Theo các chuyên gia, cần có thêm bằng chứng về tính cấp thiết và hiệu quả của liều tăng cường. Quan điểm này khác với chính phủ Mỹ, vốn có kế hoạch tiêm bổ sung cho người dân trong tuần tới, tùy thuộc vào quyết định phê duyệt của cơ quan quản lý.
Khi số ca nhiễm nCoV và biến thể Delta gia tăng, chính quyền Tổng thống Joe Biden lo ngại độ bảo vệ của vaccine suy yếu. Tổng thống Biden thúc đẩy tiêm liều vaccine thứ ba như một cách để củng cố hàng rào miễn dịch.
WHO lập luận phần lớn người dân toàn cầu vẫn chưa được tiêm liều đầu tiên. Các nhà khoa học của WHO viết trên tạp chí y khoa Lancet: "Bất kỳ quyết định nào về liều thứ ba phải dựa trên phân tích cẩn thận, kỹ lưỡng về dữ liệu lâm sàng và dịch tễ học".
Để đánh giá về lợi ích và rủi ro, các nước nên xem xét liều tăng cường có thể ngăn ngừa bao nhiêu ca mắc Covid-19 nghiêm trọng, liệu nó có an toàn và hiệu quả với biến thể hay không.
Các nhà khoa học cho rằng "bằng chứng hiện chưa cho thấy nhu cầu tiêm liều tăng cường trong dân số nói chung. Hiệu quả phòng bệnh (của vaccine) vẫn cao".
Còn WHO nhận định: "Nguồn cung vaccine hiện tại có thể cứu sống nhiều người hơn nếu được sử dụng cho cộng đồng chưa từng được tiêm chủng trước đây".
Một số nước, trong đó có Israel, bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường, cung cấp cho Mỹ một số dữ liệu để đưa ra kế hoạch của mình.
Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá vaccine, thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ông Marion Gruber và Phó Giám đốc FDA Phil Krause, cho rằng những người suy giảm miễn dịch có thể tiêm vaccine bổ sung. Trong tương lai, Mỹ có thể tiêm tăng cường rộng rãi hơn nếu miễn dịch do vaccine bị suy yếu hoặc biến thể mới có khả năng xuyên thủng hàng rào bảo vệ. Tuy nhiên, họ cho rằng chiến lược này để lại rủi ro nếu được thực hiện quá sớm hoặc quá thường xuyên.
Hội đồng chuyên gia của FDA sẽ họp vào ngày 17/9 để thảo luận về việc tiêm liều vaccine Pfizer thứ ba, bước đầu trong kế hoạch triển khai đại trà.
Thục Linh (Theo Reuters)