Thứ tư, 15/9/2021, 07:22 (GMT+7)

5 sự cố và cuộc 'trốn thoát' trước đại dịch ở Ấn Độ

Dù suýt lỡ tàu, bị đuổi khéo khỏi khách sạn vài lần, bị hủy vé bay phút chót... chuyến đi Ấn Độ vẫn là kỷ niệm đẹp với Minh Đức.

Chuyến đi Ấn Độ đi qua 6 thành phố Jaipur - Jaisalmer - Jodhpur - Agra - Varanasi - New Delhi trong 15 ngày vào tháng 3/2020 để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng nhưng cũng bao phen suýt phải thay đổi kế hoạch hoặc bị mất thêm tiền vì những sự cố cơ bản của một khách du lịch.

Suýt lỡ tàu

Nếu là du khách đi một mình hoặc theo nhóm tự túc đến Ấn Độ, điều đầu tiên bạn cần biết về hệ thống tàu hỏa ở đây. Thứ nhất, hệ thống này không quá xô bồ, đông đúc như trong các bộ phim, ảnh vẫn hay mô tả. Thứ hai, tàu ở Ấn Độ chạy khá đúng giờ, khả năng kết nối các thành phố lớn, thuận tiện cho du khách đi lại. Tuy nhiên, cái khó với nhiều du khách tự túc là đặt được vé tàu.

Những chuyến tàu ở Ấn Độ không đến mức xô bồ, đông đúc như trên phim ảnh.

Trước khi đi, tôi đã đọc hết các bài review về tàu hỏa Ấn Độ. Về cơ bản, bạn cần đăng nhập tài khoản đặt vé tàu trên hệ thống IRCTR (website bán vé tàu), sau đó có thể đặt mua vé trực tiếp ở IRCTR hoặc qua ứng dụng di động Cleartrip. Vé tàu ở Ấn Độ thường hết rất sớm nên nếu muốn có vé ở những khoang tốt cho khách du lịch, bạn nên đặt trước 1 tháng - cũng là thời điểm website mở bán vé mới. Ngoài ra, bạn cần tránh đặt lúc 9h30 - 11h30 (giờ Ấn Độ) vì hệ thống sẽ không hoạt động.

Những tưởng xong xuôi và đặt cho mình tất cả các chặng tàu đường dài từ khi ở Việt Nam nhưng sự cố xảy ra với tôi ngay trên chuyến tàu đầu tiên từ Jaipur đi Jaisalmer. Có mặt tại ga lúc 23h, trước giờ tàu chạy 1 tiếng, nhóm chúng tôi đã cẩn thận in vé nhưng quên không kiểm tra tình trạng "confirmed" (đã xác nhận) của vé tàu. Khi đặt thành công, website chỉ xác nhận cho bạn vé ở khoang loại nào mà chưa có số ghế ngồi cụ thể.

Nửa đêm chúng tôi lên một khoang tàu đúng hạng rồi mới ngã ngửa nhận ra có rất nhiều khoang như vậy. Làm sao để biết vé của mình đã xác nhận chưa để biết số ghế và khoang tàu chính xác? Vẻ luống cuống của nhóm khách Việt khiến những người dân địa phương sốt sắng. Họ mở một ứng dụng khác có tên Ixigo trains để kiểm tra hộ. May mắn, vé của tôi đã được xác nhận và có hiện số toa, số ghế cụ thể. Toa lên nhầm ở phía đầu còn toa chính xác lại ở gần cuối. Đúng nửa đêm, tôi và bạn mình vừa ôm balo vừa cật lực chạy dọc sân ga. Khi chỉ còn vài chục giây nữa là tàu lăn bánh thì chúng tôi cũng kịp lên đúng toa.

Nếu lỡ chuyến, chúng tôi sẽ phải chờ rất lâu để bắt chuyến khác đi gần 700 km từ Jaipur tới sát biên giới phía tây Ấn Độ, nơi thành phố vàng Jaisalmer tọa lạc. Sau chuyến chạy bở hơi tai đó, kinh nghiệm là phải tải Cleartrip, Ixigo Trains và kiểm tra vé kỹ trước khi đi.

