Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo như trên trong bối cảnh nhiều người lựa chọn du lịch sau Tết để tiết kiệm chi phí. Môi trường du lịch đông người, thời tiết thay đổi liên tục dễ khiến du khách mắc các loại virus, vi khuẩn dưới đây, nên sớm phòng ngừa.
Cúm
Vào mùa đông - xuân, khí hậu ở các tỉnh phía Nam thường nóng, còn ở các tỉnh phía Bắc lạnh, mưa ẩm. Thời gian qua, 25 tỉnh thành có mức nhiệt dưới 15 độ C, có nơi chỉ hơn 2 độ C. Tiếp xúc quá lâu với môi trường lạnh, thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ khiến du khách bị sốc nhiệt, mắc cúm.
Nếu không được điều trị đúng cách, cúm có khả năng bội nhiễm vi khuẩn, dẫn đến viêm xoang, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết... dẫn đến tử vong.
Mới đây, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nhiều ca mắc cúm A, trong đó hai ca bị suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn, phải điều trị bằng hệ thống oxy hóa qua màng ngoài cơ thể ECMO.
Vaccine cúm có hai loại phòng 4 chủng gồm cúm A (H1N1, H3N2) và cúm B (Yamagata, Victoria), tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Sau lịch tiêm cơ bản, mỗi năm cần tiêm nhắc một mũi do virus cúm thường xuyên thay đổi cấu trúc kháng nguyên, miễn dịch do vaccine tạo ra giảm dần theo thời gian.
Vaccine cần 2-3 tuần mới tạo đủ kháng thể bảo vệ, do đó có dự định du lịch, người dân nên thu xếp tiêm ngừa phù hợp.
![Người trẻ tiêm phòng cúm tại VNVC. Ảnh: Bình An](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/08/nguoi-tre-tiem-vaccine-cum-tai-1212-5359-1738988410.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8D7icPG3ErMkgX0Ga_g1tA)
Người trẻ tiêm phòng cúm tại VNVC. Ảnh: Bình An
Viêm não Nhật Bản
Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản là các loài chim hoang dã như chim cò, chim sẻ, chích chòe và các loại gia súc như heo, bò, ngựa... Muỗi là vật trung gian truyền bệnh thông qua các vết đốt.
Du khách đến vùng có dịch, gần ruộng lúa nước, cánh đồng, vườn cây... dễ tiếp xúc với virus. Tại Việt Nam, mầm bệnh lưu hành toàn quốc, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Còn trên thế giới, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 24 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương có tình trạng lây truyền virus viêm não Nhật Bản khiến hơn 3 tỷ người có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh có thể bị co giật, hôn mê sâu, tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú. Theo WHO, tỷ lệ tử vong của bệnh lên đến 30%. Nếu qua khỏi, 30-50% bệnh nhân có khả năng gặp các di chứng suốt đời như điếc, liệt, rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp.
Hiện Việt Nam có ba loại vaccine phòng viêm não Nhật Bản. Phác đồ tiêm áp dụng theo từng loại. Vaccine có hiệu quả bảo vệ đến 95%, được WHO khuyến cáo nên tiêm chủng ở tất cả khu vực có bệnh này lưu hành.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm xảy ra quanh năm, lây truyền từ muỗi nhiễm virus sang người thông qua vết đốt. Biến đổi khí hậu, đô thị hóa, giao thương... tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, khó kiểm soát dịch.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm khoảng 200.000 ca sốt xuất huyết trên cả nước. Người bệnh thường sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh có 4 loại huyết thanh virus riêng biệt, một người có thể bị nhiễm tới 4 lần. Du khách đến các vùng lưu hành bệnh có nguy cơ cao tái nhiễm sốt xuất huyết do tiếp xúc thường xuyên với virus.
Sốt xuất huyết không có thuốc đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu. Vaccine giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh đến hơn 80% và hơn 90% nguy cơ nhập viện.
![Chủ động phòng bệnh sẽ giúp tận hưởng trọn vẹn chuyến đi. Ảnh: Vecteezy](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/08/du-lich-JPG-1738988290-4507-1738988410.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=7YroYGCV5_L8rcSXUKTO1A)
Chủ động phòng bệnh sẽ giúp tận hưởng trọn vẹn chuyến đi. Ảnh: Vecteezy
Não mô cầu
Vi khuẩn não mô cầu lây lan qua đường hô hấp khi người khỏe mạnh hít phải các giọt bắn nhiễm khuẩn của người, người lành mang trùng hoặc tiếp xúc gián tiếp với vật dụng, bề mặt dính virus. Nhiều người mang vi khuẩn ở vùng hầu họng mà không biểu hiện triệu chứng.
Người đi du lịch, tiếp xúc với người dân bản địa ở khu vực lưu hành viêm màng não, tham gia các lễ hội như âm nhạc, ẩm thực, quán bar... có nguy cơ lây bệnh cao. Hiện một số quốc gia ở châu Phi, Saudi Arab khuyến cáo tiêm vaccine não mô cầu hoặc yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh đã tiêm vaccine này để nhập cảnh.
Não mô cầu gây ra 2 thể bệnh phổ biến là viêm màng não và nhiễm trùng huyết có thể gây tử vong chỉ trong 24 giờ. 10-20% người sống sót gặp các di chứng nặng nề như cắt cụt chi, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần...
Các loại vaccine phòng não mô cầu gồm vaccine nhóm B thế hệ mới, loại ngừa nhóm BC và loại ngăn nhóm ACYW-135. Các vaccine tiêm cho người từ hai tháng đến 55 tuổi. Theo bác sĩ Phong, vaccine không có miễn dịch chéo nên mỗi người cần chủng ngừa các loại vaccine phòng 5 nhóm huyết thanh gây bệnh não mô cầu A, B, C, Y, W-135.
Dại
Một số khu vực người dân có thói quen thả chó chạy rông, không rọ mõm, hoặc những địa điểm nhiều động vật hoang dã dễ khiến người dân bị động vật tấn công, nguy cơ mắc bệnh dại.
Bệnh chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong gần 100% khi khởi phát triệu chứng. Tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại là biện pháp dự phòng duy nhất. Tuy nhiên, khi đi du lịch, đặc biệt đến những vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận vaccine dại và huyết thanh kháng dại có thể gặp nhiều khó khăn.
Người dân có thể chủ động tiêm dự phòng vaccine trước phơi nhiễm. Vaccine dự phòng gồm ba mũi tiêm vào các ngày 0, 3, 21 hoặc 28. Khi bị chó, mèo cắn, cào, dù vết thương nặng, chỉ tiêm thêm 2 mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh.
Sau tiêm vaccine, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể từ trước, kịp thời nhận diện virus gây bệnh và tiêu diệt khi chúng xâm nhập, nhất là vết thương vùng đầu, mặt, cổ.
Bình An