Ở các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng như đại dịch Covid-19, một trong những vai trò quan trọng nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là thu thập dữ liệu, nghiên cứu, đánh giá và tư vấn cách ứng phó cho các quốc gia.
Từ tháng 1/2020 đến nay, WHO đã xuất bản hơn 100 tài liệu liên quan đến Covid-19. Một nửa trong đó là hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về cách truy vết, xét nghiệm ca nhiễm, phương pháp chăm sóc, điều trị và cách làm giảm thiểu lây truyền.
Trong thời kỳ bình thường mới, số ca nhiễm giảm, Covid-19 có thể trở thành mầm bệnh đặc hữu. Theo WHO, các nước lúc này cần cân bằng giữa nhu cầu điều trị người nhiễm nCoV và duy trì dịch vụ y tế thường quy cho những bệnh khác.
Xét nghiệm
Xét nghiệm là phần quan trọng trong chiến lược phòng ngừa và kiểm soát Covid-19. Theo WHO, các quốc gia nên có chương trình xét nghiệm cụ thể với mục tiêu rõ ràng, có thể thay đổi tùy theo tình hình dịch tễ, các nguồn lực và công cụ sẵn có cùng bối cảnh cụ thể.
Tất cả xét nghiệm đều phải liên quan đến hoạt động y tế cộng đồng, nhằm đảm bảo chăm sóc và hỗ trợ thích hợp về mặt lâm sàng. Các ca nghi nhiễm nCoV đều phải xét nghiệm, bất kể tình trạng tiêm chủng hoặc tiền sử bệnh lý.
Trong trường hợp tài nguyên hạn chế, WHO khuyến nghị ưu tiên các trường hợp sau: người có nguy cơ phát triển triệu chứng Covid-19 nặng, nhân viên y tế, bệnh nhân nội trú trong các bệnh viện, người sinh sống dài hạn trong môi trường khép kín được ghi nhận là ổ dịch.
Tiêu chuẩn sàng lọc Covid-19 là xét nghiệm khuếch đại axit nucleic hoặc xét nghiệm Realtime-PCR. Các quốc gia có thể dùng thêm xét nghiệm kháng nguyên, test nhanh. WHO không khuyến nghị sàng lọc rộng rãi ở người không triệu chứng, ngoài vùng dịch.
Điều trị tại nhà đối với Covid-19
Tại nhiều quốc gia, cách ly và điều trị các F0 triệu chứng nhẹ tại nhà là nòng cốt của giai đoạn "sống chung với Covid-19". Chiến lược này giúp giải tỏa gánh nặng cho hệ thống y tế, tiết kiệm nguồn lực và giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo trong môi trường bệnh viện.
Bác sĩ chỉ định bệnh nhân điều trị tại nhà dựa trên biểu hiện lâm sàng, yêu cầu chăm sóc hỗ trợ, các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, thói quen hút thuốc lá, tình trạng béo phì và mắc các bệnh không lây nhiễm. Thông thường, người tự cách ly tại có triệu chứng nhẹ, vừa phải, không bệnh nền, ít khả năng cần can thiệp khẩn cấp hay chuyển tuyến.
Theo WHO, nhân viên y tế nên xem xét và đánh giá nơi ở của người bệnh, xem có phù hợp với các tiêu chí về cách ly và điều trị Covid-19 hay không. Bệnh nhân và cả người thân phải tuân thủ các khuyến nghị y tế về phòng chống dịch bệnh, ví dụ sử dụng dụng cụ sát khuẩn tay, vệ sinh môi trường, đảm bảo thông khí,...
Người mắc Covid-19 điều trị tại nhà theo triệu chứng, chẳng hạn dùng thuốc hạ sốt, đau đầu và bù nước phù hợp. WHO khuyến cáo không nên dự phòng kháng sinh đối với người bệnh nhẹ. Ở người có triệu chứng trung bình, bác sĩ chỉ kê đơn kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm khuẩn. Các F0 mắc bệnh nền, bệnh không lây nhiễm, cần được cung cấp đủ thuốc men thiết yếu. Người già nên dự trữ thuốc trong ít nhất hai tuần.
Người thân phải theo dõi thường xuyên biểu hiện chuyển nặng của bệnh nhân, lý tưởng nhất là một lần một ngày, kết hợp đo độ bão hòa oxy (SPO2). Nếu F0 có dấu hiệu chóng mặt, khó thở, tức ngực, mất nước, cần liên hệ đến đường dây nóng bệnh viện.
WHO khuyến nghị Bộ Y tế và các cấp lãnh đạo địa phương cung cấp nguồn lực cần thiết, thực hiện các chiến lược truyền thông, hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng dịch với người đang điều trị tại nhà.
Vaccine
Hôm 28/5, trong cuộc phỏng vấn với AFP, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, tiến sĩ Hans Kluge cảnh báo rằng đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi ít nhất 70% người dân được tiêm chủng. Mục tiêu toàn cầu của WHO là tiêm phòng đủ liều cho ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới trước tháng 9/2021, 40% cho đến cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc cần phải đạt được để kết thúc đại dịch.
