Varanasi là một trong những thành phố linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Suốt bề dày lịch sử, Varanasi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả tín đồ Hindu giáo và Phật giáo. Trong tâm tưởng các tín đồ Hindu, đây là thành phố do thần Shiva tôn kính lập ra và sông Hằng chảy từ thiên đường qua Varanasi. Với Phật giáo, vùng đất này là nơi thuyết pháp lần đầu của Phật tổ. Nơi đây cũng có nhiều ngôi chùa châu Á, trong đó cả một ngôi chùa Việt Nam mang tên Đại Lộc.
Được mệnh danh là thành phố thánh,Varanasi hấp dẫn không chỉ các tín đồ Hindu và Phật giáo mà cả du khách thập phương. Đa phần khách Việt tới đây để hành hương về vườn Lộc Uyển (Sarnath) - một trong Tứ Động Tâm của Phật Giáo, rồi tiếp tục hành trình tới những thánh địa khác.
Dưới đây là trải nghiệm ở Varanasi của Minh Đức, một bạn trẻ Hà Nội sau chuyến du lịch Ấn Độ tự túc dài 15 ngày đầu tháng 3/2020.
Tôi có cơ hội tới thành phố Varanasi vào đúng Holi - một trong những lễ hội quan trọng nhất với hơn 1 tỷ dân trên khắp Ấn Độ. Tuy nhiên, Holi tại thành phố đây không có quá nhiều khác biệt. Điều níu chân tôi và nhiều người khác ở đây là dòng sông Hằng và cuộc sống thường nhật ở đôi bờ. Varanasi có tuổi đời lớn hơn cả lịch sử Phật giáo thế giới. Nhiều người nói, có những phong tục, nét sinh hoạt của người dân nơi đây qua hàng nghìn năm vẫn được gìn giữ.
Dù không có quá nhiều điểm du lịch, Varanasi vẫn là địa điểm khiến du khách mê đắm. Thành phố phảng phất những nét riêng biệt với không khí điển hình của Ấn Độ. Trong vô vàn những trải nghiệm văn hóa - tâm linh, nhiều người mong nhìn thấy nhất là lễ thủy táng, hỏa táng người chết ở sông Hằng.
Ở đây 3 ngày 2 đêm, tôi có cơ hội đón 2 buổi bình minh trên sông Hằng. Bất cứ khi nào bạn tới Varanasi, mọi người đều khuyên bạn hãy dành thời gian thức dậy thật sớm để ngắm mặt trời mọc. Các lễ hỏa táng, thủy táng được thực hiện bất kể lúc nào trong ngày nhưng tận mắt xem cuộc tiễn đưa người chết về miền cực lạc trong buổi bình minh vẫn đáng nhớ hơn cả.
Người Ấn Độ tin rằng, nếu chết ở sông Hằng họ sẽ thoát khỏi vòng luân hồi. Niềm tin ấy đã khiến nhiều người từ khắp mọi miền đất nước đưa người thân qua đời về đây. Dọc theo dòng sông có 87 Ghat (khu bậc thang dẫn xuống sông), nhưng ngày nay việc hỏa thiêu chỉ được tiến hành ở 2 Ghat. Manikarnika Ghat là nơi duy nhất du khách có thể thấy cảnh thủy táng cả ngày.
Buổi sáng đầu tiên cũng là lần đầu tôi thấy nghi lễ hỏa táng. Chụp ảnh và quay phim cảnh hỏa thiêu là điều bất kính với người địa phương. Bạn nên đứng quan sát từ xa. Thi thể một người đàn ông gầy gò, nhỏ bé, được đặt lên giàn hỏa thiêu trên Ghat. Người chết là đàn ông được đặt nằm ngửa, là phụ nữ đặt nằm sấp. Trước đó, người nhà đã đưa thi thể xuống tắm nước sông và bôi dầu để hạn chế mùi khi đốt.
Người nhà làm lễ, con trai đi quanh giàn thiêu, mọi người khấn cầu, ngọn lửa bốc lên cùng khói nghi ngút. Lửa không cháy lớn nhưng khói làm mờ mịt.
Nhiều người nghèo không có tiền mua củi thì thi thể sẽ được thả xuống sông. Một số trường hợp người chết không được thiêu như trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị rắn hay hổ mang cắn... Người giàu để thi thể người thân trên giàn gỗ đàn hương, thiêu đến khi còn một phần cốt thì đem về chôn.
Trái với cảnh im lặng, u tịch ở nơi làm lễ, góc bờ sông cách đó không xa, người dân vẫn tắm giặt, sinh hoạt, dầm mình trong làn nước lạnh buổi sáng như không có chuyện gì xảy ra.
Buổi bình minh thứ hai, tôi chứng kiến một lễ thủy táng. Khi thuyền chở xác đi xa, khách du lịch mới dám đưa máy lên chụp dòng sông, chỉ thấy ánh mặt trời đỏ ối. Lễ thủy táng có phần đơn sơ, nhanh gọn hơn bởi các gia đình nghèo không có điều kiện hỏa táng.
Thi thể một người phụ nữ nghèo được người thân buộc chặt trên cáng, quấn thêm vải và hoa rải bốn bên. Thuyền nhỏ đưa thi thể ra giữa dòng sông rồi thả xuống. Thi thể nặng vì buộc đá sẽ chìm sau vài giây.
Đi loanh quanh khu vực sông Hằng, bạn còn thấy những "khách sạn" dành cho người chờ chết. Cái chết với người Ấn Độ là mở đường cho một hành trình mới tới miền cực lạc. Sông Hằng như "cánh cửa" dẫn lối. Dù nghèo hay giàu, hỏa táng hay thủy táng, họ cũng nguyện cầu cho người thân tìm tới con đường giải thoát.
Trải qua hàng nghìn năm nhưng những tập tục như hỏa táng, thủy táng, thanh tẩy trên sông Hằng hầu như không bị tác động nhiều. Nhìn ngắm dòng sông Hằng và chứng kiến các nghi lễ đó, nhiều du khách thấy lòng mình bớt xáo động. Với tôi, chuyến du lịch Ấn Độ dài nửa tháng chủ yếu là sự nhộn nhạo với sân ga đông đúc, Taj Mahal đông nghẹt người, lễ hội Holi náo nhiệt và đầy sắc màu thì riêng những ngày bên sông Hằng là khoảng tĩnh lặng để suy ngẫm về cả hành trình.
Lưu ý khi du lịch Varanasi:
Các hoạt động du lịch chỉ tập trung ở khu phố cổ bên bờ sông Hằng, bạn hãy xem bản đồ kỹ để đặt các khách sạn, nhà nghỉ gần đó.
Một số điểm linh thiêng không cho khách nước ngoài vào, bạn nên kiểm tra thông tin trước.
Không nên chụp ảnh quay phim các nghi lễ hỏa táng. Ngoài hoạt động hỏa táng, thủy táng, lễ cúng Aarti do các đạo sĩ Hindu thực hiện mỗi ngày bên bờ sông Hằng vào bình minh và hoàng hôn cũng thu hút du khách.
Nếu muốn tới Lộc Uyển (Sarnath), bạn có thể đi taxi hoặc tuktuk. Vườn Lộc Uyển và cụm các chùa châu Á cách khu vực Ghat sông Hằng khoảng 15 km.
Bạn có thể mua các sản phẩm như khăn, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ tại Varanasi làm quà lưu niệm.
Khung cảnh kỳ lạ ven sông Hằng giữa Covid-19
Minh Đức
Xem thêm: