Xe
Thứ ba, 21/1/2025, 11:30 (GMT+7)

6.800 km cùng VinFast VF 3: 'Offroad ở Malaysia'

Những tưởng chiếc Land Rover sẽ là phương tiện đưa chúng tôi đi thăm thú rừng già ở giải đấu RFC khắc nghiệt, nhưng cuối cùng, chúng tôi offroad bằng "hộp diêm" VF 3.

Ngay khi thấy tắc đường và điện thoại không có sóng, chúng tôi di chuyển đến những nhà dân gần đó và ra hiệu xin wifi. Rất may, người Thái thân thiện và tốt bụng, họ cho tôi wifi để dùng Google dịch hỏi đường. Tuy nhiên, toàn bộ các đường có số (tỉnh lộ, huyện lộ) đều báo ngập do lũ.

Sau rất nhiều trao đổi với người dân bản địa, họ cho chúng tôi một giải pháp – quay lại và đi theo đường dân sinh (không số) để vòng lên biên giới. Họ không chắc đường có ngập hay không, nhưng đảm bảo nền đường sẽ cao hơn, xa thêm chừng 50 km. Những lúc nước sôi lửa bỏng thế này thì 500 km cũng được, miễn sao không ngập, tôi nghĩ.

Trời vẫn mưa tầm tã và chúng tôi đi khoảng 30 km mà không gặp chiếc xe nào ngược chiều. Thi thoảng trên đường mới có cảnh sát và các nhân viên cứu hộ đang chặn đường vào các khu bị lụt. Chúng tôi thở phào sau ra được đường lớn với các xe biển đen số trắng của Malaysia cùng hướng về phía biên giới. Phù, thoát rồi! Thêm 50 km nữa là tới cửa khẩu.

Thủ tục nhập cảnh Malaysia rất đơn giản. Chúng tôi đóng dấu nhập cảnh và trình giấy phép vào Malaysia mà không cần tắt máy xe. Điều này khiến chúng tôi ngạc nhiên vì thủ tục trước khi đưa xe vào Malaysia rất phức tạp, với xe từ các nước không nằm trong Liên minh Du lịch Quốc tế AIT (Alliance Internationale de Tourisme) và Hiệp hội Ôtô quốc tế FIA (Federation Internationale de l’Automobile). Các nước thành viên của hai tổ chức này sẽ cấp Carnet de Passages – một dạng hộ chiếu cho xe dưới sự đảm bảo của Hải quan nước đó. Việt Nam có đại diện FIA, nhưng không có thẩm quyền cấp Carnet nên chúng tôi phải làm dịch vụ thông qua một công ty du lịch Malaysia.

Như lịch trình đã định sẵn, chiếc VF 3 luôn được sạc đầy trước khi đi ngủ, sẵn sàng cho hành trình của ngày hôm sau trong suốt chuyến đi. Ảnh: Kar

Khi đến Malaysia, tôi sử dụng app và trạm sạc của ChargEV – tập đoàn có số lượng trạm nhiều nhất nước này. Thị trường xe điện Malaysia chưa lớn như Thái Lan, nên tổng số trạm sạc của tất cả các hãng mới chỉ có hơn 900 trạm (tương đương số trạm của riêng PTT Thái Lan), trong đó ChargEV chiếm hơn 400. Để sạc xe, bạn cũng chỉ cần cài app, một thẻ Visa và một số điện thoại Malaysia. Giá điện ở đây vào khoảng 1,2 ringgit một Kw (6.500 đồng).

Sau khi đến Ipoh, thủ phủ của bang Perak để tham gia khai mạc giải đua RFC (Rain Forest Challenge), chúng tôi lên đường đi cao nguyên Cameron. Đường lên Cameron nhiều đèo dốc và cua lắt léo giống hệt Đông Tây Bắc ở ta, nhưng mặt đường ở đây rất đẹp và VF 3 cũng không gặp khó khăn gì mặc dù leo dốc rất hao pin. Nhưng pin hay sạc không thành vấn đề vì Cameron cách thành phố Ipoh gần 100 km và cách Kuala Lumper 200 km.

Cao nguyên Camaron được đặt theo tên một nhà thám hiểm người Anh vào thế kỷ thứ 19, diện tích ngang Đà Lạt nhưng dân số ít hơn nhiều. Với cao độ từ 1.200 đến 1.600 m, khí hậu ở Cameron rất dễ chịu và cũng giống Đà Lạt, ở đây người dân chủ yếu làm trang trại và du lịch. Tuy nhiên, điều hấp dẫn chúng tôi lại là thứ khác - xe Land Rover.

