Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong ngày 24/10, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 0h đến 14h có nơi trên 150 mm như: Thuận Hóa (Quảng Bình) 153,8 mm; Đông Hà (Quảng Trị) 216,2 mm; Cam Chính (Quảng Trị) 214,6 mm; Phú An (Thừa Thiên Huế) 150,2 mm;... Mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, thiên tai thường đi kèm với dịch bệnh. Bệnh truyền nhiễm mùa mưa lũ thường niên (từ tháng 10 đến tháng 12) lây qua đường hô hấp như cúm, sởi; lây qua đường tiêu hóa, tiếp xúc nguồn nước bẩn như thương hàn, tả, tiêu chảy, lỵ, tiêu chảy do Rotavirus... Chủ động tiêm vaccine là biện pháp đơn giản, hiệu quả để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng, góp phần ổn định cuộc sống sau mưa lũ.
Thương hàn
Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém cùng với nguồn nước ô nhiễm, chứa nhiều mầm bệnh khiến các bệnh đường tiêu hóa thường bùng phát, trong đó có thương hàn. Người mắc thương hàn có triệu chứng toàn thân như sốt cao, đau quặn bụng, đầy hơi, tiêu chảy... Bệnh có tỷ lệ biến chứng thấp, song các biến chứng nặng và nghiêm trọng, ví dụ xuất huyết tiêu hóa (15%), thủng ruột (từ 1 đến 3%)...
Để phòng bệnh, mọi người cần tiêm chủng vaccine kịp thời. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy gần 80% người tiêm vaccine sẽ không mắc thương hàn. Hiện Việt Nam có hai loại vaccine là Typhim Vi (Pháp) và Typhoid (Việt Nam), tiêm cho trẻ 2 tuổi và người lớn. Bên cạnh đó, mọi người thực hiện vệ sinh thực phẩm, nguồn nước sinh hoạt, xử lý chất thải sau mưa lũ.
Sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, dễ lây lan ở trong khu vực trú ẩn mưa lũ với quy mô nhiều người. Bệnh có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, viêm màng não, có thể thể gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Theo bác sĩ Chính, tiêm ngừa sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Việt Nam hiện sử dụng vaccine MVVac (Việt Nam) tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi; vaccine Priorix (Bỉ)/MMR II (Mỹ) phòng sởi, quai bị, rubella; vaccine Priorix tiêm sớm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Nếu được tiêm đủ 2 mũi sởi, người tiêm được bảo vệ đến 97%.
Cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, thường do hai chủng virus cúm A và B gây ra. Điều kiện không khí lạnh, ẩm ướt trong mùa mưa lũ rất thuận lợi cho virus ủ bệnh và bùng phát. Bệnh có thể gây biến chứng viêm đường hô hấp như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát; hoặc viêm ngoài hô hấp như viêm tai giữa, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim...
Bệnh có triệu chứng điển hình như đau đầu, đau nhức, sốt, ho và mệt mỏi, khó phân biệt triệu chứng giữa cúm và cảm lạnh. Các triệu chứng cúm thường kéo dài, đi kèm với sốt, run rẩy và đau cơ so với cảm lạnh.
Các phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine cúm, áp dụng chế độ ăn dinh dưỡng, uống đủ nước, vệ sinh cá nhân tốt, giữ ấm cơ thể. Trong đó, tiêm vaccine cúm giúp giảm từ 70 đến 90% nguy cơ mắc, giảm từ 70 đến 80% tỷ lệ tử vong, giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác.
Tiêu chảy cấp
Nguồn nước trong mùa mưa lũ thường bị ô nhiễm và gây ra bệnh tiêu chảy. Trong đó, mọi người thường mắc tiêu chảy do virus rota. Lý do là virus có thể sống lâu trên các bề mặt tiếp xúc, trong dòng nước hoặc trên da và lây qua đường phân miệng, tay miệng.
Tại Việt Nam, tiêu chảy do Rotavirus bệnh phổ biến đứng thứ hai sau nhiễm trùng hô hấp cấp tính ở trẻ em. Trẻ bị bệnh sẽ có triệu chứng tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân tóe nước, chứa nhớt kèm nôn ói nhiều, mất nước. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây mất cân bằng điện giải, suy thận cấp. Người lớn có thể bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc gần với một trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh và thường có triệu chứng nhẹ hơn.
Để phòng bệnh, người dân cần tuân thủ quy tắc như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, cho trẻ uống vaccine Rotavirus ngay từ 6 tuần tuổi, hoàn thành trước 8 tháng tuổi, theo phác đồ uống 2 hoặc 3 liều tùy theo từng loại vaccine. Vaccine ngừa rotavirus bảo vệ 80% trẻ không bị tiêu chảy, 90% không bị tiêu chảy nặng, đồng thời giúp trẻ không mắc các bệnh nhiễm trùng đường ruột nói chung.
Viêm gan A
Mưa lũ khiến rác thải, nước thải bẩn có chứa vi sinh vật gây bệnh tràn về, lây nhiễm vào đồ ăn, thức uống, làm tăng nguy cơ mắc viêm gan A. Bệnh có thể gây biến chứng như suy gan, hội chứng Guillain - Barre, viêm tụy cấp...
Cách phòng bệnh là vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh môi trường và tiêm vaccine, ví dụ Avaxim 80U (Pháp), Havax (Việt Nam), Twinrix (Bỉ). Đồng thời, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nguồn nước, thực hiện "ăn chín, uống sôi"...
Sốt xuất huyết
Lũ lụt gây ra tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng. Do thiếu nước sạch, người dân phải sử dụng nhiều vật dụng không có nắp đậy để tích trữ nước ăn uống và sinh hoạt. Sự xuất hiện của các vũng nước đọng, cống rãnh, ao tù... tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, khiến số người mắc sốt xuất huyết tăng cao. Do đó, mùa mưa bão cũng là đỉnh dịch sốt xuất huyết ở nhiều nơi.
Sốt xuất huyết gây sốt cao đột ngột, phát ban, đau xương, xuất huyết. Bệnh có thể diễn tiến nặng, gây sốc, giảm tiểu cầu, cô đặc máu và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Thế giới đã có vaccine sốt xuất huyết, song chưa được phê duyệt tại Việt Nam. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêu diệt muỗi vằn như đậy kín các lu vại chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, ngủ trong màn, mặc quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt...
Mộc Thảo