Vậy là tôi đã đến Sekinchan – một làng chài ven eo biển Malaca, Malaysia, nơi cách Hà Nội hơn 3.000 km. Tôi đến đây không phải bằng cách đi thông thường của một du khách. Tôi đi đường bộ, bằng một chiếc VinFast VF3.
Những ngày cuối năm, tôi đi Malaysia cùng anh em CLB Offroad Hà Nội để cổ vũ cho các đội Việt Nam thi đấu ở Rainforest Challenge (RFC) Malaysia – giải đua offroad hạng nặng có độ khắc nghiệt top đầu thế giới. Người bạn đồng hành với tôi là một thành viên kì cựu của CLB Offroad Hà Nội, sử dụng chiếc Land Rover tròn 50 tuổi – một chỉ dấu rất dễ gây "đau tim" cho chủ nhân mỗi chuyến đi xa.
Tuy nhiên, ai cũng có lý do để tin tưởng chiếc xe của mình. Vậy là chúng tôi mỗi người một xe, bất chấp sự ngăn cản của anh em bạn hữu trước hành trình. Chúng tôi đều nghĩ, đời quá ngắn để đi nhờ xe người khác.
Lịch trình của một chiếc VinFast VF 3, một chiếc Land Rover sẽ từ Hà Nội, qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh), đến Nậm Phao (Lào), qua cửa khẩu Nakhon Phanom (Thái Lan) và nhập cảnh Malaysia từ cửa khẩu Sadao (Bukit Kayu). Đến Malaysia, chúng tôi sẽ về thành phố Ipoh (bang Perak) để tham dự lễ khai mạc RFC 2024, xem thi đấu, dành thời gian thăm cao nguyên Cameron, về Kuala Lumper, đến làng chài Sakinchan ở bờ biển phía Tây Malaysia và quay về Ipoh dự bế mạc giải đua và trở về Việt Nam. Tổng hành trình ước tính bằng Google Map là 7.000 km.
Khi ở nhà, tôi định bụng sẽ viết tản văn kiểu "một sự nhảm nhí phi thường", bởi tôi sẽ như một khách du lịch đi một chiếc xe bình thường, bước vào quán ăn tươm tất ở một làng chài thật hoang sơ. Nghe đơn giản, nhưng nó ẩn chứa câu chuyện làm một chiếc "xe bình thường" đó sẽ ngốn biết bao tiền của, bao nỗ lực để "đứng bình thản" cùng với những Toyota, Honda hay Ford ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đâu là lý do tôi chọn chiếc VF 3 nhỏ bé của mình cho chuyến đi này?
Trong việc đi xuyên quốc gia (overland), yếu tố đơn giản luôn là ưu tiên hàng đầu. Xe càng ít tính năng hay các loại hỗ trợ điện tử càng tốt, bởi có rất nhiều lý do có thể tác động đến hệ thống điện tử của xe. Tôi hay đùa với bạn đồng hành của mình, khi đi xe ra nước ngoài, sẽ không có Bụt hay anh Vượng (CEO VinFast) ở đấy cho bạn bắt đền mỗi khi gặp sự cố, dù do lỗi từ đâu chăng nữa.
Điểm thứ hai là khả năng tiếp cận nguồn điện. Trước khi đi, anh em dùng VF 8 đi Tây Tạng có khuyên tôi không nên, vì xe có quãng đường mỗi lần sạc ít quá. Thực tế đây lại là điểm mạnh của VF 3 một khi không có trạm sạc. Bạn có thể dùng hệ thống điện gia đình, nhà hàng hay khách sạn... để sạc mà không mất quá nhiều thời gian như những xe công suất lớn.
Điểm thứ ba thuần tính cá nhân, tôi thích chuyến đi của mình có chút thách thức. Nếu cuộc sống thiếu đi thách thức, truyền thuyết đã không ghi danh David ném đá vỡ đầu Goliath. Và liệu có ai biết Goliath đã nghiền nát bao nhiêu chàng David? Tôi tự nhủ và lên đường.
Từ Hà Nội đi cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) theo cao tốc Bắc Nam sẽ không phải lo lắng về chuyện sạc pin, bởi khoảng cách các trạm rất gần nhau. Thậm chí ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) lên cửa khẩu cũng có 3 trạm sạc. Tôi dừng ở trạm sạc cách cửa khẩu 28 km để sạc đầy chiếc VF 3 trước khi sang Lào. Ở Lào cũng có trạm sạc điện với hai loại cổng thông dụng là CCS2 (cho xe VinFast) và GB-T (xe Trung quốc). Quãng đường qua Lào chỉ khoảng 200 km nên tôi quyết định không dùng trạm sạc Lào.
