Theo bác sĩ Dương Thị Phượng, Đại học Y Hà Nội, xương không chỉ làm nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể mà còn sản xuất hồng cầu cho máu. Do đó, xương cần chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế thực phẩm không có lợi, làm suy giảm chức năng và gây nhiều bệnh về xương khớp.
Đồ uống có ga
Nước ngọt chỉ đơn thuần giúp bạn thỏa mãn cơn khát mà không cung cấp bất kỳ chất dinh dưỡng nào cho cơ thể, ngoài ra còn có axit phosphoric ảnh hưởng đến xương.
Thay vì uống nước có ga, bạn nên dùng nước trắng, nước hoa quả, sữa chua.
Rượu
Theo tiến sĩ Dina Khader, cố vấn dinh dưỡng tại Mount Kisco, New York (Mỹ), uống nhiều rượu có thể làm giảm khối lượng xương, hao mòn tế bào tạo xương, tăng nguy cơ rạn xương. Uống rượu quá nhiều còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, nhất là thần kinh.
Thức ăn quá nhiều đạm
Để khung xương chắc khỏe, chú ý đến lượng đạm cung cấp cho cơ thể, cũng không nên ăn quá nhiều thịt cá. Theo các chuyên gia, trẻ ăn quá nhiều đạm có thể bị còi xương nên cần bổ sung đầy đủ các chất.
Thực phẩm gây viêm
Theo tiến sĩ Dina Khader, ăn nhiều cà chua, nấm, hạt tiêu và cà tím có thể gây viêm xương, từ đó dẫn tới loãng xương. Những loại rau này lại nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, cũng không nên loại hoàn toàn khỏi thực đơn. Nhìn chung cần đảm bảo cơ thể hấp thụ đủ 1.200 mg canxi mỗi ngày.
Đồ uống có chứa caffeine
Uống cà phê quá nhiều gây mất ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi, ảnh hưởng đến xương. Ngoài ra, lười tập luyện thì xương chậm phát triển do không được vận động. Do đó, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, hàng ngày bạn nên dành 30 phút đến một giờ để tập luyện, nhất là người thường xuyên ngồi văn phòng.
Thùy An