Land Rover là mác xe gắn liền với người Malaysia, có thể gọi đây là hãng xe "lập quốc", được sử dụng trong rất nhiều các cơ quan hay lực lượng vũ trang của nước này, từ cứu hỏa, quân đội cho đến cảnh sát. Land Rover có được sự tín nhiệm này một phần vì Malaysia từng là thuộc địa của Anh, phần nữa là Land Rover từng được lắp ráp tại đây.

Một chiếc Land Rover tại nông trại ở cao nguyên Cameron. Ảnh: Kar

Còn ở Cameron, Land Rover có lý do khác để tồn tại. Các loại xe Land Rover được nhà nước Malaysia thanh lý sẽ được lui về "vui thú điền viên" ở Cameron, nhờ một quy chế riêng cho dòng xe này. Tất cả các xe Land Rover cũ không đủ điều kiện lưu hành ở đô thị sẽ được phép hoạt động tại Cameron. Dấu hiệu nhận biết của dòng xe này là chữ CH trên cửa xe – chữ viết tắt của Cameron Highland.

Người dân ở đây sử dụng Land Rover cho công việc đồng áng, chở rau, chở đất hay cứu hộ... chứ không phải xe chơi như ở Việt Nam. Tất nhiên đều là loại đời cũ, những năm 1990 trở về trước. Chẳng mấy khi tới được "thánh địa" của Land Rover, chúng tôi dành cả ngày để ngắm nghía đồ đạc cho xe. Người dân cao nguyên rất thân thiện và hào sảng, có ông chủ "sắt vụn" còn tặng người bạn đồng hành của tôi bộ đèn xi-nhan, vì đồ trên xe quá chắp vá, với lời trêu chọc, "chủ Land Rover có lòng tự trọng không ai dùng đèn đấy"!

Rời Cameron, chúng tôi xuôi cao tốc 200 km để về Kuala Lumper.

Cơ sở hạ tầng của Malaysia rất tốt với hệ thống cao tốc luôn có các điểm dừng nghỉ và trạm sạc cho xe điện. Tốc độ tối đa ở đây 110 km/h, tuy nhiên dù cố gắng, VF 3 chỉ lên được 105 km/h nên chúng tôi chẳng bận tâm chuyện giới hạn tốc độ. Đích đến ngày hôm nay là tháp đôi Petronas, nơi chúng tôi sẽ chụp một bức ảnh thật đẹp để "check-in" với hai chiếc xe tại Kuala Lumper.

Kế hoạch là thế, tuy nhiên việc lái xe chỉ sướng ở những nơi xa thành phố. Càng vào gần Kuala Lumper, chúng tôi càng thấy mục tiêu dừng xe chụp ảnh ở chân tháp quá xa vời. Xe đông và các nút giao cắt phức tạp, khiến việc đi cùng nhau thật vất vả, đặc biệt với "cụ" Land Rover. Người bạn của tôi dù cố gắng, nhưng với các nút giao cắt liên tục đã lạc đường, mất khá nhiều thời gian để gặp lại nhau. Nóng, đói và mệt, chúng tôi từ bỏ kế hoạch phù phiếm này và tiến ra ngoại ô trước giờ cao điểm. Hôm sau, tôi sẽ đến làng chài Sekinchan.

Sekinchan là một làng chài ở phía Nam Malaysia, nổi tiếng với những cánh đồng lúa bát ngát. Tự mình lang thang, người bạn đồng hành của tôi ước, "đời có gì sướng hơn ăn hải sản tươi, trên bãi biển cát trắng và nước xanh trong". Tôi bảo, thêm cây dừa nghiêng nghiêng nữa là giống Pattaya, như hình in trên các áo phông du lịch Thái Lan. Cách Kuala Lumper chỉ hơn 100 km, chúng tôi tới Sekinchan mà không phải bận tâm chuyện sạc xe.