Bị đuổi khéo khỏi khách sạn

Chúng tôi đến thành phố màu hồng Jaipur sau khi từ Jaisalmer qua thành phố màu xanh Jodhpur. Thời điểm tới Jaipur, thành phố đang nhốn nháo với đoàn 60 du khách Italy và có người nghi nhiễm Covid-19. Rời nhà ga lên taxi, phải mất một lúc lâu mới tới được khách sạn nhỏ nằm sâu trong mấy con hẻm ở Jaipur. Khách sạn vắng như tờ, theo dạng kinh doanh hộ gia đình nhỏ và chỉ có vài người khách. Chủ nhà nhìn chúng tôi từ đầu tới chân. Cảm giác vắng vẻ, tối tăm của khách sạn không khiến chúng tôi lo lắng bằng vẻ ngoài dò xét của chủ nhà.

Ban đầu, chúng tôi dự định ở đó trong 3 ngày nhưng không ngờ ngay sáng hôm sau đã được chủ khách sạn báo phải chuyển đi. Họ nói phải về quê có việc gấp, dù trong khách sạn vẫn thấy thấp thoáng 2-3 khách Tây. Khi đồ đạc vừa mới gỡ ra đã phải đóng lại. Chúng tôi hiểu họ không có việc phải đi đâu mà vì nỗi sợ khách châu Á có thể mang virus Corona. Mấy đứa trẻ trên phố còn hét lớn "Corona! Corona!" khi chúng tôi đi qua.

Suốt thời gian còn lại của chuyến Ấn Độ, chúng tôi bị đuổi khéo khỏi khách sạn như vậy đến 2 lần trong khi còn 9 ngày nữa mới kết thúc chuyến đi.

Cuốc taxi giá 'cắt cổ'

Từ Jaipur, chúng tôi đi tới Agra, thành phố nổi tiếng với Taj Mahal, tạo thành một tam giác du lịch nổi tiếng New Delhi - Agra - Jaipur của Ấn Độ. Tài xế taxi đón chúng tôi là một người được khách sạn tại Agra giới thiệu, thân thiện và trò chuyện nhiều. Chúng tôi sẽ chỉ ở Agra một ngày rồi sau đó lên tàu tới Varanasi. Tôi hỏi tài xế chi phí vì ngày mai muốn đi hai địa điểm rồi buổi chiều ra ga tàu.

Đức ngắm nhìn Taj Mahal từ cửa vòm một công trình khác.

Anh tài rất vui vẻ "Đừng lo bạn tôi ơi. Rẻ thôi" rồi anh ra giá "800.000 đồng" (tôi đã đổi ra tiền Việt) "cho tất cả".

Cứ nghĩ cuộc nói chuyện như vậy là ngã ngũ, thậm chí tôi còn nhắn tin lại để xác nhận. Chuyện bình thường cho tới chiều hôm sau, khi chuẩn bị ra ga để rời Agra, tài xế đòi thêm số tiền bằng gần 1 triệu đồng nữa và giải thích: "Tất cả như anh nói là tất cả 4 người (nhóm có 4 người) chứ không phải tất cả các chặng". Tôi bực bội vì lần đầu tiên bị lừa tại Ấn Độ một cách không rõ ràng. Cuối cùng, sau một hồi thương lượng, nhóm chấp nhận mức giá ở giữa.

Bạn nên cẩn thận với các lần hỏi giá cả tại Ấn Độ. Có rất nhiều bài viết về những kiểu lừa cơ bản để tránh như giá cả nhập nhằng, lừa đảo khi đổi tiền, có người nói rằng vé tàu của bạn không hợp lệ và đòi thêm tiền, người đánh giày ở Delhi... Đôi khi mất tiền không khó chịu bằng việc mua bực vào người.

