Đau khu vực từ đầu gối xuống mắt cá chân là điều runner thường gặp khi tập luyện và thi đấu. Trang Runner's World tổng hợp 6 nguyên nhân dẫn đến những cơn đau dai dẳng này, cách điều trị, phòng ngừa bệnh tái phát.
Đau xương cẳng chân
Cơn đau này thường chạy dọc ở xương chày dẫn đến sưng nhẹ vùng bắp chân do chạy bộ hoặc tập thể dục. Phương pháp trị hữu hiệu nhất là chườm đá lạnh sau khi vận động, chọn giày dép phù hợp hoặc dùng công cụ chỉnh hình bàn chân, thay đổi đường chạy bằng phẳng hơn.
Trang Runner's World gợi ý bài tập đặt vòng xà lên bàn chân, nâng lên, hạ xuống trong 10 lần để cải thiện tính linh hoạt, tăng cường sức mạnh của khối cơ vùng bắp chân.
Gãy xương do căng thẳng
Triệu chứng xảy ra do tải trọng lên xương quá mức, lặp đi lặp lại áp đảo khả năng tự sửa chữa của xương, dẫn đến các vết nứt nhỏ. Ban đầu bạn chỉ đau lúc chạy bộ, trở lại bình thường khi ngưng vận động. Theo thời gian, cơn đau lặp lại, diễn ra suốt quá trình tập luyện, thậm chí cả khi đi bộ. Hai tuần đầu, chụp X-quang sẽ không thấy gì bất thường, chỉ có thể phát hiện nhờ chụp cộng hưởng từ và quét xương.
Tùy tình trạng, bạn có thể tập luyện nhẹ nhàng, bó bột hoặc dùng nạng, nẹp cố định chân. Thông thường các VĐV có thể chạy trở lại sau nghỉ ngơi 6-8 tuần. Tuy nhiên, để trị triệt để, cần tìm hiểu nguyên nhân chính xác. Ngoài lý do tải trọng xương, vài người gặp chấn thương do mật độ xương thấp, vitamin D không đủ... Với phụ nữ có thể do chế độ ăn, kỳ kinh nguyệt và lịch trình công việc.
Hội chứng chèn ép khoang
Trong khi tập thể dục, cơ bắp bị sưng làm tăng áp lực trong bó cơ. Trường hợp nặng có thể dẫn tới vỡ mạch máu, khiến việc vận chuyển oxy đến các cơ bắp và dây thần kinh bị chặn, gây đau và tổn thương cơ. Rất nhiều VĐV mắc hội chứng chèn ép khoang mãn tính, thường sưng, đau trong lúc tập luyện nhưng lại hết ngay sau khi dừng vận động.
Bạn nên dùng máy chạy bộ, chạy đến khi xuất hiện triệu chứng, sau đó để các chuyên gia y tế đo áp lực từng khoang chân trước và sau khi chạy, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác. Cách duy nhất đẩy lùi hội chứng này là phẫu thuật. Hầu hết VĐV trở lại hoạt động bình thường sau đó.
Viêm gân
Gân dễ bị viêm khi cơ kéo căng hoặc co lại, khiến sức mạnh và tính linh hoạt đều giảm. Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này có thể là tăng tốc độ đột ngột, chuyển từ giày tập sang giày đua khi chân chưa kịp thích ứng... Theo Runner's World, chữa viêm gân bằng cách chườm đá lạnh vùng đau 15 -20 phút, thực hiện 3-4 lần một ngày, đổi giày phù hợp và điều chỉnh tập luyện để giảm tác nhân gây căng thẳng gân.
Viêm cơ
Các bó cơ bắp chân cũng dễ bị viêm nếu gặp chấn thương bất ngờ, thường xảy ra tại điểm nối với gân ở cơ bụng chân. Nên chữa bằng cách dùng nạng, băng thường xuyên, đến lúc cơn đau dịu đi thì tập các bài tăng sức mạnh và sự linh hoạt. Khi người chạy chịu được trọng lượng trên đôi chân mà không bị đau thì mới nên xỏ giày. Với trường hợp viêm cơ chưa bị rách, cách chữa trị tương tự viêm gân.
Chèn ép động mạch
Đây cũng là hiện tượng thường gặp với những runner lâu năm. Tuy không quá nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng đến sự ổn định của người chạy.
Chèn ép động mạch hay xuất hiện ở vùng đầu gối, khiến lưu lượng máu đến các cơ chân giảm dần, có khi gây đau buộc runner phải dừng chạy. Bạn chỉ có thể tìm đến chuyên gia y tế để họ đánh giá lưu lượng máu trong quá trình chạy, chẩn đoán hoặc phẫu thuật với người bị nặng
Với cả 6 nguyên nhân trên, runner nên hỏi ý kiến bác sĩ để uống đúng loại thuốc với liều lượng phù hợp. Cách phòng tránh cơn đau ở nửa chân dưới tiêu biểu là dùng giày chạy đã quen chân, ưu tiên Racing flats - loại giày dành cho chạy đua.
Tuệ Khương (Theo Runner's World)
Chạy bộ tốt cho sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, ngừa nguy cơ bệnh tật và nhiều lợi ích khác. Người mê marathon có thể tham gia VnExpress Marathon Huế 2020 - giải lần đầu tổ chức tại Huế vào ngày 6/9. Các runner sẽ được sải bước trên cung đường được lựa chọn kỹ lưỡng, đi qua nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nối tiếng ở Huế. Xem chi tiết giải chạy tại đây. |