(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nam Định và Hải Phòng hiện không được coi như những ứng viên cạnh tranh danh hiệu. Nghĩa là, họ đang "sống mòn" với thực tại được tạo nên bởi quá khứ huy hoàng. Bây giờ, cuộc chiến trụ hạng cũng khốc liệt chẳng kém màn "long tranh hổ đấu" mỗi khi hai đội bóng này chạm mặt.
Tuy nhiên, hãy tạm bỏ qua kết quả 2-0 nghiêng về các vị khách, chúng ta có thể nhìn màn đụng độ trên sân Thiên Trường vào tối qua theo một góc cạnh khác, từ đó nhận ra một vài vấn đề nổi cộm ở V-League, những thứ không biết bao giờ sẽ biến mất.
Khi nào VAR xuất hiện?
Như đã nói, chúng ta không bàn về việc liệu Nam Định có bị thiệt hay không, khi Rafaelson bị thổi phạt việt vị ở tình huống anh đệm bóng cận thành vào lưới Hải Phòng. Đặt giả sử có VAR, chắc chắn hoài nghi từ khán giả sẽ chỉ dành cho những người có vấn đề về thị lực.
Ngay như Premier League, sân chơi được coi như "bảo thủ" bậc nhất thế giới, vẫn phải nhờ đến công nghệ khoa học để tạo ra sự cân bằng cần thiết, dù vẫn có những trường hợp ngớ ngẩn được tạo ra ở mùa giải 2019-2020.
Vì lẽ đó, V-League nên và phải sở hữu VAR nhằm trấn an tư tưởng khán giả Việt, những người rất thường xuyên phàn nàn về các kiểu tình huống gây tranh trên sân.
Trọng tài cần quyết liệt hơn
Vẫn biết rằng những trận đấu giữa Nam Định và Hải Phòng luôn rất nóng, và người cầm cân nảy mực đôi khi cần làm dịu đi tình hình trên sân. Nhưng sẽ có nhiều người phàn nàn về pha bóng mà Phạm Mạnh Hùng phạm lỗi với cầu thủ chủ nhà và "bình an vô sự".
Nếu ông Mike Dean (vua rút thẻ ở Anh) cầm còi, liệu thủ quân số 3 vẫn còn được chơi trên sân trong khoảng thời gian nhạy cảm như vậy? Đó là một tình huống Nam Định chắc chắn sẽ tạo ra nguy hiểm, nếu cầu thủ của họ không bị phạm lỗi thô bạo bên biên phải.
Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao trọng tài chính ở trận này vẫn cho phép cuộc chơi tiếp tục, dù trước đó Mạnh Hùng đã ăn thẻ. Ở sân chơi V-League nói chung và trận cầu này nói riêng, có lẽ các vị vua áo đen cần quyết liệt hơn để tránh những phàn nàn không đáng có sau 90 phút.
Cứ lợi thế là "nằm sân"
Trong hiệp thi đấu thứ hai, khán giả có thể dễ dàng đếm được số lần ngã xuống đau đớn, thậm chí phải nằm cáng rời sân... của các cầu thủ Hải Phòng, thời điểm họ đang dẫn trước chủ nhà với tỉ số 1-0. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau họ vẫn chạy vèo vèo.
Nhìn rộng ra toàn giải, ở đâu chúng ta cũng thấy được hành vi này, miễn là đội của họ đang có lợi thế về mặt điểm số. Câu thời gian tất nhiên hợp lệ ở bất cứ thời điểm nào trong trận đấu, nhưng liệu cầu thủ có nghĩ đến cảm giác của những người đang theo dõi họ trên khán đài hoặc qua màn ảnh rộng? Một khán giả yêu bóng đá đích thực chắc chắn căm ghét hành vi này, và có thể chỉ chấp nhận nếu nó diễn ra vào những phút bù giờ cuối cùng.
Mặt cỏ thi đấu quá tệ
Ngoài Hàng Đẫy và Gò Đậu, hai sân vận động sở hữu mặt cỏ ở mức ổn, còn lại chúng ta thật khó để tìm ra nơi nào khác ưng ý hơn cho các cầu thủ chuyên nghiệp an tâm thi đấu. Nếu không nói rằng nhiều sân ở Việt Nam như "đất ruộng", chúng ta vẫn sẽ thấy nhiều điều gai mắt. Còn nhớ ở trận mở màn sau đại dịch cũng tại Thiên Trường, khán giả cả nước được chứng kiến một mặt cỏ ổn, màu sơn vạch (nhằm giúp trọng tài bắt việt vị tốt hơn) kẻ ngang cũng rõ ràng. Nhưng hôm nay diện tích sân được bao phủ bởi một màu duy nhất, điều đó thậm chí cũng khiến người xem "tức mắt", vì nó liên quan đến vấn đề nhìn nhận hệ thống chiến thuật.
Trả bóng hay chuyền bóng?
Trong hai hiệp thi đấu tại Thiên Trường, cả hai đội đều có những pha trả bóng cho đối phương, không khác nào một đường chuyền cơ hội cho đồng đội. Đặt giả sử nếu hàng thủ phía bên kia sân xử lý tình huống lỗi, vậy các tiền đạo đối diện nên ghi bàn hay làm gì? Vấn đề này không nằm trong khía cạnh chuyên môn, và nó quá dễ dàng để loại bỏ, mặc dù khán giả cũng thường xuyên được chứng kiến trên các sân cỏ Việt Nam. "Bóng đá là chơi đẹp", và nếu bạn làm điều đó trở nên tồi tệ, khán giả sẽ quay lưng, không sớm thì muộn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trung Quân