Tại Diễn đàn Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới do VnExpress tổ chức ngày 7/1, phiên hội thảo về 5G, ông Đặng Kim Long, Giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam, cho biết từ năm 2009, Huawei đã nghiên cứu về 5G. Trong năm 2019, hãng đã chi 15% doanh thu, tương đương 19,3 tỷ USD cho hoạt động R&D. Trong 10 năm qua, Huawei đã đầu tư 4 tỷ USD cho R&D công nghệ 5G.
Trong 118 nhà mạng đã thương mại hoá trên toàn cầu, có 62 nhà mạng dùng thiết bị của Huawei. Theo ông Long, ngay từ những ngày đầu tiên, Huawei luôn coi 5G như một đường đua marathon dài. Không chỉ dốc nhiều thời gian, tiền bạc mà Huawei còn phải đầu tư chuyên sâu, bắt đầu từ việc nghiên cứu các tiêu chuẩn, chip, vật liệu mới, sau đó hợp tác cùng các nhà mạng, đối tác trên khắp thế giới để tìm ra mô hình phù hợp.
"Khi làm 5G chúng tôi nhận ra một điều đặc biệt, chưa từng có ở các thế hệ 4G, 3G trước đó, là các nhà cung cấp sẽ phải làm việc chung với nhà mạng, đối tác", ông Long chia sẻ
Theo đại hiện Huawei, để biết tâm thế của một quốc gia đã sẵn sàng cho kỷ nguyên kết nối mới chưa có thể nhìn trên bốn phương diện: chính phủ, người tiêu dùng, nhà cung cấp và nhà mạng.
Với Việt Nam, cơ quan quản lý ngay từ đầu đã cho thấy quyết tâm của mình trong việc chạy đua 5G cùng thế giới, khi ban hành đề án quốc gia, chiến lược chuyển đổi số. Các nhà mạng tại Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật từ năm 2019, thử nghiệm thương mại vào năm 2020 và dự kiến sẽ thương mại chính thức vào tháng 6/2021. "Cục Viễn thông đã trình Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy Chuẩn Việt Nam với mục tiêu điện thoại di động sản xuất, lưu thông ở Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G và có hiệu lực vào tháng 7/2021", ông Lương Phạm Nam Hoàng, đại diện Cục Viễn thông chia sẻ.
Từ góc độ người tiêu dùng, đại diện Huawei cho rằng khi các nhà mạng phủ sóng và thử nghiệm trên diện rộng, người dân đã háo hức. Thời điểm các thiết bị 5G đầu cuối phổ biến, mức độ quan tâm và tâm thế sẵn sàng trải nghiệm sẽ tăng lên.
Đối với các nhà mạng, mặc dù việc triển khai 5G rất tốn kém, các doanh nghiệp viễn thông vẫn thể hiện quyết tâm bắt nhịp cùng thế giới, triển khai một cách khôn khéo, phù hợp với điều kiện của mình. Đại diện Cục Viễn thông cho rằng: "Ban đầu doanh nghiệp còn e ngại và cho rằng 5G là cao siêu, to tát, khó khăn, nhưng nay chính các doanh nghiệp viễn thông khi triển khai đã thấy rằng mình có thể làm được và nhận thấy lợi ích khi triển khai 5G".
Các nhà cung cấp công nghệ đã sẵn sàng cho kỷ nguyên 5G từ nhiều năm trước. Ngay từ khi bắt đầu nghiên cứu, triển khai 5G, Huawei đã cùng hợp tác với các nhà khai thác viễn thông, đối tác trong ngành ICT và sẵn sàng kết hợp với các bên để xây dựng 5G, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ khi xây dựng một chuẩn kết nối mới.
Theo ông Long, trước đây, các thế hệ mạng 3G, 4G là kết nối giữa người với người, người với máy móc, 5G sẽ mở ra kỷ nguyên kết nối mới, giữa máy móc với máy móc, dựa trên những đặc trưng về tốc độ cao, độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Từ đó mở ra tiềm năng cho tương lai công nghệ. Những ngành nghề sẽ được hưởng lợi nhiều nhất là giao thông thông minh, xe tự lái; sản xuất thông minh; năng lượng; an ninh công cộng; y tế; truyền thông giải trí và các ngành hàng bán lẻ.
Cuối cùng, đại diện Huawei cho rằng việc triển khai 5G thành công khi có dịch vụ sáng tạo. 5G được góp mặt vào nhiều ngành nghề khác nhau và khi tất cả các bên cùng hợp tác, xây dựng lên hệ sinh thái 5G đúng nghĩa.
Diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1 tại TP HCM, có ba phiên thảo luận về: Sản phẩm Công nghệ Việt, Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới. Đại diện các bộ, ngành, các công ty công nghệ Việt Nam, đại diện các nhà mạng lớn trong nước, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu... sẽ chia sẻ góc nhìn cùng những thách thức với nền công nghệ trong nước trước một kỷ nguyên mới.
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards của VnExpress. Phiên thảo luận sáng 8/1 về nội dung Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới.
Đăng ký tham dự tại đây.
Khương Nha