"Chúng tôi đã trình Bộ ban hành Quy Chuẩn Việt Nam với mục tiêu điện thoại di động sản xuất, lưu thông ở Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G và có hiệu lực vào tháng 7/2021", ông Lương Phạm Nam Hoàng, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ tại diễn đàn công nghệ VnExpress chiều 7/1.
Ông Hoàng cũng khẳng định, Việt Nam triển khai 5G cùng nhịp với thế giới. Các nhà mạng tại Việt Nam thử nghiệm kỹ thuật từ năm 2019, thử nghiệm thương mại vào năm 2020 và dự kiến sẽ thương mại chính thức vào tháng 6/2021. Trong quyết định của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, 5G là "một trong các tiêu chí được định lượng", cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai kết nối này.
Để khai thác 5G hiệu quả, đại diện Cục Viễn thông cho biết Việt Nam sẽ triển khai 5G theo từng pha, thay vì làm một cách làm ồ ạt, có thể gây tốn kém. "Chúng ta sẽ phải đi đúng nhịp để đón đầu cơ hội mà công nghệ này đem lại với chi phí hợp lý", ông Hoàng nói thêm.
Để làm được điều này, một trong những việc cần làm là làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị. Khi tự chủ sản xuất thì mới có chi phí rẻ thay vì tiếp tục mua linh kiện thiết bị nước ngoài. Các doanh nghiệp như Viettel, VinSmart, Bkav, VNPT... đã được Bộ TT&TT giao cho nghiên cứu sản xuất phát triển thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối 5G.
Theo đại diện Cục Viễn thông, qua đợt thử nghiệm thương mại mới đây, các doanh nghiệp cũng đã nhận thấy lợi ích khi triển khai 5G. "Ban đầu doanh nghiệp còn e ngại và cho rằng 5G là cao siêu, to tát, khó khăn, nhưng nay chính các doanh nghiệp viễn thông khi triển khai đã thấy rằng mình có thể triển khai được", đại diện Cục nói.
Theo thống kê, hiện có 140 nhà mạng tại 59 nước đã triển khai thương mại dịch vụ 5G. Đầu tư cho 5G tăng gấp đôi năm 2019 và chiếm 21,3% tổng đầu tư cho các mạng vô tuyến. Đến năm 2022, đầu tư cho 5G được dự đoán sẽ vượt mức cho LTE-A. Khoảng 15% nhà mạng trên toàn cầu sẽ khai thác mạng 5G SA và không còn phụ thuộc hạ tầng 4G vào năm 2023.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN; năm 2030 mạng 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân truy nhập Internet băng rộng với chi phí thấp.
Việt Nam có 88 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt 72,24% tăng 17,96% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng thuê bao sử dụng thiết bị hỗ trợ 4G tăng lên mức hơn 83 triệu. Hiện còn hơn 10 triệu thuê bao sử dụng thiết bị 2G.
Diễn đàn "Công nghệ Việt trong kỷ nguyên kết nối mới", được tổ chức trong hai ngày 7 và 8/1 tại TP HCM, có ba phiên thảo luận về ba nội dung: Sản phẩm Công nghệ Việt, Việt Nam trong kỷ nguyên 5G và Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới. Đại diện các bộ, ngành, các công ty công nghệ Việt Nam, đại diện các nhà mạng lớn trong nước, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo hàng đầu... sẽ chia sẻ góc nhìn cùng những thách thức với nền công nghệ trong nước trước một kỷ nguyên mới.
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện Tech Awards của VnExpress. Sáng 8/1, phiên thảo luận sẽ tiếp tục với chủ đề Sức mạnh AI trong kỷ nguyên kết nối mới. Đăng ký tham dự tại đây.
Lưu Quý