Thứ sáu, 17/1/2025
Thứ năm, 22/2/2024, 13:53 (GMT+7)

500 người Hoa ở TP HCM hóa trang diễu hành trước Tết Nguyên tiêu

Đoàn người hoá trang tiên nữ, Thần Tài, quân lính... diễu hành, rước tượng Quan Công quanh khu vực Chợ Lớn, ngày 13 tháng Giêng.

Lễ vía Quan Công mang tên Nguyên Tiêu nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân tuần du đi quanh khu vực Chợ Lớn, sáng 22/2.

Hội quán Nghĩa An thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) - nhân vật thời Tam Quốc có tấm lòng trung nghĩa và chí khí anh hùng. Hàng năm hội quán có hai lễ lớn nhất là Lễ Nguyên tiêu và vía Quan Công vào 13 tháng Giêng và 24/6 âm lịch. Theo quan niệm, đây là ngày sinh và hiển thánh của Quan Công nên là hai lễ cúng quan trọng nhất.

Ông Trần Vũ, Trưởng hội quán, cho biết những năm trước, lễ chỉ tổ chức quy mô nhỏ, không có diễu hành. Hai năm nay, hình thức diễu hành trên đường phố diễn ra nhằm bảo tồn và phát triển lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện mừng ngày Hội Nguyên Tiêu Giáp Thìn 2024. Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên, tổ chức vào rằm tháng Giêng, là dịp mọi người cầu an, giải hạn, mong một năm an lành.

Khởi hành lúc 8h từ Hội quán Nghĩa An trên đường Nguyễn Trãi, đoàn diễu hành đi qua các đường Tản Đà - Trần Hưng Đạo - Phùng Hưng - Hải Thượng Lãn Ông - Đỗ Ngọc Thạch - Nguyễn Trãi - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học và quay lại nơi xuất phát.

Tượng thờ Quan Công được rước với quãng đường gần 5 km để mọi người chiêm bái. Bức tượng cao khoảng một mét, ngồi trên ghế sơn son thếp vàng, có tuổi đời hàng trăm năm.

Theo trưởng hội quán, việc rước tượng Quan Thánh Đế Quân mang ý nghĩa nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi gia đình, xã hội phồn vinh.

Tại Hội quán Ôn Lăng trên đường Lão Tử, các nhóm lân sư rồng dừng lại múa khoảng 3 phút. Trong lịch trình diễu hành đều đi qua các chùa, hội quán của người Hoa với ý nghĩa kết nối, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng với nhau.

Theo sau là nhóm thanh niên hoá thân thành hình tượng ngựa xích thố - chiến mã của Quan Công.

Lễ rước trở nên sinh động hơn với sự góp mặt của đoàn người hoá thân thành các vị tiên, Thần Tài, long vương, ban cổ nhạc, đội kèn, trống...

Trong trang phục truyền thống người Hoa, năm thứ hai liền Hương Lan tham gia trong đội gánh cờ, phướn. "Tôi rất vui khi được góp mặt trong đoàn diễu hành, giúp mọi người hiểu thêm về các phong tục của người Hoa", cô gái 27 tuổi nói.

Người dân hai bên đường đổ xô ra chào mừng đoàn rước. Nhiều người cầm theo nhang, chắp tay cầu nguyện khi tượng Quan Công đi ngang qua.

Lực lượng công an, dân quân, dân phòng hỗ trợ điều tiết giao thông, nhắc người dân không tràn ra đường, tạo không gian cho đoàn rước đi qua.

Bà Như Loan, 56 tuổi (góc phải), hào hứng quay lại cảnh đoàn người đi qua. "Với người Hoa, ông Quan Công được xem như vị thánh. Sau khi xong phần diễu hành, tôi sẽ đến hội quán thắp nhang cho ông, mong may mắn trong năm mới", bà nói.

Nhiều người sờ vào các đoàn lân, vị tiên, Thần Tài mong một năm mới nhiều tài lộc, sức khoẻ.

9h30, tượng Quan Thánh Đế Quân được rước về lại hội quán Nghĩa An.

Nhiều người thắp hương, cầu nguyện, xin lộc sau khi tượng Quan Công được đặt trở lại ban thờ trong hội quán.

Hội quán Nghĩa An hay còn gọi là chùa Ông, miếu Quan Đế là hội quán của người Triều Châu và Hẹ sang Việt Nam sinh sống, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19.

Theo số liệu thống kê dân số năm 2019, có khoảng 750.000 người Hoa đang sinh sống ở Việt Nam, trong đó hơn 500.000 đang ở TP HCM. Người Hoa ở thành phố tập trung tại quận 5, 6, 8, 10 và 11.

Quỳnh Trần