vaccine cũng ngăn ngừa tử vong do viêm màng não do phế cầu khuẩn và các bệnh khác.
Hiện Việt Nam có 2 loại vaccine phế cầu là Synflorix (Bỉ) chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi và Prevenar 13 (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi.
Rotavirus
Viện Pasteur TP HCM thống kê năm 2011, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 5.000-6.000 trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì tiêu chảy do Rotavirus. Còn Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số trẻ tử vong do virus chiếm từ 4-8% trong tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.
Hiện có 3 loại vaccine ngừa rotavirus là Rotateq (Mỹ), Rotarix (Bỉ), Rotavin (Việt Nam). Vaccine ở dạng uống nên chủng ngừa rất dễ dàng, liều đầu tiên dùng cho trẻ từ 6 tuần tuổi và liều cuối cùng ở 8 tháng tuổi. Phụ huynh cần lưu ý cho trẻ chủng ngừa đúng lịch, đủ liều.
Cúm mùa
Bệnh cúm có thể gây biến chứng xẹp phổi ở trẻ sinh non, nhẹ cân khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Chủng cúm A có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, chóng mặt, đi lại khó khăn nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Vaccine cúm giúp trẻ phòng bệnh và bảo vệ phổi, giảm nguy cơ biến chứng suy hô hấp sơ sinh.
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã có thể tiêm vaccine cúm, phác đồ 2 mũi cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc 1 mũi hàng năm. Vaccine giảm 74% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt, giảm 31% nguy cơ tử vong so với trẻ không tiêm vaccine, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe và tương lai. Hiện có vaccine Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan) và GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc) phòng 4 chủng cúm nguy hiểm A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata, B/Victoria.
Não mô cầu
Viêm màng não do não mô cầu diễn tiến nhanh, để lại di chứng nặng nề như: cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân hoặc tổn thương não, giảm thính lực... có thể cướp đi tính mạng trẻ trong 24 giờ.
Hiện có 12 tuýp huyết thanh của não mô cầu được xác định, trong đó 6 tuýp A, B, C, W, X, Y thường gặp. 6 tuýp này đã có vaccine phòng ngừa, gồm: VA-Mengoc-BC (Cu Ba) phòng tuýp B, C tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người 45 tuổi và Menactra (Mỹ) phòng tuýp A, C, Y, W tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến người 55 tuổi.
Thủy đậu
Ở trẻ em, bệnh thủy đậu có thể gây các biến chứng như: viêm tai, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm thận cấp... Virus thủy đậu là nguyên nhân thứ hai gây viêm não với tỷ lệ tử vong là 9 đến 20%.
Tiêm vaccine thủy đậu cho trẻ từ 9 tháng tuổi, tiêm đủ và đúng lịch có thể tạo miễn dịch đến 88-98% với thủy đậu. Khoảng 2% còn lại mắc bệnh với triệu chứng nhẹ, ít gặp biến chứng.
Hiện Việt Nam có 3 loại vaccine thủy đậu, gồm: Varilrix (Bỉ) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn; Varivax (Bỉ) và Varicella (Hàn Quốc) tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi và người lớn.
Viêm gan A, B
Viêm gan A ít biểu hiện triệu chứng ở trẻ dưới 6 tuổi hoặc triệu chứng chỉ kéo dài vài tuần sau đó hết hoàn toàn mà không gây ra các tổn thương lâu dài trên gan. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây biến chứng như suy gan, đau khớp, tụy, máu, suy gan cấp và tử vong.
Về viêm gan B, 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lây bệnh trực tiếp từ mẹ sẽ diễn tiến thành mạn tính. Bệnh có thể tiến triển gây tổn thương gan, ung thư gan và tử vong. Mặt khác, bệnh nhân mạn tính không biểu hiện triệu chứng, có thể lây truyền virus cho người khác.
Trẻ sơ sinh nên được tiêm vaccine viêm gan B ngay sau sinh và thường sẽ hoàn tất quá trình khi 6 tháng tuổi. Đến 12 tháng tuổi, trẻ cần tiêm vaccine phối hợp Twinrix (Bỉ) phòng viêm gan A, B và cần hoàn thành phác đồ 2 mũi trong vòng 6 tháng.
Hiện Hệ thống tiêm chủng VNVC cung cấp đầy đủ các loại vaccine có công dụng phòng bệnh như chương trình TCMR và nhiều loại vaccine quan trọng khác. Trong trường hợp vaccine TCMR chưa đáp ứng kịp thời, phụ huynh có thể cho trẻ tiêm dịch vụ để thay thế.
Mộc Thảo