Bác sĩ Nguyễn Quang Thái Dương, trưởng Đơn vị Can thiệp mạch tạng, phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, ung thư gan thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao. Ghi nhận của cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IACR), năm 2020, Việt Nam ghi nhận 26.418 ca ung thư gan mới, chiếm tỷ lệ 14,5%, cao nhất trong các bệnh ung thư phổ biến.
Theo bác sĩ Dương, phẫu thuật cắt và ghép gan vẫn được xem là phương pháp điều trị mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến số lượng bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật như vị trí, kích thước khối u, số lượng u, phần thể tích mô gan còn lại sau phẫu thuật cắt gan, độ tuổi, các bệnh lý khác như tim mạch và mức độ xơ gan... Hiện, tỷ lệ bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt gan tại nhiều trung tâm trên thế giới khoảng 10-20%.
Bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật thì sẽ được điều trị như thế nào? Trả lời câu hỏi này, bác sĩ Dương cho hay, còn một nhóm điều trị khác là không phẫu thuật. Hiện, các phương pháp này chiếm tỷ lệ khoảng 40-60% trong tất cả phương pháp điều trị ung thư gan.
Nhóm hủy u tại chỗ
Hủy u tại chỗ gồm nhiều phương pháp, như hủy u bằng tiêm cồn 99 độ hoặc acid acetic, bằng dòng điện cao tần (RFA), bằng sóng vi ba (MWA) hay hủy u bằng nhiệt lạnh (CryoA)...
Trong đó, hủy u bằng dòng điện cao tần (RFA) là phổ biến nhất tại nhiều trung tâm y khoa trên thế giới. RFA hoạt động theo cơ chế đưa một kim điện cực xuyên khối u và hủy mô ung thư. Mô ung thư sẽ bị dòng nhiệt nóng làm hoại tử. Các phương pháp điều trị RFA có thể thực hiện qua da, qua phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở.
Hủy u gan RFA là một phương pháp điều trị ung thư tế bào gan hiệu quả, ít tai biến và biến chứng. Đối với khối u có kích thước dưới 3-4 cm, hiệu quả điều trị của RFA tương đương với phẫu thuật cắt u. Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM đã thực hiện khoảng 3.000 ca FRA thành công.
Nhóm can thiệp nội mạch (TACE/TOCE)
Đây là phương pháp đưa hóa chất trực tiếp vào khối u và làm tắc nhánh mạch máu nuôi u, nhằm khống chế sự phát triển của khối ung thư và hạn chế ảnh hưởng của hóa chất đến các mô xung quanh. Hơn 6.000 bệnh nhân ung thư gan đã can thiệp nội mạch tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông nhỏ (catête) đưa vào hệ động mạch trong cơ thể tại vùng bẹn qua động mạch đùi. Dưới màn hình huỳnh quang, bác sĩ luồn ống thông lên động mạch gan để chụp xác định động mạch nuôi khối u. Hỗn hợp hóa chất được bơm vào khối u và làm tắc nhánh động mạch nuôi u. Sau khi hoàn tất, ống thông được rút ra khỏi cơ thể.
Nhóm truyền hóa chất qua động mạch gan
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ truyền trực tiếp hóa chất vào khối u định kỳ theo phác đồ điều trị.
Giống như kỹ thuật TACE, bác sĩ luồn ống thông vào động mạch gan. Nhưng sau đó ống thông được lưu lại trong cơ thể. Đầu ngoài ống thông nối với cổng để vào hóa chất.
Nhóm hóa trị toàn thân trúng đích
Mục tiêu của kỹ thuật này là sử dụng hóa trị để khống chế tế bào khối ung thư phát triển. Thuốc hóa trị tập trung nhằm ức chế tế bào ung thư phát triển và sự tạo lập mạch máu nuôi khối u.
Chỉ định điều trị bằng liệu pháp trúng đích thường được áp dụng cho những trường hợp khối ung thư đã di căn xa (di căn phổi, xương...) hoặc xâm lấn mạch máu như tĩnh mạch cửa hoặc tĩnh mạch gan.
Nhóm xạ trị
Tương tự TACE, các chất phóng xạ được đưa trực tiếp theo đường nội mạch vào khối u. Hoặc bệnh nhân được dùng các thiết bị chiếu tia xạ từ bên ngoài cơ thể vào khối u.
Tuy nhiên, những phương pháp xạ trị này chưa được đưa vào phác đồ hướng dẫn điều trị ung thư gan của các hiệp hội hành nghề trên thế giới.
Bác sĩ Dương chia sẻ, sự phát triển của kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra các phương pháp điều trị ung thư mới. Mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết điểm khác nhau. Hơn nữa, mỗi bệnh nhân là một cá thể đặc biệt, có thể trạng, giai đoạn bệnh lý, cơ địa, điều kiện kinh tế, mong muốn... khác nhau. Do đó, không có phương pháp nào là "mẫu số" chung tốt nhất cho tất cả bệnh nhân ung thư.
Để điều trị ung thư đạt hiệu quả cao nhất, kéo dài thời gian sống, bác sĩ Dương khuyên người bệnh chọn lựa cơ sở y tế có đơn vị u gan và đầy đủ các phương pháp điều trị. Bệnh nhân và gia đình cần trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để tham gia quyết định phương pháp phù hợp cho từng giai đoạn. Hiệu quả trong suốt quá trình điều trị bệnh ung thư gan là kết quả của sự phối hợp nhiều phương pháp. Và đặc biệt, cần sự tuân thủ và hợp tác của người bệnh với nhân viên y tế.
Thư Anh