Hai chiếc xe dừng chân tại làng chài Sekinchan. Ảnh: Kar

Đến nơi, người bạn đồng hành của tôi rất tâm tư bởi cảnh sắc nơi đây không như kỳ vọng. Gọi là làng chài, nhưng quy mô, cách làm ở đây rất công nghiệp với nhiều tàu lớn, cảng lớn... chứ không giống như tưởng tượng ở nhà. Chạy dọc bờ biển vài chục km, chúng tôi không không thấy chỗ nào đáng để hạ trại. Biển phía nam của Malaysia hình như không có bãi cát, nước thì đục và rất sâu ở ngay bờ.

Vì RFC là lý do của chuyến đi, nên từ Sekinchan, chúng tôi quay trở lại thành phố Ipoh để xem tiếp các chặng đua ở trong rừng. Malaysia bảo vệ rừng nguyên sinh rất tốt. Các cụm dân cư sống ngay bìa rừng hoặc thậm chí bên trong rừng nhưng hệ sinh thái của họ còn nguyên vẹn với bạt ngàn cây lớn. Các bài thi của RFC chỉ cách thành phố khoảng 70 km nhưng sóng điện thoại thì kém - đó cũng là khởi đầu cho một nỗi gian truân khác nữa của "cụ" Land Rover.

Khi cách Ipoh 20 km, chúng tôi phải dừng xe để chờ người trong khu vực thi đấu gửi lại định vị. Do sóng điện thoại kém hoặc một lý do thần bí nào đó, Google dẫn chúng tôi lạc đường vài lần. Lần này, để chắc ăn, chúng tôi dừng hẳn xe ở chỗ có sóng điện thoại đủ khỏe và ổn định trước khi đi. Ngay khi có định vị, chúng tôi lên đường. "Không vào được số, ông ơi!", tiếng bộ đàm thảng thốt vang lên sau khoảng 500 m di chuyển.

Nghĩ bụng thật may khi xe hỏng ở đây, tôi quay lại thì thấy "ông thần xe cỏ" bạn mình, đang trong tay chiếc tuốc-nơ-vit khua khoắng lung tung dưới gầm cụ Land Rover. Với anh, tuốc-nơ-vít như thể chiếc đũa thần vậy. Tôi ngồi lên xe đi thử số, anh bạn chọc ngoáy vô vọng dưới gầm. Không có phép màu nào cả, hộp số hỏng rồi. Chúng tôi mất hai ngày, 1.500 USD để chiếc Land Rover có hộp số mới và VF 3 trở thành phương tiện chính của cả hai để đi lại trong rừng xem giải đua RFC.

Đua xe offroad hạng nặng là bộ môn tốn kém và rất khó có tài trợ, nên chỉ những người vừa đam mê, vừa có nhiều tiền mới chơi được – cho cả người Việt hay tất cả các tay chơi từ Nga, Latvia hay Ba Lan, Ấn Độ đến đây. Năm nay, Việt Nam tham dự với ba đội, CLB Offroad Sài Gòn, Redline Racing và CLB Offroad Bình Dương. Trong mấy năm gần đây, các đội Việt Nam không còn là "hoa hậu thân thiện" như trước, mà trở thành những đối thủ đáng ghờm. Thậm chí, CLB Offroad Bình Dương còn cạnh tranh nhất nhìn chung cuộc. Trong khi đó, Redline Racing với tay lái Khoa Barroco chiếm nhiều spotlight của RFC với cấu hình khủng và chạy rất "điên". Trên Tiktok và Facebook, rất nhiều video gọi đội Redline Racing là "Crazy car, crazy driver" (Xe điên, Lái điên)...

Tuy nhiên, trong thi đấu thể thao luôn có những bất ngờ. Đang ở vị trí thứ hai chung cuộc trong các vòng đua cuối, xe của CLB Offroad Bình Dương bị rơi lốp, không thể hoàn thành một bài thi. Đây là điều khá hi hữu bởi trước mỗi lượt chạy, đội kỹ thuật luôn kiểm tra rất kỹ càng. Sự cố đáng tiếc này đẩy CLB Offroad Bình Dương xuống giải Ba chung cuộc, cùng hai giải Ba phân hạng.

Chia tay RFC, chúng tôi túc tắc lên đường về nước và không gặp trở ngại gì đáng kể. Tôi tự hỏi, về rồi liệu có muốn đi nữa không. Người bạn đáp, đi mạnh, VF 3 đi đến đâu tôi theo đến đấy. Ái chà, tôi xem đây là một lời thách thức. Liệu có nên chấp nhận "cụ" Land Rover này, mọi người có muốn nghe những cuộc phiêu lưu mới của chúng tôi?

Hải Kar