Từ ngày 3/6/2020 đến nay, WHO đã chấp thuận tổng cộng 6 loại vaccine Covid-19, bao gồm AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Pfizer, Sinopharm và Sinovac. Tất cả loại vaccine đều có tác dụng chống triệu chứng nặng và tử vong, dù không loại nào hiệu quả 100%. WHO cho rằng "vaccine hiệu quả nhất là vaccine được tiêm sớm nhất".
Vaccine Covid-19 sử dụng cho hầu hết người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên), gồm cả người mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, hen suyễn, bệnh phổi, gan, thận...
Đối tượng ưu tiên tiêm chủng là người cao tuổi, có bệnh mạn tính (dễ chuyển nặng khi nhiễm nCoV) và nhân viên y tế. Trẻ em và thanh thiếu niên có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình khi mắc Covid-19, tiêm phòng cho nhóm này ít khẩn cấp hơn. Đối với vaccine cho trẻ em, WHO cần có thêm dữ liệu khoa học để khuyến nghị tiêm chủng.
Tiếp nhận điều trị Covid-19
Trong kịch bản không có ca nhiễm nCoV cộng đồng, hệ thống y tế ưu tiên thiết lập quy trình sàng lọc, phân loại cụ thể trung tâm chăm sóc ban đầu, phòng khám, đơn vị cấp cứu bệnh viện và cơ sở điều trị đặc biệt.
Nếu ghi nhận các trường hợp lẻ tẻ, địa phương cần đảm bảo toàn bộ quy trình phân loại cơ sở y tế như kịch bản không ca nhiễm, đồng thời điều trị cho bệnh nhân Covid-19 theo mức độ triệu chứng, theo dõi người nghi nhiễm.
WHO phân loại bệnh nhân thành từng nhóm với các cách xử lý tương ứng. Người bệnh nhẹ cần tự cách ly và liên hệ với đường dây nóng Covid-19 để được tư vấn xét nghiệm, chuyển tuyến. Người triệu chứng vừa phải, không mắc bệnh nền hay có yếu tố nguy cơ có thể cách ly trong cơ sở y tế hoặc các bệnh viện dã chiến nếu nguồn lực cho phép. Người triệu chứng vừa phải, có bệnh nền cần được hướng dẫn tự cách ly và gọi cho đường dây nóng để chuyển tuyến khẩn cấp càng sớm càng tốt. Bệnh nhân nặng và nghiêm trọng đều được điều trị nội trú, bổ sung oxy hoặc can thiệp máy thở, tùy tình trạng.
Trong các cơ sở y tế, bệnh nhân cần được phân luồng ở khu vực khám sàng lọc nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Tại khu vực sảnh nhập viện, bệnh nhân bắt buộc đeo khẩu trang và rửa tay. Ở phòng chờ, WHO khuyến nghị mở cửa thông khí tự nhiên, trang bị nhà vệ sinh chuyên dụng và tấm ngăn cách. Trong khu sàng lọc, bệnh nhân được điều trị ở từng khu riêng lẻ với rào chắn.
Duy trì dịch vụ y tế thiết yếu
Theo WHO, để ngăn ngừa các trường hợp chuyển nặng và tử vong vì bệnh mạn tính, tình trạng cấp cứu không phải Covid-19, quốc gia nên xác định dịch vụ thiết yếu và tập trung duy trì chúng trong giai đoạn dịch bệnh. Các danh mục ưu tiên bao gồm phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm (trong đó có vaccine), chăm sóc sức khỏe sinh sản (cả phụ nữ mang thai và sản phụ), dịch vụ nòng cốt dành cho các cộng đồng yếu thế (như trẻ sơ sinh và người già), chăm sóc bệnh nhân mạn tính (bao gồm người bị bệnh tâm lý),...
Khi số ca nhiễm nCoV và áp lực lên hệ thống y tế giảm xuống, nhiều dịch vụ từng phải tạm ngừng sẽ được khôi phục. Ở nhiều cơ sở, sự trì hoãn trong dịch dẫn đến tình trạng tồn đọng bệnh nhân. Lúc này, hệ thống y tế cần nhanh chóng bắt nhịp, đảm bảo không bỏ sót người cần chăm sóc hoặc tiêm chủng.
Trong bối cảnh bình thường mới, các rủi ro liên quan đến Covid-19 giảm xuống, các quốc gia vẫn có thể ghi nhận ca nhiễm cộng đồng hoặc các cụm dịch lẻ tẻ. Các cơ sở y tế phải đảm bảo khôi phục dịch vụ chăm sóc một cách an toàn, tiếp tục kiểm soát lây nhiễm bằng phương pháp cũ, đồng thời dự đoán khả năng tái áp dụng những biện pháp hạn chế của chính phủ.
Thục Linh (Theo WHO)