Làm xong thủ tục xuất nhập cảnh, chúng tôi sang đất Lào lúc 20h, chạy thêm khoảng 30 km là đến thị trấn Lak Sao, cách cửa khẩu Nakhon 170 km. Bà con người Việt ở vùng biên này rất nhiều. Chúng tôi ăn tối ở một quán của chị người Nghệ An, chị cũng mời tôi cắm sạc xe tại quán. Nhưng nhìn hệ thống đèn LED sáng ngang "đèn đom đóm", tôi quyết định sạc bổ sung bằng máy phát.
Để chuẩn bị cho chuyến đi này, tôi đã mua một máy phát điện 5 kW và bộ sạc 7 kW để dự phòng những khi không có trạm sạc và lưới điện. Bộ sạc có hai mức 3,5 kW dùng cho máy phát và hệ thống điện gia đình (dòng yếu), còn 7 kW sẽ dùng cho hệ thống điện đủ mạnh (nhà hàng hoặc khách sạn).
Ở Lào, đường từ Lak Sao đến Nakhon không quá xấu, nhưng hay có ổ gà với cạnh rất sắc. Đã nhiều xe từ Việt Nam qua đây bị vỡ lốp, méo vành vì kiểu ổ gà này. Tuy nhiên, tự tin là những tay offroad kỳ cựu, lâng lâng với cảm giác "sổ lồng" đi chơi, chúng tôi ào ạt tiến về biên giới Lào – Thái mà không gặp khó khăn gì.
Đến cửa khẩu, việc làm thủ tục diễn ra khá suôn sẻ khi có sự giúp đỡ của một người bạn Lào, anh Phon. Từng học đại học ở Việt Nam, nên anh nói tiếng Việt tốt với giọng Hà Tĩnh. Phon là chủ doanh nghiệp đang thi công đoạn đường gần biên giới Thái Lan. Với sự "trợ giúp của người thân" có địa vị xã hội như thế, rất nhanh chúng tôi đã qua cầu Hữu Nghị và tiến vào đất Thái.
Thái Lan chào đón chúng tôi với các viên chức rất dễ mến và thân thiện. Tuy nhiên, cửa khẩu Nakhon không cho phép xe Việt Nam vào Thái, mặc dù chúng tôi đã có giấy phép từ Bộ Giao thông Thái Lan. Sau cùng, tôi phải cầu cứu tới đơn vị chuyên lo thủ tục cho các xe đua vào Thái Lan ở một giải Rally lớn trong khu vực. Sau rất nhiều cú điện thoại qua lại, các viên chức có vẻ đã hiểu ra vấn đề nhưng hệ thống của họ thì không.
Hệ thống dữ liệu không tìm thấy giấy phép (permit) của chúng tôi! Hoang mang tương đối. Chúng tôi bắt đầu nghĩ chuyện đổ lỗi cho nhau, chạy nhanh hoặc chậm quá chẳng hạn. Sau khoảng ba tiếng chờ đợi, một sĩ quan nhập cảnh nói chúng tôi đến sớm quá: "Hôm nay là 23/11, giấy phép của các anh là 24/11 mới vào Thái cơ".
Hóa ra lịch dự kiến là ngày đầu chúng tôi sẽ ngủ lại Việt Nam, ngày hai tới cửa khẩu Nakhon và ngày ba (24/11) mới vào Thái Lan. Vậy đấy, đi nhanh quá nhiều lúc cũng không phải cách hay. Nếu không vào được Thái Lan, chúng tôi sẽ phải quay lại làm thủ tục nhập cảnh Lào, chờ đến đúng ngày 24 mới được quay lại. Việc nhập cảnh cho ôtô rất mất thời gian nên tôi xin được đỗ xe để chờ đến hôm sau. Họ khá ái ngại cho chúng tôi và đồng ý.
Vừa hạ trại chuẩn bị đồ ăn tối, một nhóm đủ cảnh sát, hải quan tìm đến. "Chúng tôi rất xin lỗi vì không thể giúp các anh. Luật quy định các anh phải về Lào để hủy dấu xuất cảnh hôm nay, và làm lại vào ngày mai", một người nói.
Ôi trời!
Hải Kar