BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết trong xã hội hiện đại, nhiều người mẹ, người vợ lui về phía sau để chu toàn việc nhà, chăm sóc con cái, tạo điều kiện cho những người đàn ông phát triển sự nghiệp. Công việc nội trợ đòi hỏi phụ nữ cũng phải có sức khỏe thật tốt. Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC Mỹ) khuyến cáo phụ nữ nên được kiểm tra, đánh giá hằng năm về nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm liên quan đến sức khỏe, tuổi tác, nghề nghiệp, du lịch, lối sống và tiền sử tiêm chủng.
Bác sĩ Phương lưu ý phụ nữ chuyên tâm làm công việc nội trợ cũng có nhiều nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, cần tiêm đầy đủ vaccine để phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe sinh sản và chăm lo tổ ấm.
HPV
HPV là virus phổ biến, có thể âm thầm nhiễm bệnh mà không rõ nguồn lây. Virus gây ra tổn thương sùi mào gà và nhiều loại ung thư cho nữ giới như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hầu họng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 660.000 ca mắc mới và 350.000 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung (năm 2022). Mỗi năm, Việt Nam có gần 4.200 ca mắc mới và hơn 2.400 ca tử vong do bệnh này.
Theo bác sĩ Phương, bệnh ung thư cổ tử cung cũng diễn biến âm thầm, khi có triệu chứng thì đã bước vào giai đoạn nặng. Vaccine sẽ giúp phụ nữ không bị mắc bệnh, có các cơ quan sinh dục khỏe mạnh, đảm bảo thiên chức làm mẹ, kéo dài tuổi thọ.
Sởi - quai bị - rubella
Sởi, quai bị, rubella rất dễ lây qua đường hô hấp nếu cơ thể chưa có miễn dịch. Đơn cử một người mắc sởi có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Phụ nữ mang thai khi mắc ba bệnh này có thể sinh con bị dị tật, sinh non hoặc chết lưu.
Mặt khác, bệnh có thể từ phụ nữ lây cho trẻ nhỏ, ông bà. Đây là những người có miễn dịch yếu, trong đó mắc sởi có thể gặp các biến chứng như viêm não, tiêu chảy, viêm tai giữa...
Hiện vaccine phòng ba bệnh sởi, quai bị, rubella đã được kết hợp trong một mũi tiêm. Vaccine ở dạng sống giảm độc lực, hoạt động bằng cách kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch chống lại virus.
Vì vậy, phụ nữ làm nội trợ nên ưu tiên chủng ngừa để phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Với người chuẩn bị có em bé, nên tiêm tốt nhất trước khi mang thai 3 tháng. Lịch tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella là 2 mũi cách nhau một tháng. Vaccine có hiệu quả bảo vệ trên 95% phòng 3 bệnh.
Viêm gan A, B
Việt Nam có mức độ lưu hành dịch tễ viêm gan B ở mức cao. Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C được Bộ Y tế và WHO thực hiện năm 2017, ước tính toàn quốc có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính và khoảng gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam.
Bệnh dễ lây qua đường quan hệ tình dục, đường máu và mẹ sang con. Các bà mẹ nội trợ có thể bị nhiễm bệnh mà không hề hay biết và lây bệnh sang cho chồng khi sinh hoạt tình dục. Nếu mẹ bầu mắc viêm gan B, virus còn có thể truyền từ mẹ sang con trong bụng mẹ, trong hoặc sau khi sinh.
Để đảm bảo an toàn, việc tiêm phòng viêm gan B và thực hiện xét nghiệm huyết thanh trước khi tiêm vaccine cho phụ nữ là rất quan trọng. Vaccine viêm gan B có hiệu quả trên 95%, người tiêm cần hoàn thành ba mũi trong 6 tháng.
Cúm
Cúm thường gây đau xương khớp, đau đầu, nhức mỏi toàn thân khiến các chị em nội trợ khó chu toàn việc nhà. Một số trường hợp cúm nặng cần phải nghỉ ngơi hoặc nhập viện do biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm cơ tim... Thai phụ mắc cúm thường nặng và lâu khỏi hơn người bình thường, thai nhi có nguy cơ bị tim bẩm sinh, hở hàm ếch.
Mẹ mắc cúm có thể lây cho trẻ, chồng hay người thân gia đình, tạo chuỗi lây nhiễm kép. Vì vậy, các bà nội trợ nên tiêm vaccine hằng năm để phòng bệnh và có thể tiêm trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai tiêm ngừa cúm có thể gián tiếp bảo vệ em bé trong bụng và sau khi em bé chào đời, do cơ chế truyền kháng thể từ mẹ sang con.
Thủy đậu
Thủy đậu (phỏng rạ, trái rạ) là bệnh rất dễ lây lan với các triệu chứng phát ban ngứa, phồng rộp. Nhiều người nghĩ rằng thủy đậu là bệnh ngoài da nên chủ quan. Ngược lại, nếu thai phụ mắc thủy đậu, có thể bị sảy thai, dị tật bẩm sinh như: bại não, đầu nhỏ, co gồng tay chân... Khoảng 20% mẹ bầu bị thủy đậu phát triển trạng thái viêm phổi, trong đó 40% trường hợp sẽ tử vong.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả đến 98%. Các chị em nội trợ cần tiêm phòng thủy đậu càng sớm càng tốt để cơ thể có miễn dịch chủ động, nên hoàn thành hai mũi tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai. Trường hợp tiêm vaccine thủy đậu xong phát hiện mang thai, phụ nữ không nên quá lo lắng, cần chủ động trao đổi và theo dõi sức khỏe thai nhi với bác sĩ chuyên khoa định kỳ.
Bạch hầu - ho gà - uốn ván
Hiện số ca mắc bạch hầu, ho gà, uốn ván vẫn rải rác. Giống như cúm, bạch hầu và ho gà dễ lây qua đường hô hấp. Trong đó, bệnh ho gà cần chú ý phòng ngừa do có biểu hiện không rõ ràng ở trẻ nhỏ tuy nhiên tăng nguy cơ suy hô hấp, tử vong ở nhóm nhỏ tuổi. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà.
Phụ nữ nội trợ cũng thường xuyên nấu ăn nên nguy cơ bị phỏng, đứt tay thường trực. Các vết thương này có thể là cửa ngõ cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập gây bệnh. Tỷ lệ tử vong do uốn ván có thể lên đến 90%, trong đó uốn ván rốn sơ sinh là 95%.
Vì vậy, phụ nữ nội trợ rất cần tiêm ngừa các bệnh nói trên, có thể sử dụng vaccine đơn lẻ hoặc mũi tiêm kết hợp nhiều thành phần. Chị em cần tiêm đầy đủ 3 liều cơ bản, sau đó tiêm nhắc mỗi 5-10 năm. Trường hợp có vết thương lớn khi chủng ngừa đầy đủ thì chỉ cần một mũi, không cần huyết thanh. Để duy trì miễn dịch bền vững, mọi người cần tiêm đầy đủ lịch cơ bản và mũi tăng cường.
Mộc Thảo