Nhật Bản đang cân nhắc trang bị tên lửa hành trình cho chiến đấu cơ nhằm đối phó với mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Giới chuyên gia nhận định việc này sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng vệ của Tokyo, nhưng không thể giúp họ tung đòn phủ đầu tiêu diệt tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng do hạn chế trong khả năng xác định mục tiêu di động, theo Aspi Strategist.
Nhật Bản tuyên bố sẽ sớm biên chế tiêm kích tàng hình F-35A trang bị Tên lửa tiến công đa nhiệm (JSM) có tầm bắn 500 km. Nước này cũng nghiên cứu giải pháp lắp tên lửa diệt hạm tầm bắn 560 km và tên lửa đối đất tầm 900 km cho phi đội tiêm kích F-15J.
Với đề xuất ngân sách quốc phòng tăng kỷ lục trong năm 2018, Tokyo chắc chắn sẽ mua sắm nhiều tên lửa diệt hạm, trong khi cuộc bầu cử quốc hội có khả năng mở đường cho việc đoạn tuyệt với hiến pháp hòa bình. Trong bối cảnh Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản, rõ ràng nước này đang muốn sở hữu năng lực tấn công mới.
Tuy nhiên, chuyên gia Rowan Allport tại Trung tâm An ninh Con người (HSC) cho rằng quân đội Nhật khó có thể phóng tên lửa hành trình tiêu diệt tên lửa đạn đạo Triều Tiên trước khi chúng rời bệ phóng, bởi các tên lửa của Bình Nhưỡng chủ yếu được bố trí trên xe phóng di động.
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh, Mỹ và đồng minh từng gặp khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt các xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) tên lửa đạn đạo của Iraq, chưa kể tới khí tài chỉ huy và hỗ trợ kỹ thuật.
Việc tìm kiếm mục tiêu chủ yếu phải phụ thuộc vào máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh do thám, nhằm cung cấp dữ liệu theo thời gian thực. Việc thiếu UAV tầm xa và mạng lưới vệ tinh hạn chế khiến Nhật Bản phải dựa vào thông tin bên ngoài để không kích mục tiêu di động.
Trên lý thuyết, Tokyo có thể điều chiến đấu cơ có người lái, đặc biệt là tiêm kích F-35A mua của Mỹ, thâm nhập vào không phận Triều Tiên để thực hiệm nhiệm vụ tìm diệt, nhưng hành động này rất mạo hiểm, hiệu quả rất hạn chế và lãng phí khả năng tấn công tầm xa của tên lửa hành trình.
Chuyên gia Allport cho rằng Nhật Bản khó có thể nhanh chóng khắc phục lỗ hổng trong năng lực do thám, bởi ngay cả Mỹ cũng gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu mục tiêu cần thiết ở Triều Tiên. Washington hiện sở hữu nhiều mẫu UAV do thám như RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper, nhưng chúng thiếu tốc độ, khả năng cơ động và tàng hình nên dễ bị bắn hạ, bất chấp việc lưới phòng không Triều Tiên bị chê là lạc hậu.
Máy bay do thám có người lái như U-2 và E-8 cũng gặp nhiều rủi ro khi chiến tranh nổ ra. Mỹ cố khắc phục hạn chế này bằng cách triển khai UAV tàng hình như RQ-170 và RQ-180, nhưng quá trình này cần nhiều thời gian và không đủ số lượng phi cơ.
Ngay cả khi có đủ khí tài trinh sát, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Lực lượng tên lửa Triều Tiên được giấu trong hầm ngầm kiên cố, khó có thể bị tên lửa hành trình xuyên thủng, chưa kể tới các biện pháp bảo vệ khác. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng đã diễn tập quy trình chuẩn bị, phóng tên lửa và rút lui trong thời gian rất ngắn.
Triều Tiên đang sở hữu hàng trăm tên lửa Hwasong-7 đủ sức đe dọa lãnh thổ Nhật, đặt trên các bệ TEL bánh xích để tăng tính cơ động, khiến việc tiêu diệt chúng trong thời gian ngắn sẽ là điều gần như bất khả thi. Tình hình càng tệ hơn khi tên lửa đạn đạo Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, vốn chỉ cần vài phút để chuyển trạng thái chiến đấu, được Bình Nhưỡng đưa vào biên chế.
Dù còn nhiều hạn chế, tên lửa hành trình Nhật Bản vẫn có thể tấn công các mục tiêu quan trọng như cơ sở lắp ráp, thử nghiệm và kho chứa tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, việc nước này sở hữu tên lửa hành trình uy lực không có nghĩa là họ đủ khả năng đánh phủ đầu, tiêu diệt vũ khí mạnh nhất của đối phương, chuyên gia Allport nhấn mạnh.
Duy Sơn