Tình hình bán đảo Triều Tiên trở nên yên bình trong thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông, nhưng nhiều chuyên gia lo ngại căng thẳng có thể trở lại bất cứ lúc nào khi Bình Nhưỡng quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Mỹ cũng kiên trì quan điểm theo đuổi chính sách gây sức ép ngoại giao nhưng không từ bỏ phương án quân sự nếu cần thiết.
Trong trường hợp căng thẳng trên bán đảo tiếp tục leo thang và bùng phát thành xung đột, không quân Mỹ có nhiệm vụ loại bỏ các bệ phóng tên lửa đạn đạo và lực lượng máy bay của Triều Tiên, vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy và phòng không, sau đó chuyển sang yểm trợ lực lượng mặt đất. Lầu Năm Góc cần sử dụng 5 loại vũ khí không quân chủ lực để hoàn thành trách nhiệm này, theo National Interest.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit
Triều Tiên sở hữu mạng lưới phòng không dày đặc, với khả năng đánh chặn tầm xa dựa vào tổ hợp tên lửa S-200 Vega và KN-06, hệ thống nội địa có tính năng tương đương tên lửa S-300 Nga. Dù phần lớn khí tài phòng không của Bình Nhưỡng đã lạc hậu, Washington vẫn phải thận trọng khi triển khai lực lượng không quân, nhất là sau vụ tiêm kích F-16I hiện đại của Israel bị tên lửa phòng không đời cũ Syria bắn hạ.
Khả năng tàng hình cao, mang được nhiều vũ khí và tầm hoạt động lớn khiến oanh tạc cơ B-2 Spirit là lựa chọn tốt nhất cho nhiệm vụ tấn công phủ đầu. Loại máy bay này có thể bất ngờ xâm nhập không phận Triều Tiên, tung đòn phá hủy hệ thống phòng không tầm xa, tiêu diệt các bệ phóng tên lửa đạn đạo và ám sát ban lãnh đạo Triều Tiên.
Vũ khí chủ lực cho hoạt động này sẽ là siêu bom xuyên phá GBU-57 MOP, với khả năng xuyên phá lớp bê tông cốt thép dày 60 m, trước khi kích hoạt khối thuốc nổ 2,4 tấn để hủy diệt mọi mục tiêu bên trong.
Theo các chuyên gia quân sự, uy lực của GBU-57 khiến nó là lựa chọn hàng đầu trong đòn đánh phủ đầu Triều Tiên của Mỹ. Oanh tạc cơ B-2 có thể dùng GBU-57 để tấn công hệ thống hầm ngầm kiên cố của Triều Tiên, vô hiệu hóa bộ máy lãnh đạo và khả năng đáp trả bằng tên lửa đạn đạo. Những kho vũ khí và cơ sở hạt nhân kiên cố dưới lòng đất cũng có thể trở thành mục tiêu của bom GBU-57.
Ngoài ra, mỗi chiếc B-2 cũng có thể thực hiện đòn đánh có độ chính xác cao, dựa vào khả năng mang 16-80 quả bom dẫn đường các loại, hoặc tên lửa hành trình AGM-154 JSOW và AGM-158 JASSM.
Vận tải cơ C-130J Hercules
Quan chức quốc phòng Mỹ từng tuyên bố chỉ có đổ quân vào lãnh thổ Triều Tiên mới có thể bảo đảm loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Washington cần chiếm những sân bay chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhằm tạo đầu cầu đổ bộ lực lượng và xây dựng căn cứ tiền phương. Trong chiến tranh, những địa điểm này dễ bị phá hủy, khó sử dụng cho đến khi được công binh sửa chữa.
Khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn, gồ ghề khiến C-130J Hercules là khí tài lý tưởng cho việc đổ quân xuống sân bay đối phương. Biến thể J mới nhất của dòng vận tải cơ này có thể mang 18 tấn hàng hóa, 128 lính bộ binh hoặc 92 lính dù, 74 cáng cứu thương để sơ tán thương binh.
Máy bay tiếp dầu KC-135 Stratotanker
Khoảng cách giữa Triều Tiên và các căn cứ chính của không quân Mỹ ở Okinawa và Guam là khá xa, đòi hỏi Washington triển khai máy bay tiếp dầu để tăng tầm hoạt động của phi cơ chiến đấu. KC-135 là mẫu máy bay tiếp dầu đa năng, có thể hỗ trợ đồng thời cho không quân, hải quân, thủy quân lục chiến Mỹ và không quân Hàn Quốc, vốn là những lực lượng áp dụng phương thức tiếp dầu khác nhau.
Mỗi chiếc KC-135 mang được gần 91 tấn nhiên liệu, cùng khả năng tiếp dầu cho hai phi cơ cùng lúc. Điều này giúp bảo đảm bán kính chiến đấu cho các phi đoàn máy bay Mỹ và Hàn Quốc trong thời gian dài. Tuy nhiên, vai trò đặc biệt quan trọng khiến KC-135 dễ trở thành mục tiêu tập kích của không quân Triều Tiên, đòi hỏi Mỹ bố trí lực lượng tiêm kích hộ vệ hoặc đưa phi đội Stratotanker tránh xa khu vực tác chiến.
Tiêm kích F-16
Mỹ cần triển khai tiêm kích đa nhiệm đủ sức làm nhiệm vụ yểm trợ tầm gần và chia cắt đối phương. Do Bình Nhưỡng không có hệ thống phòng không hiện đại, Washington không nhất thiết phải sử dụng tiêm kích tàng hình như F-22 và F-35. Tiêm kích hạng nhẹ đa năng F-16C nhiều khả năng sẽ đóng vai trò chủ lực trong cuộc chiến, thay cho những chiếc F-15 hạng nặng.
Không quân Mỹ hiện bố trí gần 100 tiêm kích F-16 ở Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có hai phi đội chuyên chế áp lực lượng phòng không đối phương (SEAD). Những chiếc F-16 này được trang bị bom thông minh dẫn đường bằng laser và vệ tinh cho mục tiêu mặt đất, tên lửa AGM-88 HARM để diệt đài radar. Chúng cũng được lắp tên lửa đối không tầm ngắn và tầm trung để bắn hạ máy bay đối phương.
Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk
RQ-4 có thể hoạt động liên tục trong hơn 30 giờ liền, làm nhiệm vụ do thám khí tài và cơ sở chiến lược của Bình Nhưỡng, đặc biệt là căn cứ tên lửa và tàu ngầm. Loại phi cơ này đủ sức phát hiện các bệ phóng tên lửa được cất giấu trong hầm ngầm và lòng núi, trước khi chuyển dữ liệu mục tiêu cho các lực lượng khác.
Global Hawk có thể cất cánh từ các sân bay xa xôi trên đảo Guam, hoạt động nửa ngày trên không phận Triều Tiên trước khi trở về căn cứ, giảm tải cho tiền tuyến. Ngoài ra, nó có thể đóng vai trò trạm liên lạc dã chiến trên không (BACN), duy trì và bảo mật thông tin liên lạc giữa bộ binh và máy bay yểm trợ tầm gần.
Duy Sơn