Thứ ba, 26/11/2024
Thứ tư, 23/8/2023, 00:00 (GMT+7)

Lễ xá tội vong nhân của người Hoa ở Sài Gòn

Tại Khánh Vân Nam Viện, đạo quán lớn nhất Sài Gòn, quận 11, hàng trăm người ôm bài vị đi qua cầu, mong linh hồn thân nhân sớm siêu thoát trong tháng cô hồn.

Chiều 22/8 (7/7 âm lịch), khoảng 500 người Hoa có mặt tại Khánh Vân Nam Viện trong hẻm đường Nguyễn Thị Nhỏ để làm lễ xá tội vong nhân. Đây là đạo quán lớn nhất của cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn.

Trong Đạo giáo, tháng 7 âm lịch được gọi là "tháng cô hồn", là thời gian Diêm Vương mở quỷ môn quan xá tội, cứu những người đã chết đang chịu khổ tại các địa ngục trở về dương gian, phù hộ cho con cháu và có thể đi đầu thai kiếp khác. Cánh cửa sẽ đóng lại giữa đêm 14/7 âm lịch. Xá tội vong nhân là ngày giữa của "tháng cô hồn", mọi người lập bàn thờ cúng để mong ban phước cho các linh hồn còn lảng vảng trên trần gian.

Khu vực để bài vị tập trung đông đúc người làm lễ. Mỗi người đều cầm theo cây nhang dài gần nửa mét.

Từ 1/7 âm lịch, các bài vị được đặt trong đạo quán để cúng kính. Tùy theo chi phí cúng dường, bài vị sẽ được đặt riêng bằng giấy và tre hoặc chỉ đơn giản in tên tuổi trên tờ giấy hồng dán trên tường. Có khoảng 450 bài vị được đặt trong đạo quán dịp này.

Cầm trên tay xấp tiền lẻ được gấp lại và bó nhang chờ đến giờ làm lễ, anh Trung Chí (quận 11) cho biết, đây là năm thứ 10 tham gia lễ xá tội vong nhân cho tổ tiên ở Khánh Vân Nam Viện. "Tôi làm lễ để mong linh hồn của ông bà về với gia đình khi cửa ngục mở và sớm được siêu thoát", người đàn ông 42 tuổi nói.

Theo anh Chí, mỗi cây nhang thường tượng trưng cho một linh hồn. Trên nhang có gắn phong bao kèm lá bưởi và trắc bạch diệp, với ý nghĩa ma quỷ không đi theo các linh hồn của tổ tiên mình.

Khoảng 15h45, các đạo sĩ, đạo cô đọc kinh, thỉnh lễ bên trong viện. Người dân cầm nhang đứng chờ ngoài sân hoặc trong khu bài vị nhưng không được vào chánh điện.

Sau đó, dòng người tuần tự cầm theo bài của người thân cùng nhang chậm rãi đi ra ngoài sân thực hiện nghi lễ qua cầu. Đây là phần lễ quan trọng trong ngày xá tội vong nhân.

Bà Hoàng Huệ Châu, 58 tuổi cầm theo bài vị của cha mẹ ra ngoài sân làm lễ. Bà cho biết, trong suốt thời gian hành lễ, người thân phải giữ cây nhang cháy cho đến khi kết thúc. Linh hồn tổ tiên, người thân sẽ nương theo nhang khói về lại với con cháu.

Dòng người ôm bài vị đi vòng ra cửa sau, không băng ngang qua chánh điện để ra ngoài sân làm lễ qua cầu.

Bên ngoài sân, một cầu làm bằng thép cao nửa mét cho người hành lễ bước qua. Cây cầu theo quan niệm là bắc giữa Dương gian và Âm giới, các linh hồn sẽ được dẫn qua và siêu thoát. Mọi người vừa đi vừa rải tiền lẻ cúng cho các ngạ quỷ giữ cầu ở dưới sông để họ không làm khó vong linh.

Lễ qua cầu diễn ra khoảng 15 phút trong trật tự.

Bà Nguyễn Tố Phương, quận 11 ôm theo hai bài vị đi qua cầu. Người phụ nữ 57 tuổi cho biết, một số gia đình không tới làm lễ được nên bà sẽ giúp họ mang bài vị qua cầu rồi hóa vàng.

Tất cả bài vị sau đó được đem hóa trong lửa, ở ngôi tháp gần cửa vào, kết thúc một tuần diễn ra lễ xá tội vong nhân.

Khánh Vân Nam Viện rộng hơn 2.000 m2, có nguồn gốc từ huyện Nam Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, du nhập vào Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1936 và đến nay đã phát triển tới hơn 2.000 tín đồ. Đây là ngôi đạo quán hiếm hoi và lớn nhất miền Nam, mang yếu tố tổng hợp của "tam giáo đồng nguyên": Nho giáo - Phật giáo - Đạo giáo.

Quỳnh Trần