Lễ hội Holi bạo lực

Chúng tôi tới Ấn Độ đúng dịp tháng 3 để vừa kịp tham gia Holi - lễ hội bột màu nổi tiếng của Ấn Độ. Thành phố linh thiêng gắn với Hindu giáo và đạo Phật. Varanasi là nơi chúng tôi tới tham gia lễ hội nổi tiếng này. Tuy nhiên, không ai dặn rằng Holi không những đẹp và đông vui mà còn lộn xộn và... bạo lực.

Những người bạn cùng Đức đi Ấn Độ tham gia lễ hội Holi.

Phải thật cẩn thận với những cú ném bóng nước từ trên mái nhà có thể khiến bạn bị đau và bất ngờ. Không chỉ ném bột màu, nhiều người còn bắn súng nước, ném bóng và đặc biệt là trò... xé áo. Nhập gia tùy tục nhưng chúng tôi thực sự ngơ ngác khi một đám thanh niên lao vào xé áo một cách đầy thô bạo, dù chúng tôi có cố giữ. Hòa vào đám lễ hội với người dân địa phương xong, chúng tôi cũng khóc dở mếu dở khi áo ai cũng bị te tua.

Nếu đi cùng khách nữ, các bạn nên cân nhắc kỹ có muốn ra phố chơi Holi không hay tận hưởng tiệc nhỏ trong khách sạn. Tình trạng say xỉn, đánh lộn cũng xảy ra giữa các thanh niên địa phương trong mùa lễ hội. Kỳ thực, suốt vài tiếng đồng hồ tham gia lễ hội ném bột, chúng tôi không gặp một cô gái địa phương nào.

Mắc kẹt hụt

Ba ngày cuối cùng, chúng tôi đã yên vị tại thủ đô New Delhi, cũng là điểm cuối của hành trình tự túc du lịch Ấn Độ. Người thân ở nhà bắt đầu gửi nhiều tin nhắn lo lắng khi số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ tăng lên cũng như việc Việt Nam siết chặt quy định với người bay từ nước ngoài về. Lòng tôi và bạn bè như lửa đốt, chỉ mong được nhanh về nhà.

Nỗi lo về dịch bệnh càng lớn hơn khi Ấn Độ ra thông báo khoảng một tuần nữa sẽ dừng các chuyến bay thương mại ra vào đất nước. Tôi mở điện thoại kiểm tra chuyến bay của mình thì tin dữ tiếp theo ập tới: Chuyến bay về Việt Nam, trung chuyển ở Malaysia, đã bị hủy.

Nháo nhào tìm vé mới, lựa chọn duy nhất lúc đó để tiết kiệm thời gian là Air Asia với chuyến bay thẳng mới khai thác Hà Nội - New Delhi. Tuy nhiên, các chuyến này mỗi tuần chỉ có hai chuyến và thời điểm đó không biết có bị hủy không vì không có nhiều khách. Vừa kiểm tra vé, tôi vừa cầu nguyện để rồi thở phào khi nhìn thấy hiển thị: Còn hai chuyến về Hà Nội trước ngày Ấn Độ đóng biên giới, một chuyến tối hôm sau và một chuyến 3 hôm nữa. Tôi đặt luôn chuyến hôm sau. Ngày rời khỏi Ấn Độ, cảm giác vừa nhẹ nhõm, vừa tiếc nuối đất nước tươi đẹp này.

Khi chọn một đất nước hoàn toàn xa lạ để khám phá, bạn sẽ không tránh khỏi các vấn đề nảy sinh, đôi khi không thể kiểm soát khi kinh nghiệm còn ít ỏi. Tuy nhiên, đằng sau mỗi sự cố là rất nhiều bài học để bạn có thêm kỷ niệm và kinh nghiệm cho những hành trình sau này.

Bài và ảnh: Minh Đức

Khách Việt lần đầu xem thủy táng, hỏa táng trên sông Hằng

Khách Việt băng sa mạc Thar trên lưng lạc đà

Một ngày ở thành phố xanh của châu Á